Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:10 (GMT +7)
Liệu Mỹ có thể gửi Tomahawk đến Ukraine?
Thứ 5, 28/11/2024 | 15:04:31 [GMT +7] A A
Nghị quyết mới của NTAO bao gồm đề xuất khuyến nghị các thành viên cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine mọi phương tiện cần thiết để phòng thủ bao gồm cả tên lửa tầm trung.
Tại kỳ họp vừa kết thúc của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Montreal, Canada (26/11), một nghị quyết đã được thông qua liên quan đến việc hỗ trợ và viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài những tuyên bố quen thuộc về “sự gây hấn của Nga” nghị quyết này còn bao gồm đề xuất khuyến nghị các thành viên NATO cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine mọi phương tiện cần thiết để phòng thủ bao gồm cả tên lửa tầm trung.
Động thái này đã làm dấy lên những đồn đoán trong giới chính trị gia, chuyên gia quân sự. Một số cho rằng đây có thể là cơ hội để Ukraine nhận được tên lửa hành trình Tomahawk.
Tomahawk – Vũ khí chiến lược vượt trội
Tên lửa hành trình Tomahawk, nổi tiếng với độ chính xác và khả năng tấn công tầm xa, có thể nhắm mục tiêu cách xa tới 1.600 km, tùy theo phiên bản. Với tầm bắn này, Tomahawk được xếp vào loại vũ khí chiến lược dùng cho các cuộc tấn công tầm xa.
Đáng chú ý, định nghĩa về tên lửa tầm trung thường bao gồm các loại có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Theo tiêu chí này, Tomahawk nằm trong phạm vi của vũ khí tầm trung, nhưng thực tế hiếm khi nó được gọi như vậy. Điều này chủ yếu do sự khác biệt giữa tên lửa hành trình như Tomahawk và tên lửa đạn đạo, loại vũ khí vốn thống trị các cuộc thảo luận về vũ khí tầm trung.
Ngoài Tomahawk, các loại vũ khí như Storm Shadow/SCALP, ATACMS hay JASSM và Taurus cũng thuộc nhóm vũ khí tầm trung. Tuy nhiên, chúng có sự khác biệt về cấu hình hoạt động, nền tảng triển khai và tính linh hoạt trong sử dụng.
Quyết định cuối cùng thuộc về từng quốc gia
Quan trọng hơn, nghị quyết của NATO chỉ mang tính khuyến nghị, không có tính ràng buộc. Quyết định cung cấp các vũ khí như Tomahawk hoàn toàn phụ thuộc vào từng chính phủ thành viên trong khối NATO, chứ không phải NATO như một thực thể thống nhất.
Việc Ukraine có thể nhận được tên lửa Tomahawk hiện vẫn chỉ là suy đoán. Tuy nhiên, điều này không thể bị loại trừ hoàn toàn, nhất là trong bối cảnh phương Tây ngày càng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nếu được cung cấp, Tomahawk có thể làm leo thang đáng kể cuộc xung đột.
Tác động chiến lược của Tomahawk
Tomahawk có thể giúp Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhắm vào cơ sở hạ tầng chiến lược, căn cứ quân sự và trung tâm chỉ huy. Điều này không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động của Ukraine mà còn buộc Nga phải tái bố trí hệ thống phòng không để bảo vệ các mục tiêu trước đây vốn nằm ngoài tầm với.
Với khả năng chính xác cao và khả năng phóng từ nhiều nền tảng, bao gồm tàu, tàu ngầm và có thể cả hệ thống trên mặt đất, Tomahawk sẽ cung cấp cho Ukraine sự linh hoạt chưa từng có trong các hoạt động tấn công. Đồng thời, nó cũng khiến Nga phải điều chỉnh lại vị trí phòng thủ, gia tăng độ phức tạp trong chiến lược quân sự.
Tuy nhiên, việc cung cấp Tomahawk cũng tiềm ẩn rủi ro lớn đối với Mỹ và đồng minh. Nếu một tên lửa bị Nga thu giữ do bị chặn, trục trặc hoặc bị bắt giữ, Moskva có thể phân tích công nghệ tinh vi của nó, từ hệ thống định vị, các linh kiện điện tử cho đến các biện pháp đối phó với hệ thống phòng không. Kịch bản này có thể giúp Nga cải thiện khả năng tên lửa hoặc phát triển các biện pháp chống lại vũ khí phương Tây.
Tomahawk – Biểu tượng của công nghệ quân sự Mỹ
Kể từ khi được giới thiệu vào cuối những năm 1970, tên lửa hành trình Tomahawk đã trở thành biểu tượng của chiến lược quân sự hiện đại Mỹ. Ban đầu được thiết kế như một loại tên lửa tầm xa, vận tốc cận âm cho các cuộc tấn công chính xác, Tomahawk hiện là vũ khí không thể thiếu trong nhiều kịch bản chiến đấu.
