Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:33 (GMT +7)
Lợi bất cập hại khi nhập quá nhiều phim hành động, kinh dị
Thứ 3, 22/03/2022 | 14:04:28 [GMT +7] A A
Phim Việt mỗi khi ra rạp luôn phải đối mặt với cảnh “thập diện mai phục” khi cùng lúc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các siêu phẩm Hollywood. Nhiều nhà phát hành phim Việt đã phải cân nhắc, chọn kỹ thời điểm phát hành để khi ra rạp khỏi đụng độ với các “bom tấn” ngoại quốc. Câu hỏi đặt ra là có nên hạn chế tỉ lệ phim nhập và cân đối giữa các thể loại, tránh để khán giả “bội thực” khi phải “ăn” quá nhiều “món” hành động và kinh dị.
Hai mặt của đồng xu
Hành động và kinh dị đang chiếm tỉ lệ quá cao trong số các phim nước ngoài nhập về Việt Nam. Chỉ xin điểm qua các phim đang chiếu tại các rạp chiếu của CGV trong hai tháng 2 và 3.2022. “Bóng đè”, “Rừng hiến tế”, “Đêm trói buộc”, “Bồ cũ”, “Chuyện ma gần nhà”- thể loại: Kinh dị; “Batman”; “Xe cấp cứu”, “Gã điên báo thù”, “Phi vụ đen”, “Quái xế giao hàng” - thể loại: Hành động, Tội phạm. “Gấu đỏ biến hình”, “Belle: Rồng và công chúa tàn nhang”, “Chuyến phiêu lưu trời ơi đất hỡi” - thể loại: Hoạt hình. “Con hẻm ác mộng”, “Bẫy ngọt ngào”- thể loại: Tâm lý. “Giả danh anh hùng”- thể loại: Hài. “Án mạng trên song Nile”- Tâm lý, tội phạm. “Trăng rơi” - Hành động, khoa học viễn tưởng. “Người nhện không còn nhà” - Hành động, phiêu lưu. Như thế, xếp đầu bảng 5/19 phim là hành động, tội phạm, 5/19 là kinh dị, 3/19 hoạt hình, 2/19 tâm lý. 1/19 hài ngoài ra là 2 phim hành động pha thêm chất viễn tưởng và phiêu lưu...
Những năm gần đây, việc nhập khẩu phim về Việt Nam của các công ty lớn như CGV, Lotter, Galaxy Thiên Ngân… phim hành động và sau này là kinh dị vẫn luôn được lựa chọn ưu tiên. Phim hành động dĩ nhiên thường đi kèm bạo lực và ở một tỉ lệ khá cao gắn với tình dục (sex).
Vấn đề là khi nhập khẩu phim về, yếu tố đầu tiên là doanh thu. Các công ty hẳn phải căn cứ theo những con số biết nói về nhu cầu khán giả khi lựa chọn nhập phim. Nhưng có thực sự là khán giả quá say mê phim hành động và kinh dị hay bởi các nhà sản xuất và phát hành phim đã định hướng, dẫn dắt dư luận?
Thực tế là số khán giả thích xem phim hành động và phim kinh dị chiếm tỉ lệ cao. Khán giả thích xem phim hành động vì sự kết hợp các pha hành động, các chi tiết gay cấn, kịch tính, tư duy logic và nhiều cảnh kỹ xảo đem lại cảm giác mãn nhãn và tính giải trí đơn thuần. Người xem đã quá mệt mỏi với áp lực cuộc sống căng thẳng sẽ có những phút giải lao ngoài cuộc sống mà không phải suy nghĩ quá nhiều khi xem phim tâm lý tình cảm hay điều tra phá án nặng nề, quá căng thẳng.
Còn với phim kinh dị, nghịch lý là càng sợ khán giả vẫn càng thích xem, bởi cảm giác mạnh, tính tò mò luôn nằm trong bản năng gốc của mỗi con người. Có ý kiến còn cho rằng phim kinh dị có thể gắn kết cảm xúc của con người khi các đôi bạn cùng vào rạp xem phim.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phim hành động quá bạo liệt và phim kinh dị quá ghê gớm cũng tác động không tốt đến tâm lý, hành động của con người. Có thể kích thích tính bạo lực và gây ám ảnh, sợ hãi thậm chí tổn thương tâm lý kéo dài với những người yếu tâm lý và mắc bệnh tim mạch.
