Trong mùa báo cáo tài chính bán niên 2021, ngành cao su là một trong những điểm sáng. Với 101 công ty con, 16 công ty liên kết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đạt kết quả kinh doanh vượt bậc trong ngành. Doanh thu thuần bán niên hơn 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 182% so với cùng kỳ. Tuy trong quý II, doanh nghiệp đầu ngành này giảm lợi nhuận nhưng mức giảm lại đến từ hoạt động tài chính và mảng kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vẫn tăng mạnh, đạt gần 4.500 tỷ đồng, thoát khỏi khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Các công ty con tiêu biểu trong GVR cũng đạt kết quả kinh doanh tốt. 6 tháng đầu năm, Cao su Tân Biên (RTB) có hơn 375 tỷ đồng doanh thu và hơn 120 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 167% và 284% so với cùng kỳ. Cao su Bà Rịa (BRR) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ba con số với 35 tỷ đồng, tăng 170%.
Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực trồng và chế biến mủ cao su, Cao su Phước Hòa (PHR) vẫn tăng trưởng. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu bán niên tăng 87% lên hơn 590 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của công ty đạt gần 52 tỷ đồng, tăng hơn 640%. Tương tự với Cao su Hòa Bình (HRC), doanh nghiệp này có doanh thu tăng nhẹ và thoát khỏi khoản lỗ thuần bán niên gần 3 tỷ đồng năm ngoái vào kỳ báo cáo này. Tuy nhiên, lãi ròng hợp nhất của các công ty trên lại giảm do giảm các khoản doanh thu khác. Riêng lợi nhuận Cao su Phước Hòa giảm đến 69% trong 6 tháng đầu năm.
Nằm trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn trong ngành, Cao su Đồng Phú (DPR) kỳ này cũng tăng trưởng hai con số. 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp này tăng gần gấp rưỡi. Dù vậy, con số thực tế của hai chỉ tiêu trên chỉ mới hoàn thành khoảng 40% kế hoạch doanh thu và một phần tư kế hoạch lợi nhuận năm.
Có quy mô doanh thu và lợi nhuận không chênh lệch quá nhiều, kỳ này Cao su Đăk Lăk (DRG) thoát lỗ. Thay vì ghi nhận lợi nhuận âm gần 30 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã lãi hơn 76 tỷ đồng trong 6 tháng. Cao su Miền Nam (CSM) cũng ghi nhận tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt gần 2.500 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng cao là nguyên nhân giúp các doanh nghiệp cao su lãi đậm kỳ này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt hơn 714.000 tấn. Trị giá xuất khẩu vào khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 88% so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt hơn 1.680 USD một tấn, tăng khoảng 4,5 lần so với mức 373 USD một tấn của 6 tháng năm 2020.
Cao su Tân Biên cho biết, giữa niên độ năm 2021, bán gần 6.000 tấn cao su với giá bình quân 41,4 triệu đồng một tấn. Mức giá trên cao hơn cùng kỳ đến 9,35 triệu đồng một tấn. Ghi nhận giá bán ở mức tương tự, Cao su Bà Rịa cho biết, giá cao su trong quý II tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 42,3 triệu đồng một tấn. Với sản lượng tiêu thụ hơn 2.200 tấn, công ty này thu về hơn 93 tỷ đồng. Bán được ở mức giá cao hơn, mỗi tấn "vàng trắng" đem về cho Cao su Đồng Phú gần 46 triệu đồng. Mức giá này cao hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACBS dẫn số liệu của Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu cao su (ANRPC) cho biết, tổng lượng tiêu thụ cao su đã phục hồi từ mốc thấp của đầu năm ngoái. Giá mặt hàng này tăng do sự sụt giảm nguồn cùng trên thế giới, dịch bệnh hoành hành và giá dầu thô đang leo thang.
ACBS dự báo, giá cao su có thể duy trì mức 230 JPY một kg cho cả năm nay, cao hơn 44% mức bình quân năm ngoái. Việc này có thể tạo tác động tích cực với các nhà sản xuất cao su nhưng lại gây bất lợi đối với các doanh nghiệp săm lốp.
Ý kiến ()