Phát triển bởi hãng Raytheon, hệ thống tên lửa này bao gồm nhiều phiên bản, mỗi loại được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu cụ thể. Với chiều dài khoảng 6 m, đường kính 53 cm và trọng lượng dao động từ 1.300 đến 1.600 kg, Tomahawk có thể được phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và cả các hệ thống trên mặt đất.
Cốt lõi của tên lửa Tomahawk nằm ở hệ thống động cơ tiên tiến. Các phiên bản đầu tiên sử dụng động cơ phản lực cánh quạt F107 của Williams International, cho phép tên lửa đạt tốc độ bay dưới âm thanh ổn định khoảng 885 km/h. Để phóng ban đầu, tên lửa được trang bị thêm bộ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, giúp tăng tốc nhanh chóng trước khi chuyển sang chế độ bay hành trình ổn định. Nhờ sự kết hợp này, tầm bắn của Tomahawk có thể vượt qua 1.600 km, tùy thuộc vào từng phiên bản và nhiệm vụ cụ thể.
Hệ thống dẫn đường và điều hướng chính xác là một điểm mạnh đặc biệt của Tomahawk. Ở các mẫu đầu tiên, công nghệ Terrain Contour Matching (TERCOM) cho phép tên lửa "đọc" địa hình và so sánh với bản đồ địa hình đã được lập trình sẵn để định hướng chính xác. Sau đó, hệ thống này được nâng cấp với Digital Scene Matching Area Correlation (DSMAC), sử dụng cảm biến quang học để so sánh hình ảnh thực tế với dữ liệu lưu trữ, đảm bảo độ chính xác cao khi tấn công mục tiêu.
Trong các phiên bản hiện đại, chẳng hạn như Tomahawk Block IV (RGM/UGM-109E), hệ thống dẫn đường GPS đã được tích hợp, giúp tăng cường độ chính xác hơn nữa. Điểm nổi bật của Block IV là khả năng nhận cập nhật mục tiêu trong thời gian thực thông qua liên kết dữ liệu hai chiều, đồng thời cung cấp thông tin phản hồi về trạng thái tên lửa. Ngoài ra, Block IV còn có khả năng "lượn vòng", cho phép tên lửa bay quanh khu vực mục tiêu để chờ lệnh tấn công cuối cùng.
Tomahawk có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ. Các phiên bản ban đầu thường mang đầu đạn nổ mạnh đơn lẻ, có khả năng phá hủy các mục tiêu kiên cố. Sau này, tên lửa được cải tiến để mang theo bom chùm nhằm tiêu diệt diện rộng. Ngoài ra, phiên bản mang đầu đạn hạt nhân (TLAM-N) từng được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng đã bị loại bỏ trong các hiệp định kiểm soát vũ khí.
Tính linh hoạt và khả năng sống sót cao của Tomahawk là yếu tố quan trọng trong chiến đấu. Tên lửa được thiết kế để giảm thiểu khả năng bị radar đối phương phát hiện nhờ tiết diện phản xạ radar nhỏ và khả năng bay thấp, nép sát địa hình. Mặc dù tốc độ của Tomahawk chậm hơn một số loại tên lửa hành trình khác, tính năng này giúp nó khó bị đánh chặn.
Khả năng triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau cũng làm tăng giá trị chiến lược của Tomahawk. Hải quân Mỹ có thể phóng loại tên lửa này từ các tàu khu trục, tàu tuần dương qua hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) hoặc từ tàu ngầm thông qua ống phóng ngư lôi. Điều này khiến Tomahawk trở thành một vũ khí linh hoạt trong cả chiến lược tấn công phủ đầu lẫn phòng thủ.
Lịch sử chiến đấu của Tomahawk đã chứng minh hiệu quả vượt trội. Kể từ lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Tomahawk đã góp mặt trong nhiều chiến trường, từ Iraq, Afghanistan đến Libya và Syria. Độ chính xác và độ tin cậy cao khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu để tấn công các mục tiêu giá trị cao với thiệt hại tối thiểu cho dân thường.
Tương lai của Tomahawk tiếp tục hứa hẹn nhiều cải tiến. Các bản nâng cấp đang được nghiên cứu bao gồm động cơ mạnh mẽ hơn, công nghệ dẫn đường tiên tiến và khả năng tấn công mục tiêu di động. Phiên bản Maritime Strike Tomahawk (MST) sắp ra mắt sẽ bổ sung khả năng tấn công các tàu di chuyển, mở rộng vai trò chiến lược của tên lửa này trong các nhiệm vụ chống tiếp cận và kiểm soát khu vực (A2/AD).
Tomahawk không chỉ là biểu tượng của sự đổi mới công nghệ mà còn là công cụ chiến lược quan trọng, đảm bảo vai trò dẫn đầu của Mỹ trong các cuộc xung đột hiện đại.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()