Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:44 (GMT +7)
Linh hoạt ứng phó với gia tăng giá cả thị trường
Thứ 5, 23/06/2022 | 06:59:56 [GMT +7] A A
Trước diễn biến của giá xăng, dầu thế giới và trong nước, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/6, giá xăng trong nước liên tiếp tăng 11 lần và giá dầu tăng 9 lần, dẫn đến giá cả các mặt hàng khác trên thị trường có xu hướng tăng. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do biến động của giá xăng, dầu, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương theo dõi chặt diễn biến giá cả thị trường, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung, cầu… nhằm bình ổn thị trường.
Theo báo cáo của Sở Tài chính về tình hình giá cả thị trường trong tháng 5/2022, danh mục các mặt hàng thuộc diện báo cáo giá cả thị trường theo quy định của Bộ Tài chính, giá hàng hoá dịch vụ có xu hướng tăng nhiều hơn so với tháng trước. Trong tổng số 127 mặt hàng thực hiện báo cáo giá cả thị trường tại địa phương, có 52 mặt hàng tăng giá, 18 mặt hàng giảm giá và 67 mặt hàng ổn định giá so với tháng 4/2022. Trong đó, mức bán lẻ bình quân các mặt hàng thực phẩm nằm trong danh mục có mức giá bình quân tăng nhẹ so với tháng trước. Đơn cử như các loại thực phẩm: Thịt bò thăn, gà ta, thịt lợn hơi, giò lụa… Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng bình quân tăng so với tháng trước, như: Xi măng Lam Thạch PCB30 bao 50kg tăng 2.833 đồng/bao (có nơi tăng 10.000 đồng/bao); cát xây (hạt nhỏ sông Hồng) tăng bình quân 3.500 đồng/m3 (có nơi tăng 50.000 đồng/m3)… Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng giá nhẹ, như bắp cải trắng, đường kính trắng kết tinh, muối ăn…
Qua tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi nhận giá cả thị trường có xu hướng dao động nhẹ như các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, tôm… Tuy nhiên, chưa có mức tăng giá quá cao mà chỉ điều chỉnh tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng.
Giá xăng, dầu tăng đã tác động đến đời sống người dân và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm, tăng chi phí của các doanh nghiệp, nhất là hoạt động vận tải khách; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản… Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đang chủ động tiết giảm chi phí, cắt giảm nhân lực ở những vị trí không cần thiết; nhiều tàu, xe khách hoạt động cầm chừng để duy trì bảo dưỡng máy móc và sinh hoạt hàng ngày…
Để kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân; nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình giá cả thị trường. Đặc biệt, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường; theo dõi chặt diễn biến giá xăng, dầu, điện…, kịp thời đề xuất giải pháp bình ổn khi có sự biến động lớn về giá đối với các mặt hàng này.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở Công Thương đã tăng cường phối hợp tham mưu tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo cung ứng xăng, dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu năm 2022 trên địa bàn. Trong đó, thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ về cung ứng và dự trữ xăng dầu; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu; tuyên truyền, thông tin về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu.
Sở cũng tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tích cực tuyên truyền, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; kịp thời xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc tự ý dừng, giảm thời gian bán hàng, găm hàng, trục lợi theo quy định. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối dự báo tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, không để bị động trước các diễn biến của xăng, dầu…
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, điều này sẽ kéo theo những biến động thị trường, nhất là giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu gia tăng. Bên cạnh sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời và linh hoạt, theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế. Trong đó, các cấp, ngành cần có những chính sách đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng cũng như những biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()