Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:42 (GMT +7)
Lợi ích kép từ công nghệ chống lò bằng vì neo
Thứ 6, 22/07/2022 | 14:07:19 [GMT +7] A A
Ứng dụng lần đầu vào năm 1999, công nghệ chống giữ lò bằng vì neo được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường sản xuất than hầm lò an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, phải hơn 6 năm sau đó, vì neo mới chính thức được áp dụng tại một số đơn vị có điều kiện phù hợp, với một tỷ lệ rất thấp. Đến nay, mặc dù tỷ lệ này vẫn chưa thật sự cao như kỳ vọng của TKV (khoảng 13%), nhưng những lợi ích mà vì neo mang lại cho các mỏ rất đáng kể. Đó là khả năng chống giữ chủ động, tiết kiệm chi phí vật tư, nhân công, tăng tốc độ đào lò và khai thác, đảm bảo an toàn lao động.
Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin áp dụng công nghệ chống giữ lò bằng vì neo từ năm 2017 và hiện là mỏ hầm lò có tỷ lệ lò vì neo lớn nhất TKV - trên 60%. Về điều kiện thi công, vì neo được những người thợ đào lò của Than Núi Béo đánh giá là đơn giản, thuận tiện hơn so với hình thức chống giữ bằng vì sắt và gỗ.
Anh Nguyễn Văn Quyết, tổ trưởng tổ sản xuất của Công trường Đào lò 5, Công ty CP Than Núi Béo cho biết, một thanh vì chống lò bằng sắt có trọng lượng từ 70-140kg, trong khi một bộ neo chỉ nặng 11kg. Như vậy, việc sử dụng kết cấu chống bằng vì neo giúp công tác vận chuyển cũng như lắp đặt thuận lợi hơn nhiều so với phương pháp chống lò bằng vì sắt và gỗ. Người thợ cũng giảm được cường độ lao động nặng nhọc.
Đáng chú ý, nhờ đặc tính kỹ thuật là kéo - giữ, vì neo giúp tăng cường độ ổn định của thành vách lò, từ đó đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Với những lợi ích về điều kiện thi công đơn giản, mức tiêu hao vật tư và nhân công thấp, năng suất lao động cao, vì neo hiện đang trở thành công nghệ đào lò tối ưu tại mỏ hầm lò Núi Béo.
Không riêng Than Núi Béo, hầu hết các đơn vị sản xuất hầm lò còn lại trong TKV cũng đang ưu tiên phát triển công nghệ đào chống lò bằng vì neo tại những diện có điều kiện địa chất phù hợp. Tại một số mỏ, vì neo đã trở thành công nghệ truyền thống và chiếm tỷ lệ từ 45-60% tổng số mét lò đào mới.
Theo ông Đỗ Mạnh Cường, Trưởng ban Kỹ thuật - Công nghệ Mỏ TKV, kết cấu chống giữ lò bằng vì neo có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các loại hình kết cấu chống khác, như: Lưới thép, bê tông phun, khung thép để tạo thành kết cấu chống tổ hợp. Hiện nay, các đơn vị đang áp dụng phổ biến một số hình thức neo, như: Neo chất dẻo cốt thép, neo cáp, neo hỗn hợp.
Với lò đá có kết cấu đá cứng, các mỏ đang thực hiện chống giữ bằng phương pháp neo sử dụng chất dẻo cốt thép kết hợp với lưới thép và bê tông phun; neo bê tông cốt thép sử dụng phụ gia đông cứng nhanh kết hợp lưới thép và bê tông phun. Với lò đá mềm, các mỏ áp dụng neo bê tông cốt thép sử dụng phụ gia đông cứng nhanh Sika Rokkon kết hợp neo cáp và lưới thép. Còn tại các lò chợ, các mỏ sẽ sử dụng vì neo chất dẻo cốt thép kết hợp neo cáp hoặc lưới thép. Bên cạnh đó, để phát huy tối đa hiệu quả các phương pháp neo, các đơn vị cần tăng cường cơ giới hóa đào lò theo hướng đồng bộ.
Việc phát triển mạnh mẽ công nghệ chống giữ lò bằng vì neo này giúp cho TKV đẩy nhanh được tốc độ đào lò, tiết giảm được chi phí sản xuất, đồng thời thúc đẩy các dự án khai thác ra than theo đúng kế hoạch.
Mặc dù TKV đã nhận rõ được những lợi ích mà công nghệ chống giữ lò bằng vì neo mang lại cũng như đã rất nỗ lực để đẩy mạnh áp dụng công nghệ này, nhưng hiện nay, số mét lò neo trong toàn Tập đoàn mới chỉ đạt trên 13% tổng số mét lò đào mới. Phải đến tận năm 2025, TKV mới phấn đấu tăng tỷ lệ này lên 15%. Nguyên nhân khách quan chủ yếu tập trung vào trở ngại về điều kiện địa chất.
Tại nhiều nước trên thế giới, trữ lượng than hầm lò tập trung tại các vỉa than dày, góc dốc thoải, chiều dài theo phương lớn và ổn định, thì hầu hết các vỉa than hầm lò vùng Quảng Ninh có chiều dày từ mỏng đến dày trung bình, góc dốc lớn, chiều dài theo phương ngắn và thường bị chia cắt bởi các phay phá địa chất. Vì vậy, việc triển khai áp dụng công nghệ vì neo của TKV trong những năm vừa qua vẫn đang chỉ dừng lại ở mức lựa chọn được một số vị trí có điều kiện phù hợp để áp dụng.
Với mục tiêu đưa vì neo trở thành công nghệ phổ biến hơn nữa, trong định hướng phát triển, TKV chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy và cách tiếp cận, chủ động triển khai áp dụng khi điều kiện địa chất, kỹ thuật cho phép. Mặt khác, Tập đoàn cũng tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thích hợp cho các đơn vị, khu vực khai thác triển khai áp dụng công nghệ này.
"Về lâu dài, TKV xác định tăng cường phối hợp với các đơn vị tư vấn, thiết kế để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đầu tư bổ sung thiết bị công nghệ mới phục vụ công tác khai thác than hầm lò theo hướng đồng bộ, nhằm nâng cao năng suất, giảm sức lao động, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh" - ông Đỗ Mạnh Cường cho biết thêm.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()