Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:54 (GMT +7)
Lợi ích của tiêm vaccine COVID-19 vượt trội so với rủi ro
Thứ 5, 16/09/2021 | 10:38:42 [GMT +7] A A
Một số trường hợp tiêm chủng kéo theo tác dụng phụ, nhưng cực kỳ hiếm xảy ra và điều này cũng đúng với thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Các nước châu Âu đã mở rộng tiêm chủng cho thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, nhằm hạn chế lây lan virus và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Bước tiếp theo là cân nhắc tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi, tuy nhiên hiện nay các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã khuyến cáo ngay từ cuối tháng 5 rằng nên tiêm vaccine cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Tại Pháp, tới đầu tháng này, hơn một nửa tổng số thiếu niên trong độ tuổi đã tiêm chủng xong. Nước Anh cũng dự định làm như nước Pháp, khuyến cáo tiêm chủng cho mọi thiếu niên chứ không chỉ cho người có bệnh nền.
Bà June Raine - Cơ quan Dược phẩm Anh cho rằng: "Đúng là một số trường hợp tiêm chủng kéo theo tác dụng phụ, nhưng cực kỳ hiếm xảy ra và đều là những trường hợp nhẹ. Các cá nhân thường hồi phục sau một thời gian ngắn điều trị thông thường. Lời khuyên của chúng tôi vẫn là, lợi ích của tiêm chủng vượt trội so với rủi ro, và điều này cũng đúng với thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi".
Những người ủng hộ tiêm chủng cho thiếu niên lập luận rằng, có tiêm chủng cho toàn bộ thiếu niên thì trường học mới hoạt động bình thường, tránh được tình trạng nay lớp này cách ly, mai nhóm kia phải nghỉ học. Nhìn toàn cảnh thì tiêm chủng càng nhiều, virus càng khó lan rộng và khó tạo biến chủng mới. Thiếu niên trẻ khỏe nhiễm virus có thể không phát triển thành bệnh, nhưng vẫn là nguồn lây lan cho cha mẹ hay ông bà trong gia đình.
Ông Vincent Maréchal - Giáo sư vi trùng học, Đại học Sorbone Paris, Pháp cho biết: "Thanh thiếu niên là độ tuổi có mật độ tiếp xúc xã hội cao, có nhiều bạn bè, nhiều hoạt động tập thể, do vậy nguy cơ chuyển tải virus rất cao. Chúng ta phải có kế hoạch tiêm chủng nhằm cắt đứt chuỗi luân chuyển virus trong nhóm độ tuổi đó".
Những người phản đối thì lập luận rằng, trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine, các hãng dược mới tiến hành thử nghiệm trên người lớn là chủ yếu, khó biết hết tác dụng phụ của vaccine đối với thiếu niên và còn khó biết hơn nữa đối với trẻ em dưới 12 tuổi.
Ông Adam Finn - Thành viên Ủy ban tiêm chủng và miễn dịch, Anh nói: "Chúng ta biết rằng vaccine có tác dụng ngăn ngừa nhiễm virus, nhưng chúng ta cũng biết rằng trẻ em, những trẻ khỏe mạnh từ 12 đến 15 tuổi, rất hiếm khi bị bệnh nặng nếu nhiễm virus. Trên thực tế, vaccine vẫn có những tác dụng phụ, mặc dù rất hiếm, mà chúng ta chưa thực sự hiểu hết vào thời điểm này. Có nghĩa là, chưa thể chắc chắn điều gì".
Trong lúc ở châu Âu vẫn đang vừa tiêm chủng vừa tranh luận, thì nước Mỹ đã có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Cuba còn gây bất ngờ hơn khi đã bắt đầu chủng ngừa cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Vaccine có hiệu quả đối với người từ 12 đến 17 tuổi, không có rủi ro nghiêm trọng
Một nghiên cứu ban đầu của hãng dược Pfizer công bố cho biết, có một tỷ lệ rất nhỏ người trẻ tiêm xong bị viêm cơ tim, nhưng đều nhẹ và chóng khỏi. Hiện các nghiên cứu, thử nghiệm vẫn đang tiếp tục và cần thêm thời gian.
Thực tế là, tới lúc này, chúng ta chưa biết gì nhiều về tác dụng phụ của vaccine đối với thiếu niên, nhưng chúng ta biết được rằng, nếu không tiêm chủng, nếu bị nhiễm corona virus, thì một số rất ít thiếu niên đang có bệnh nền như hen suyễn hay tim mạch cũng bị nặng. Các nước vẫn nhấn mạnh lợi ích tổng thể, chỉ đẩy lui đại dịch nếu tất cả những người có thể chuyển tải virus đều được chủng ngừa.
Tiêm chủng cho thiếu niên có giống người lớn
Các nước châu Âu tiêm chủng cho người lớn theo cùng cách, nhưng tiêm cho thiếu niên thì giữa mỗi nước có khác biệt đôi chút. Thụy Điển và Na Uy chỉ tiêm chủng cho thiếu niên có bệnh nền.
Trước khi có biến chủng Delta thì nước Đức cũng làm như vậy, nhưng sau đó nước Đức mở rộng tiêm cho toàn bộ thiếu niên. Đan mạch và Tây Ban Nha cũng tiêm cho tất cả thiếu niên, nhưng chỉ tiêm một liều vaccine, chứ không có mũi nhắc lại thứ hai. Pháp thì tiêm cho trẻ em hai liều vaccine như tiêm cho người lớn, vì đây là trẻ chưa thành niên, nên ngoài việc trẻ đồng ý tiêm chủng, thì cũng phải được bố hoặc mẹ chấp thuận. Đây là chủ đề nhạy cảm vì liên quan tới trẻ em, cho nên các nước châu Âu đều rất thận trọng.
Từ những ngày đầu của đại dịch, trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm đối tượng ít có các bệnh lý nền và được đánh giá ít có khả năng bệnh tiến triển nặng nếu mắc COVID-19. Thế nên, đã có sự tranh luận về việc làm sao cân bằng giữa các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine và giá trị thực sự của việc chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em.
Đến nay, trước những số liệu mới đầy lo ngại về dịch bệnh, thì những nơi đạt tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao đang chuyển hướng chiến lược vaccine sang trẻ em, vì dù các em có mắc bệnh nhẹ thì khả năng lây truyền virus cũng không giảm.
Nhiều chuyên gia tin rằng, chỉ khi đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao, thông qua tiêm vaccine, chúng ta mới có thể khóa chặt nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()