Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:26 (GMT +7)
Linh hoạt tín dụng cho thị trường
Thứ 3, 12/12/2023 | 08:15:38 [GMT +7] A A
Nhiều giải pháp đang được các ngân hàng triển khai nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Ngân hàng linh hoạt trong cấp tín dụng
Tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung được các ngân hàng đẩy mạnh triển khai ngay sau cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với 38 ngân hàng.
Nhiều ngân hàng cho biết, cuối năm doanh nghiệp tăng vay để có thêm dòng tiền cho các đơn hàng Tết, người dân cũng tăng vay để tiêu dùng. Giải pháp nâng hạn mức cho vay dựa trên giá trị tài sản đảm bảo và giảm các thủ tục hành chính đã được tính đến.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho biết: "Giảm thiểu và hạ thấp tiêu chuẩn cho vay là rất khó nhưng giảm thiểu thủ tục hành chính là có thể được. Thứ hai nữa là tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay đến từng đối tượng".
Với bất động sản, tổng giá trị giải ngân 9 tháng đầu năm đạt hơn 2,74 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối năm ngoái. Các ngân hàng linh hoạt trong cấp tín dụng để hỗ trợ khách hàng.
Lãi suất ưu đãi để mua nhà nhưng nhiều người không có nhà phù hợp để mua. Tại TP Hồ Chí Minh, tổng lượng cung nhà 11 tháng đầu năm thì có đến 74% thuộc phân khúc cao cấp, 36% là trung cấp. Không có nhà nào dưới 25 triệu/m2 ở phân khúc bình dân cho người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, sự chậm trễ trong các thủ tục pháp lý, khiến không ít dự án bất động sản đóng băng, người dân mua nhà cũng dè dặt vì những vướng mắc về bàn giao quyền sử dụng đất.
Khi ngân hàng đã linh hoạt thì rất cần phía các doanh nghiệp bất động sản cũng phải tái cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung doanh nghiệp trong hệ sinh thái
Người dân muốn mua một căn nhà bình dân, một căn nhà ở xã hội còn gặp khó nhưng lại có những người sở hữu hàng nghìn bất động sản một cách dễ dàng nhờ trục lợi, vi phạm các hoạt động của ngân hàng.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất sự an toàn và lành mạnh của ngân hàng.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng hơn 1.000 doanh nghiệp, thuê hàng trăm cá nhân đứng tên các công ty "ma" để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, đảo nợ. Lập khống hơn 900 hồ sơ vay vốn, rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, số tiền hơn 304.000 tỷ đồng và riêng tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, không ít chủ ngân hàng và người có liên quan sẽ đồng thời sở hữu nhiều công ty con, có nhiều lĩnh vực kinh doanh nên việc cho vay, nhất là cho vay lãi suât thấp cần được minh bạch.
Trong thanh tra, kiểm tra cũng cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế của OECD, đồng thời tăng cường thanh tra chéo với tổ chức có liên quan và bảo vệ người dám tố cáo.
Để hạn chế việc thao túng hoạt động ngân hàng, Luật các Tổ chức tín dụng đã quy định, mỗi cá nhân chỉ được sở hữu dưới 5% cổ phần, nếu tính cả người thân có liên quan là dưới 20% vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, như trường hợp đối tượng Trương Mỹ Lan, trên giấy tờ chỉ sở hữu dưới 5%, nhưng thực tế là trên 91%. Theo các luật sự, cần có các chế tài để phòng ngừa từ xa.
Theo các chuyên gia, những kết luận thanh kiểm tra độc lập cần được công khai, minh bạch, từ đó góp phần xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng và chi phối các tổ chức tín dụng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()