3,1 triệu USD là số tiền một tỷ phú từng trả cho con cá ngừ vây xanh tại một cuộc đấu giá ở Tokyo năm 2019. Con cá ngừ nặng 278 kg, tương đương gấu xám Bắc Mỹ, là con cá đắt giá nhất từng được bán.
Cá ngừ là họ cá có giá trị thương mại lớn nhất trên khắp thế giới và cá ngừ vây xanh thường dùng trong các món sushi và sashimi là loài đắt đỏ nhất, theo Sarah Glaser, người phụ trách đội tương lai đại dương ở Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Mỹ.
Một con cá ngừ vây xanh có giá trị hơn cả tấn cá ngừ vằn, loài cá ngừ nhỏ và dồi dào nhất. Giá trị cao của chúng dẫn tới nạn đánh bắt quá mức, nhu cầu khổng lồ trên toàn cầu đối với sushi làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn dự trữ cá ngừ vây xanh, đẩy loài vật tới nguy cơ tuyệt chủng năm 2010.
Những năm gần đây, quần thể cá ngừ vây xanh trải qua sự hồi phục khó tin sau khi các nước đưa ra hạn ngạch đánh bắt bền vững và xử lý đánh bắt trái phép. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương từ nhóm "nguy cấp" sang nhóm "ít quan tâm" năm 2021. Trong khi đó, cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương phục hồi về mức số lượng lớn, vượt quá mục tiêu quốc tế trước lịch trình cả thập kỷ. Cá ngừ vây xanh phương nam vẫn nguy cấp nhưng chúng không còn nằm ở nhóm "cực kỳ nguy cấp" trong Sách đỏ của IUCN, theo Alessandro Buzzi, quản lý dự án ngư nghiệp chuyên về đánh bắt cá ngừ của WWF.
Nhưng hiện nay, cá ngừ vây xanh đang đối mặt với thách thức lớn khác là biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ ra cá ngừ vây xanh cực nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ, mức tăng nhỏ cũng ảnh hưởng tới khả năng trao đổi chất, sinh sản và kiếm ăn của chúng.
Giới khoa học cảnh báo thay đổi đối với cá ngừ vây xanh có thể tác động tới động vật hoang dã khác ở biển cũng như cộng đồng ngư dân. "Chúng tôi thấy cá ngừ vây xanh kiếm ăn ở nhiều khu vực khác thường, ví dụ ở Biển Bắc, bao quanh Scandinavia và Iceland", Buzzi nói. "Chúng tôi đã thấy những thay đổi ở mô hình di cư".
Dài 1,8 - 3 m, cá ngừ vây xanh là loài cá ngừ lớn nhất thế giới. Chúng có thể sống tới 40 năm và là động vật săn mồi đầu bảng chuyên săn cả đàn cá như các trích và cá thu. Loài cá máu nóng này nằm trong số những động vật bơi nhanh nhất hành tinh. Chúng di cư hàng nghìn kilomet mỗi năm để đẻ trứng và săn mồi. Nhưng mô hình di cư của chúng đang bắt đầu thay đổi.
Do nhiệt độ đại dương ấm lên, cá ngừ vây xanh di chuyển tới vùng biển lạnh hơn. Một nghiên cứu gần đây của Cơ quan ngư nghiệp hải dương quốc gia phát hiện cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương lớn và nhỏ đang di chuyển xa hơn về phương bắc, tới vùng biển ngoài khơi bang Massachusetts, ở tốc độ 4 - 10 km/năm. Các nhà khoa học Ireland ghi nhận năm 2019, 6 con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương khổng lồ bị đẩy ra xa khỏi lộ trình di cư giữa Ireland và vịnh Biscay hay sống núi giữa Đại Tây Dương, bơi xa hơn về phương bắc tới Iceland. Lộ trình mới được cho là phản ứng với nắng nóng trên biển.
Giới nghiên cứu cũng lo ngại về tác động của nhiệt độ gia tăng đối với nơi đẻ trứng của cá ngừ. Vào tháng 6 và 7, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương đổ xô tới Địa Trung Hải để đẻ trứng, biến vùng biển này thành nơi đánh bắt cá ngừ vây xanh quan trọng nhất thế giới. Biển Địa Trung Hải cũng là "điểm nóng khí hậu". Vào cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình ở bề mặt đại dương tại đây dự kiến tăng 1 - 3 độ C. Do không có nhiều sự tuần hoàn như những lưu vực đại dương lớn hơn, biển Địa Trung Hải sẽ trải qua tác động nhanh và lớn hơn nhiều từ biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ tăng lên có thể đẩy cá ngừ vây xanh chưa trưởng thành ra khỏi Địa Trung Hải trong vòng 50 năm tới, theo nghiên cứu của Đại học Southampton ở Anh. Nghiên cứu phát hiện nhiệt độ đại dương trên 28 độ C ảnh hưởng tiêu cực tới trao đổi chất và sự phát triển của chúng. Cá ngừ vây xanh cần nước ấm để đẻ trứng. Trứng của chúng phát triển khi nhiệt độ đạt 20 độ C nhưng nếu nước ấm hơn một ngưỡng nhất định (28 độ C), trao đổi chất của chúng bắt đầu giảm đi.
Nhiệt độ ở Địa Trung Hải vượt qua ngưỡng thiết yếu trên vào tháng 8/2024 khi nhiệt độ mặt biển hàng ngày đạt mức kỷ lục 28,45 độ C. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá ngừ vây xanh dành phần lớn thời gian ở 20 m phía trên của cột nước.
Trong tình hình nhiệt độ đại dương tăng lên, cá ngừ vây xanh sẽ chuyển khu vực nuôi con ra xa khỏi Địa Trung Hải, tới vùng biển lạnh hơn như vịnh Biscay. Cá ngừ chưa trưởng thành có thể bị bắt nhầm ở những nơi đánh bắt cá trổng và cá mòi ở vùng vịnh này.
Ý kiến ()