Có nên hạn chế?
Ông Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - từng phát biểu trong một hội thảo góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): “Ở điều 17, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, tôi đề nghị nên có thêm một quy định khống chế số lượng phim nhập khẩu, bởi vì tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, không theo WTO để hạn chế số phim nhập khẩu. Ngoài ra Nga, Pháp là hai nước nổi bật ở Châu Âu hạn chế số phim nhập khẩu, bởi vì họ biết nếu như không hạn chế số phim nhập khẩu, thì phim nước ngoài sẽ tràn vào, đặc biệt là phim Mỹ sẽ tràn vào. Như thế có hai vấn đề, một vấn đề phim nội địa, mình không nâng đỡ được phim nội địa, đồng thời về mặt kinh doanh là mình yếu thế hơn, rồi văn hóa nước ngoài tràn vào, dù có làm gì, có ngăn chặn gì đi nữa, văn hóa nước ngoài vẫn cứ tràn vào.
Cho nên việc ngăn chặn, khống chế, quản lý số lượng phim nhập khẩu hằng năm là cần thiết. Nếu như chúng ta không hạn chế được số lượng cụ thể, chúng ta hạn chế bằng thể loại, thể loại nào được nhập, được khuyến khích, thể loại nào ngăn chặn. Ví dụ như thể loại tâm lý, tình cảm xã hội được phép, nhưng thể loại gangster, bạo lực... mình có thể hạn chế bớt”.
Việc hạn chế tỉ lệ nhập phim ngoại - trước ông Kim đã từng được nhiều đại biểu nhắc đến - nhưng nếu theo WTO thì không thể hạn chế số lượng phim nhập. Vấn đề là nên cân đối giữa các thể loại phim, nên tăng cường thêm các mảng phim tình yêu, phim tâm lý, phim hài, để khán giả có cơ hội được thưởng thức đa dạng hơn và thị trường điện ảnh ở ta phong phú hơn.
Một vấn đề quan trọng khác là việc áp thuế với các phim ngoại và có chính sách ưu đãi về thuế với các phim Việt.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Công ty BHD - từng phát biểu trong một hội thảo về điện ảnh tháng 2.2022: “Không được phân biệt đối xử. Các rạp chiếu phim phải đối xử với phim Việt Nam về mặt thương mại không được thua kém với các sản phẩm của nước ngoài, vì hiện tại bây giờ tỉ lệ doanh thu cho phim Việt vẫn ít hơn, nhưng đưa vào luật rất khó. Vậy thì luật có nên quy định chung việc đối xử về mặt thương mại với các chủ phim Việt Nam không được thấp hơn các chủ phim nước ngoài, tại vì mình đang ở chủ quyền nước mình, mình cũng không quy định tỉ lệ cụ thể ở trong luật nhưng yêu cầu các đơn vị, các rạp chiếu phim phải đối xử công bằng với phim Việt giống như các phim cùng loại của nước ngoài.
Họ sẽ nói là phim Mỹ thì kinh phí sản xuất là 300 triệu USD, phim Việt Nam thì chỉ có 2 triệu USD nên không cùng loại, thế thì cũng khó. Nhưng những phim mà cùng loại so với mặt bằng của đất nước đấy, chẳng hạn phim 2 triệu USD sản xuất ở Việt Nam là phim có kinh phí sản xuất cao nhất thì sẽ được đối xử công bằng với phim có kinh phí sản xuất 300 triệu USD ở Mỹ vì nó cũng là phim có kinh phí cao nhất của đất nước đấy, nhưng không có nghĩa là 2 triệu USD thì không bằng 300 triệu USD nên phim 300 triệu USD thì được chia sẻ doanh thu 60%, còn phim 2 triệu USD thì chỉ được 50%...”.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()