Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:31 (GMT +7)
Linh hoạt giải pháp giữ vững tăng trưởng 2 con số
Thứ 5, 21/12/2023 | 08:25:12 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và chủ đề công tác năm 2023 đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu GRDP năm 2023 đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 53.000 tỷ đồng... Để hiện thực hoá mục tiêu, các cấp, các ngành đã nỗ lực, linh hoạt giải pháp thực hiện.
Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách; đồng thời tăng cường đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT sớm đi vào hoạt động.
Để thu hút đầu tư, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.771 TTHC. Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ TTHC, tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được thực hiện theo quy trình "5 bước tại chỗ" và "5 bước trên môi trường điện tử". Tất cả TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên cổng dịch vụ công của tỉnh...
Được biết, tỷ lệ xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cả 3 cấp ở Quảng Ninh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình trung toàn quốc. Điều này đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn khi thực hiện các TTHC.
Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Nhờ các giải pháp này, năm 2023, Quảng Ninh đã phát triển thêm khoảng 2.360 đơn vị, doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 17.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 350.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cấp, các ngành trên địa bàn còn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than phát triển ổn định, bền vững; tạo điều kiện tối đa để ngành điện, xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Năm 2023, sản lượng than sạch sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 43,85 triệu tấn; sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 36,57 tỷ kWh; chỉ số tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,19%, cao hơn 2,65 điểm % so với năm 2022, đóng góp 2,37 điểm % tăng trưởng GRDP...
Hoạt động XNK của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt khoảng 3,142 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thiết bị điện tử, tấm silicon, xơ, sợi bông, quần áo các loại, dầu thực vật, nến, dăm gỗ, đất hiếm.
Đặc biệt, các ngành, địa phương chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ bằng cách khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động; đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ những tháng đầu năm; phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô... Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2023 đạt khoảng 15,5 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng.
Mặt khác, tỉnh, các địa phương còn tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình số 25-CTr/TU ngày 25/1/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy. Các địa phương tích cực vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp để nâng cao năng suất; quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển các sản phẩm OCOP… Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt khoảng 176.895 tấn, trong đó nuôi trồng đạt khoảng 103.418 tấn, còn lại là khai thác… Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 4,21%.
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành thu, chi NSNN, đầu tư công; thường xuyên chỉ đạo sát sao, đi kiểm tra thực tế hiện trường, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án.
Nhờ linh hoạt các giải pháp trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Quảng Ninh đạt hơn 11%, là năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) tăng trưởng 2 con số.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()