Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:45 (GMT +7)
Loại gia vị số 1 giúp giảm mỡ máu cao
Thứ 7, 09/03/2024 | 13:27:17 [GMT +7] A A
Không chỉ là loại gia vị bổ dưỡng, có thể thêm vào nhiều món ăn, quế còn giúp giảm mỡ máu cao, được các chuyên gia chuyên dinh dưỡng khuyên dùng.
Gia vị ẩm thực giúp nâng cao hương vị của thực phẩm và tăng cường thành phần dinh dưỡng cho món ăn của bạn. Sử dụng gia vị để tạo hương vị cho thực phẩm giúp giảm lượng muối và chất béo khi nấu nướng. Điều này có lợi cho nhiều tình trạng sức khỏe, đặc biệt là những người có cholesterol cao.
Mặc dù không có một loại thực phẩm hoặc gia vị nào có thể chữa khỏi cholesterol cao, nhưng một số loại gia vị có thể có tác động lên cholesterol nhiều hơn những loại khác.
Mỡ máu cao là gì?
Cholesterol cao hay mỡ máu cao là một trong những dấu hiệu báo trước của bệnh tim. Gan tạo ra cholesterol và cholesterol cần thiết để sản xuất hormone, vitamin D và các hợp chất khác hỗ trợ tiêu hóa, theo MedlinePlus. Cholesterol cũng được tìm thấy trong thực phẩm.
Cholesterol tăng cao làm tăng nguy cơ phát triển mảng bám. Mảng bám có thể thu hẹp động mạch, gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ lưu ý rằng mức cholesterol là một trong những yếu tố chính có thể thay đổi được và có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục.
Theo Eatingwell, hoạt động thể chất thường xuyên, cai thuốc lá, giảm căng thẳng và ăn chế độ ăn phù hợp đều có thể ảnh hưởng đến cholesterol. Trên thực tế, chế độ ăn giàu chất xơ có liên quan đến sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các loại gia vị cũng có thể tăng cường khả năng giữ cholesterol của cơ thể ở mức lành mạnh.
Tiến sĩ Renee Korczak, một chuyên gia dinh dưỡng thực hành (Mỹ), cho biết: "Các loại gia vị có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học độc đáo từ thực vật có thể có tác dụng làm giảm mức cholesterol, tăng lưu lượng máu và thậm chí giúp hỗ trợ lượng đường trong máu".
Loại gia vị quen thuộc giúp giảm mỡ máu cao
Lương Y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam, cho biết, trong y học cổ truyền, quế được coi là một trong 4 vị thuốc rất có giá trị (sâm, nhung, quế, phụ). Ở các nước châu Âu, quế được sử dụng là thuốc chữa các bệnh đau bụng tiêu chảy, sốt rét, ho...
Tại Ấn Độ, quế được sử dụng rộng rãi như một thứ gia vị chủ yếu để chế biến thức ăn.
Theo y học hiện đại, cây quế chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Quế có thể kích thích hoạt động của não như một loại thuốc bổ, giúp giảm căng thẳng thần kinh và chứng suy giảm trí nhớ.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra chỉ cần dùng nửa thìa quế trong bữa ăn hàng ngày có thể giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Do vậy, ăn quế là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm lượng đường trong máu.
Theo Eatingwell, quế là loại gia vị số 1 dành cho người có lượng cholesterol cao. Một phần vì cholesterol cao thường liên quan đến lượng đường huyết cao, và quế đã được chứng minh là giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Quế cũng chứa các đặc tính chống viêm và sử dụng nó như một chất thay thế cho chất béo, đường và muối là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho tim.
Jordan Hill, một chuyên gia dinh dưỡng tại Top Nutrition Coaching, khuyến nghị những người có cholesterol cao nên kết hợp các loại gia vị như quế, ớt, tỏi, gừng và nghệ.
TS Korczak cũng đồng ý với điều này và lưu ý rằng những loại gia vị đó giúp cải thiện hương vị của thực phẩm và đồ uống đồng thời mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Quế đã được nghiên cứu về tác dụng điều trị, từ giảm lượng đường trong máu và cholesterol đến giảm viêm, theo một đánh giá hệ thống năm 2019 trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng.
Quế chứa các hợp chất cinnamaldehyde và axit cinnamic có trong dầu. Vỏ quế có các hợp chất hoạt tính sinh học khác, catechin và procyanidin, có thể có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, theo một bài báo năm 2022 trên Tạp chí Thực phẩm Chức năng.
Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến quế và cholesterol đều được nghiên cứu bằng cách sử dụng chất bổ sung quế ở những người mắc bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.
Liều lượng dao động từ khoảng 1.500 miligam đến 6 gram mỗi ngày, với khuyến nghị tiêu chuẩn là khoảng 1.500 mg đến 4 gram mỗi ngày (3/4 đến 2 thìa cà phê). Liều lượng lớn hơn (trên 1.500 mg mỗi ngày) sẽ mang lại tác dụng có lợi hơn đối với HDL (cholesterol tốt).
Trong một thử nghiệm đối chứng lâm sàng ngẫu nhiên nhỏ năm 2017 được công bố trên tạp chí Lipids in Health and Disease, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác động của việc bổ sung quế đường uống (3 gram mỗi ngày) so với 2,5 gram bột mì trong 16 tuần ở người Ấn Độ gốc Á mắc hội chứng chuyển hóa.
Họ phát hiện ra rằng nhóm bổ sung có mức giảm cân, mỡ bụng, cholesterol toàn phần, chất béo trung tính, lipoprotein mật độ thấp (LDL) và huyết áp cao hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược.
Mặc dù điều này đầy hứa hẹn nhưng nghiên cứu này vẫn có một số sai sót, nghiên cứu có thời gian ngắn.
Trong một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2022 được công bố trên tạp chí Frontiers in Physiology, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 15 thử nghiệm đối chứng lâm sàng ngẫu nhiên. Trong đó những người tham gia được nhận bột quế hoặc chiết xuất quế với liều lượng từ 1 đến 6 gram dựa trên chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thuốc trước đó.
Trong số 15 nghiên cứu, có 1.020 người tham gia mắc bệnh tiểu đường túyp 2, với thời gian theo dõi từ 40 ngày đến tối đa 4 tháng. So với giả dược, nhóm dùng quế đã giảm được mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và chất béo trung tính.
Những cách khác để giảm mỡ máu cao
Nhìn chung, chất lượng chế độ ăn uống rất quan trọng để giảm cholesterol. Ăn nhiều loại thực vật, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, hạt, trái cây và rau quả, sẽ làm tăng lượng chất xơ, là chìa khóa để giảm cholesterol.
Ngoài ra, bạn hãy chọn những loại protein có ít chất béo bão hòa. Hãy chọn thịt gà, cá và các loại protein có nguồn gốc thực vật như đậu phụ… Đồng thời, nên hạn chế thịt đỏ, phô mai, rượu và kết hợp tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()