Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:11 (GMT +7)
LLVT tỉnh trên tuyến đầu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Thứ 3, 20/06/2023 | 08:32:00 [GMT +7] A A
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quảng Ninh luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xung kích trên tuyến đầu, phối hợp cùng các lực lượng khác chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Vai trò nòng cốt, tiên phong
Với vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu đa dạng, phức tạp, Quảng Ninh là một trong những trọng điểm chịu ảnh hưởng của các sự cố do thiên tai, hỏa hoạn; trong đó phổ biến là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, sạt lở…
Với chức năng là cơ quan thường trực về công tác TKCN và phòng thủ dân sự của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh luôn duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT-TKCN từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, tất cả các vụ việc do thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh đều nắm bắt được thông tin, báo cáo, tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh, phối hợp chỉ đạo các lực lượng xử trí tình huống nhanh nhất, hiệu quả nhất, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tham gia chữa cháy dân sự 6 vụ tại địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà; 5 vụ đắm tàu va chạm trên biển tại địa bàn Vân Đồn, Cô Tô; 4 vụ cháy rừng tại Vân Đồn, Uông Bí; 19 vụ đuối nước tại Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên... Lực lượng tham gia cứu hộ huy động gần 2.400 lượt người, trong đó bộ đội thường trực gần 500 người, dân quân tự vệ gần 500 người, lực lượng khác và nhân dân trên địa bàn gần 1.000 người. Cùng với đó là 115 phương tiện các loại như xe PCCC, tàu, xuồng, máy thổi gió...
Điển hình, LLVT tỉnh tham gia xử trí tình huống kịp thời trong vụ tai nạn máy bay Bell-505, số hiệu 8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam). Khi nhận được thông tin về sự cố này, Bộ CHQS tỉnh kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh, chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương xác minh, đánh giá thông tin báo nạn. Mọi thông tin đều được kiểm tra cẩn thận để xác định tính xác thực, giúp cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh đưa ra các quyết định, phương án.
Phối hợp huy động lực lượng, phượng tiện của các đơn vị tham gia công tác TKCN, ứng cứu, khắc phục hậu quả. Đồng thời, kịp thời tham mưu thành lập Ban Chỉ huy hiện trường để chỉ huy thống nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia công tác TKCN trong khu vực. Quá trình triển khai phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân và theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình để tổng hợp báo cáo.
Chủ động "3 trước, 4 tại chỗ"
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đời trong năm.
Đại tá Khúc Thành Dư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác PCTT trong mùa mưa bão năm nay, các đơn vị của LLVT tỉnh thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện; rà soát, kiểm kê, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, các phương án xử trí đối với mọi tình huống có thể xảy ra, với quan điểm lấy phòng ngừa là chính. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ, trong mọi tình huống.
Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, xác định những khu vực trọng điểm để có phương án phòng, chống khi bão, lũ xảy ra như: Hệ thống kho tàng, doanh trại, trụ sở làm việc; các hồ, đập, đê, kè trọng yếu; các khu neo đậu tàu thuyền và những khu vực hay xảy ra lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất, úng lụt; khu cư dân ở gần các công ty khai thác than thuộc TKV trên địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng của địa phương xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch ứng phó thảm họa sự cố thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập giai đoạn 2023-2028. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự các cấp bổ sung, hoàn thiện các phương án PCTT-TKCN; tổ chức hiệp đồng ứng phó sự cố thiên tai và TKCN giữa địa phương với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, chủ động đối phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của thiên tai có thể xảy ra. Các phương án xây dựng sát với thực tế địa phương và chủ động thực hiện theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ".
Quá trình hiệp đồng với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 đóng quân trên địa bàn tỉnh đã thống nhất về lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng cơ động xử trí tình huống xảy ra. Trong đó phân công rõ các hướng, các địa bàn trọng điểm như tuyến đê đảo Hà Nam (TX Quảng Yên); đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều); đê biển Bắc Cửa Lục (TP Hạ Long); hồ chứa nước Yên Lập; các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét của 13 huyện, thị xã, thành phố…
Có thể khẳng định PCTT-TKCN là nhiệm vụ "chiến đấu" trong thời bình. Do vậy, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt, tiên phong trong ứng phó với các sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; làm điểm tựa vững chắc giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; tiếp tục tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Ngô Dịu
- Chủ động phòng chống thiên tai
- Đầu tư công trình phòng, chống thiên tai tại huyện Hải Hà
- Xã đảo Cái Chiên nâng cao năng lực ứng phó thiên tai
- Hải Hà chủ động “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”
- Tập huấn phòng chống thiên tai, thảm họa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Ba Chẽ diễn tập phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2023
- Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Liên kết website
Ý kiến ()