Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:27 (GMT +7)
Limousine hoạt động bát nháo: Sẽ có phần mềm quản lý xe hợp đồng toàn quốc
Thứ 3, 12/07/2022 | 09:01:49 [GMT +7] A A
Tình trạng các xe Limousine hoạt động bát nháo đã gây mất trật tự ATGT, khi tùy tiện dừng, đỗ bất cứ nơi nào có thể, đón trả khách dọc đường.
Để xử lý xe Limousine lách luật, hoạt động bát nháo, Nghị định 10 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có những quy định rất rõ ràng.
Việc thực thi, xử lý nghiêm vi phạm phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của lực lượng chức năng.
Tiện cho khách, thiệt cho vận tải cố định
Quá trình ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông cho thấy, tình trạng các xe Limousine hoạt động bát nháo đã gây mất trật tự ATGT, khi tùy tiện dừng, đỗ bất cứ nơi nào có thể, đón trả khách dọc đường.
Thậm chí, văn phòng của hãng xe thuộc Công ty TNHH Vận tải Thiên Hoàng Hải còn đặt ngay cạnh… trụ sở Công an tỉnh Thái Bình, thường xuyên có các xe Limousine dừng đỗ để phân loại khách đi Quảng Ninh hoặc Hải Phòng, sân bay Cát Bi…
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, dù không có con số thống kê cụ thể, song hoạt động bát nháo của loại hình xe Limousine đã phá vỡ hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, gây thất thu thuế, đó là điều không cần phải bàn cãi.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Quảng Ninh cho rằng, tuy mang lại tiện ích cho hành khách nhưng loại hình vận tải này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với loại hình truyền thống khác, gây bất bình đẳng đối với các đơn vị làm ăn chân chính.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, kể từ khi Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực, hoạt động của xe ứng dụng phần mềm hợp đồng điện tử và Limousine tăng mạnh.
Loại phương tiện này hoạt động khá cơ động, nhiều chiêu lách luật tinh vi như: Đưa đón khách tại nhà, vào tất cả các khung giờ cố định trong ngày và có thể tiếp cận đến các tuyến phố, khu dân cư một cách dễ dàng, hàng ngày đều chạy theo một tuyến nhất định kết nối các khu đô thị và các vùng phụ cận, đặc biệt là giữa các thành phố lớn với các tỉnh lân cận (với cự ly gần) và ngược lại, ảnh hưởng không nhỏ với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Cũng theo ông Hoàng Anh, các lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển đúng hay không, đơn vị có đang sử dụng hợp đồng khống hay không, lái xe có đang thực hiện thu tiền của từng hành khách hay thu tiền theo hợp đồng... cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đồng loạt... kêu khó
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thừa nhận có tình trạng xe Limousine hoạt động sai quy định trên địa bàn. Rất nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay sử dụng những chiêu trò để cố tình lách luật như: Đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định “quá cảnh” qua Hà Nội để được đón, trả khách tại nhiều nơi trong thành phố; làm khống danh sách hành khách nhằm đối phó với lực lượng chức năng, còn hành khách vì tiện lợi nên đã bao che cho xe hợp đồng khi bị kiểm tra.
Ông Mạc Đức Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, công tác xác minh vi phạm của xe loại hình này gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định phương tiện thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố, ngõ trong đô thị thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, công tác quản lý loại hình dịch vụ xe hợp đồng chạy tuyến cố định rất khó.
“Việc ngồi kiểm tra tần suất hoạt động từng xe rất khó. Mặc dù thông qua hệ thống giám sát hành trình, camera thấy rất rõ nhưng không phải lúc nào cũng kiểm tra kỹ được trừ khi có vi phạm liên quan”, ông Thuận nói.
Trong khi đó, ông Vương Quốc Quân, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng, nhiều xe Limousine hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa nhưng đăng ký kinh doanh nơi khác nên rất khó kiểm soát.
Lực lượng TTGT chỉ có thể xử lý những phương tiện dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định. Đối với doanh nghiệp, cần phối hợp với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải để tổ chức kiểm tra mới biết được tần suất xe Limousine chạy như thế nào, có vi phạm hay không, mới xử lý được.
Cách nào quản lý?
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh tái lập tổ liên ngành, đồng thời có phương án triển khai thường xuyên, liên tục, xử lý cho được vấn nạn xe hợp đồng trá hình này, không để bức xúc kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cũng thông tin, với mục tiêu xử lý triệt để biến tướng của xe hợp đồng, tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an và các địa phương nắm danh sách, đưa các xe này vào tầm ngắm, tập trung kiểm tra, xử lý thường xuyên.
“ Dù đã có quy định về điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô, lắp camera, tuy nhiên hiện nay lực lượng công chức làm công tác quản lý vận tải tại các Sở GTVT còn mỏng, khiến cho việc kiểm tra giám sát cũng phần nào bị ảnh hưởng. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT ” |
Trong khi đó, ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Quảng Ninh cho rằng, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần phải điều chỉnh các quy định về tuyến cố định cụ thể, trong đó ưu tiên hỗ trợ những tuyến vắng khách…
Về giải pháp lâu dài, đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, cần sửa Luật GTĐB theo hướng phân loại loại hình vận tải cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT sớm bố trí nguồn kinh phí xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng toàn quốc theo quy định tại Nghị định 10, kết hợp với dữ liệu giám sát hành trình để quản lý chặt chẽ loại hình này.
Sau khi xây dựng xong phần mềm, sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho các Sở GTVT, lực lượng TTGT và CSGT để theo dõi, kiểm tra.
Ngoài ra, Tổng cục cũng yêu cầu các Sở GTVT tiếp tục rà soát và sắp xếp luồng tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh hợp lý để tăng công suất của các bến xe khách, từ đó có thể tiếp nhận thêm phương tiện có nhu cầu vào hoạt động tại các bến.
Còn theo đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT, biện pháp hữu hiệu nhất là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương phải duy trì được công tác quản lý thường xuyên, liên tục; thường xuyên theo dõi, nắm bắt những thông tin phản ánh của người dân, các hiệp hội vận tải ô tô và dư luận để kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách. Đồng thời lực lượng chức năng của địa phương phải tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm.
“Chúng tôi cũng rất mong người dân sẽ quan tâm, nắm bắt những quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải, từ chối sử dụng dịch vụ đối với các loại hình vận tải trá hình đó.
Vì khi xảy ra sự cố hay rủi ro, thiệt hại trước tiên chính là người dân vì các loại hình xe này không được quản lý an toàn, không có trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với hành khách”, vị đại diện cho hay.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()