Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:22 (GMT +7)
Linh thiêng Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn
Thứ 6, 29/04/2022 | 11:29:15 [GMT +7] A A
Ngày 29/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đền thờ Trần Quốc Nghiễn, UBND TP Hạ Long đã tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2022. Lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ du lịch Hạ Long 2022, nhằm góp phần gìn giữ văn hóa tín ngưỡng và quảng bá, kích cầu du lịch địa phương.
Dự lễ hội có đồng chí Vũ Văn Diện, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hạ Long. Lễ hội có sự góp mặt của trên 1.000 hội viên, phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, học sinh, các đội tế lễ... tham gia đoàn rước Đức Ông vi hành cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là vị tướng đã có công lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3 của dân tộc, được vua Trần phong tước là “Khai Quốc Công”.
Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được hình thành từ cuối thế kỷ XIII, được xây dựng lại vào năm Quý Sửu 1913 và được trùng tu lần thứ nhất vào năm Mậu Dần 1938, lần thứ 2 vào năm Nhâm Ngọ 2002. Đây là ngôi đền cổ, linh thiêng, nằm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng núi Bài Thơ, đã có lịch sử gần một ngàn năm.
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 gắn với lễ hội Du lịch Hạ Long hằng năm.
Sau nghi lễ khai hội, lễ rước Đức Ông vi hành đã được thực hiện trang trọng, từ đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ra đường Lê Thánh Tông, đến Chùa Long Tiên rồi trở lại đền. Ban Tổ chức lễ hội cũng thực hiện các nghi lễ tuần Cầu an, cúng phóng sinh.
Ngoài ra, tại lễ hội, nhân dân và du khách còn được tham gia thả hoa đăng trên biển cầu mong mưa thuận gió hoà, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các trò chơi dân gian như múa lân sư rồng, thi đấu cờ người…
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm khơi dậy tình yêu và lòng tự hào về truyền thống, giá trị lịch sử, văn hoá quê hương. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di tích, văn hóa địa phương và góp phần phục vụ đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()