Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:35 (GMT +7)
Loại hóa chất quen thuộc gây ung thư gan
Thứ 5, 01/09/2022 | 11:07:46 [GMT +7] A A
Mặc dù đã bị cấm trong sản xuất mỹ phẩm, vải, sản phẩm chống dính, loại hóa chất này vẫn đang gây ảnh hưởng tới con người vì vĩnh viễn không thể bị phân hủy.
Loại hóa chất được nhắc đến trong trường hợp này chính là PFOS (axit perfluorooctanesulfonic) và hợp chất polyfluoroalkyl (PFAS) hay “hóa chất vĩnh viễn”. Tên gọi của nó được đặt theo tính chất phân hủy rất chậm và tích tụ theo thời gian trong đất, nước uống và cơ thể. Chính vì thế, một khi đã ngấm vào cơ thể, nó sẽ vĩnh viễn gây tác hại cho sức khỏe con người.
Lần đầu phát hiện PFOS gây ung thư gan
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất vĩnh viễn do con người tạo ra liên quan đến nguy cơ bị ung thư gan nhiều hơn. Những hóa chất này được sử dụng rất nhiều trong các sản phẩm gia dụng.
Đầu tháng 8, nhóm chuyên gia của Mỹ công bố phát hiện về mối liên hệ giữa PFOS và ung thư gan. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí JHEP Reports, trở thành công trình đầu tiên chứng minh PFOS có thể gây ung thư gan. Kết quả này từng được phát hiện trên động vật.
Theo NY Post, nhóm tác giả cho biết những người bị phơi nhiễm PFOS cao có nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào gan không do virus ở người (loại ung thư gan phổ biến nhất) cao hơn 350% so với bình thường.
Nhóm chuyên gia sử dụng cơ sở dữ liệu Nghiên cứu đa sắc tộc của Mỹ và khảo sát sự phát triển ung thư của hơn 200.000 cư dân Hawaii, Los Angeles, California. Sau đó, họ nghiên cứu sâu ở 100 người. Trong số này, 50 người mắc ung thư gan. Tất cả 100 tình nguyện viên được lấy máu và mô để phân tích nhằm tìm kiếm dấu vết của các chất hóa học vĩnh viễn.
Họ đã tìm thấy một số loại hợp chất polyfluoroalkyl (PFAS) trong số những người tham gia, đặc biệt, PFOS là xuất hiện nhiều nhất ở nhóm bị ung thư gan. Ngoài ra, những người nằm trong top 10% phơi nhiễm PFOS có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan cao gấp 4,5 lần so với nhóm ít tiếp xúc. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc chúng ta có thể hấp thu chất độc này từ những sản phẩm quen thuộc hàng ngày.
Trên thế giới, cứ 5 người mắc ung thư gan có 4 người thuộc nhóm bị ung thư biểu mô tế bào gan. Với tỷ lệ sống sót sau 5 năm dưới 20%, đây là bệnh ung thư có nguy cơ tử vong cao nhất và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải.
Tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan đã giảm trong những thập kỷ qua, song, số ca mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đang cản trở nỗ lực này.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của PFAS, PFOS với sức khỏe, tính mạng của con người. Hồi tháng 4, các chuyên gia tại Đại học South California, Mỹ, phát hiện hợp chất PFAS vốn được dùng trong sản xuất chai nhựa, mỹ phẩm, có thể khiến gan nhiễm mỡ, gây tổn thương vĩnh viễn cơ quan này.
Tuần lễ Thận học ở Mỹ tháng 11/2018 công bố kết quả nghiên cứu hợp chất PFAS có trong môi trường sống bị ô nhiễm gây hại cho thận. Các nghiên cứu trước đây cho thấy PFAS ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây bệnh lý ung thư, bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
Loại chất độc có ở khắp mọi nơi
PFAS lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1930 và từng là vật liệu mang tính cách mạng. Nó được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ nấu ăn chống dính, bao bì, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, chất lỏng chống cháy, chống thấm nước.
Do đặc tính không phân hủy sinh học nên nó được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940.
Nhưng đến cuối thế kỷ trước, loại hóa chất này bị cấm vì những lo ngại về tính độc hại tới sức khỏe nhân loại và tác động đến môi trường. Bất chấp các lệnh cấm PFAS và PFOS, trong những năm gần đây, hóa chất này tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi.
Tương tự các hợp chất perfluorooctanoate (PFOA), perfluorohexane sulfonate (PFHxS), PFAS và PFOS mất thời gian rất dài để phân hủy trong môi trường thậm chí không thể phân hủy. Điều đó đồng nghĩa bất chấp những nỗ lực giảm và thay thế hóa chất này, con người ngày nay vẫn tiếp tục phải tiếp xúc với nó vì trong nhiều thập kỷ trước, chúng được xử lý bằng cách đổ thẳng ra môi trường.
Do đó, chúng tồn tại ở khắp mọi nơi trong môi trường và thường được gọi là “hóa chất vĩnh viễn”. Nó xuất hiện ở môi trường cư trú của các sinh vật sống, con người và động vật hoang dã. Sự phổ biến này đến mức các nghiên cứu có thể phát hiện PFAS trong cơ thể các nhóm này bất cứ khi nào.
Theo Science Alert, một nghiên cứu từng cảnh báo hơn 98% dân số trưởng thành ở Mỹ có nồng độ các hóa chất vĩnh viễn trong máu. Điều này khiến các chuyên gia đặt ra câu hỏi về mức độ ô nhiễm có thể coi là “an toàn”.
Để hạn chế nguy hại từ PFAS, chúng ta cần giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải các chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường. Ngoài ra, người tiêu dùng nên xem kỹ nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, bao bì đóng gói, hạn chế tiếp xúc hợp chất này qua các sản phẩm như thực phẩm đóng gói, vải không thấm nước, các đồ dùng không dính như Teflon, chất đánh bóng, sáp, các loại sơn…
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()