Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
Đặc sắc chương trình “Lời Người vang vọng non sông”
Chủ nhật, 13/10/2024 | 06:27:00 [GMT +7] A A
“Lời Người vang vọng non sông” là chương trình giao lưu nghệ thuật vừa được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội Cựu chiến binh tỉnh - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024). Chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa những thước phim lịch sử, những phần giao lưu ý nghĩa cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, lắng đọng nhiều xúc cảm trong lòng người xem.
Chương trình được tổ chức tại TP Hạ Long vào tối 4/10 vừa qua, là hành trình giàu cảm xúc đưa người xem cùng trở về với tháng 5, năm 1965 lịch sử, khi Bác Hồ bắt đầu những dòng đầu tiên của tài liệu "tuyệt đối bí mật". Những thước phim xúc động về cảnh Bác ngồi viết ở ghế mây hoặc đánh máy ở bàn gỗ, có cả chiếc máy chữ Hermet, Bác tự tay viết hoặc đánh văn bản Di chúc (bản năm 1965) hay thời khắc 9h47 ngày 2/9/1969, Bác ra đi sau một cơn đau tim, trở thành "phút ngưng của lịch sử".
Bên cạnh những đoạn phim tư liệu về bản Di chúc, chương trình còn được nối liền bởi những phần giao lưu xúc động. Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Lê Long Triệu, người từng có 19 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, mang trên mình thương tật vĩnh viễn với 1 viên đạn vẫn ghim trong não và đôi chân không còn lành lặn. Ông rưng rưng kể những câu chuyện bi thương nhưng hào hùng, về sự mất mát đổi lại vinh quang cho đất nước, về nhiệt huyết bùng cháy của lớp thanh niên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc suốt một thời bom đạn. Cả khán phòng nghẹn ngào khi nghe ông cất lên những lời ca nức nở của ca khúc “Cúc ơi” của tác giả Nguyễn Trung Nguyên phổ thơ Yến Thanh; về tội ác giặc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc 1968 đã giết chết 10 cô gái thanh niên xung phong nơi ngã ba Đồng Lộc: “Tiểu đội xếp hàng ngang/ Không thấy em về Cúc ơi!/ Chín bạn đã quây quần/ Chỉ còn thiếu mình em thôi/ Em nằm nơi mô mịt mù khói lửa/ Đồng Lộc xác xơ cánh chim lìa bầy…”.
Đó còn là những lời lẽ bay bổng mà thấm thía của ca khúc “Đất nước nâng bước ta đi” do nhạc sĩ - ca sĩ trẻ Bùi Tuấn Ngọc, một người con của Vùng mỏ Quảng Ninh sáng tác và biểu diễn. Từng giai điệu, từng lời ca là những khúc tri ân của thế hệ trẻ gửi tới những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất nước nhà: “Mỗi bước chân mỗi cung đường hàng ngày chúng ta qua/ Là tháng năm đấu tranh, đêm ngày nghe tiếng bom dội xuống/ Là khi mất đi người thân, phải nén tiếng khóc vào trong/ Tay chắc súng, vai kề vai, đồng đội giữ yên Tổ quốc…”.
Những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, với chùm những ca khúc lắng đọng về Bác Hồ do chính những ca sĩ, nghệ sĩ của Quảng Ninh như Đức Bắc, Đức Lương, Thanh Tâm, Phương Anh biểu diễn cùng những tiết mục độc tấu sáo, đàn bầu của các hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đưa khán giả vào không gian âm nhạc giàu tính nghệ thuật và thấm đẫm cảm xúc; khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, của tình hữu nghị, của đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó còn là chặng đường hơn nửa thế kỷ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã đoàn kết một lòng thống nhất quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác.
55 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ động viên để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vững bước đi lên giành thắng lợi không chỉ trong những chặng đường lịch sử đã qua, mà cho cả hiện tại và tương lai. Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Quảng Ninh một lòng hướng về Bác, kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, nguyện dựng xây Quảng Ninh trở thành vùng đất "Rộng lớn và bình yên" như lời Bác căn dặn.
Chu Linh
Liên kết website
Ý kiến ()