Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 04:31 (GMT +7)
Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, 5 dấu hiệu nhận biết sớm ngộ độc
Thứ 5, 10/08/2023 | 11:35:09 [GMT +7] A A
Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
An toàn vệ sinh thực phẩm thực ra không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối và diễn biến phức tạp.
Ngộ độc thực phẩm do đâu?
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh, bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia…
– Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm men và nấm mốc).
– Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…).
– Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….
– Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng; xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia…
Cần phát hiện sớm ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng, thức ăn nhanh dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là thức ăn không có nguồn gốc rõ ràng dễ khiến ngộ độc thực phẩm.
Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm căn cứ trước hết là hoàn cảnh xảy ra liên quan đến ăn, uống. Một số biểu hiện cần nghĩ đến bị ngộ thực phẩm:
-
Đau bụng (có thể đau nhẹ đau vừa hay đau dữ dội).
-
Nôn mửa.
-
Tiêu chảy.
-
Sốt hoặc sốt cao.
-
Đau đầu, chóng mặt.
Bệnh cảnh nhiễm độc có thể xảy ra sau năm mười phút đến vài giờ, thậm chí hàng ngày sau bữa ăn. Nếu là bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 2 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các triệu chứng giống nhau giúp khẳng định chẩn đoán.
Tìm hiểu chi tiết các thực phẩm mà bệnh nhân đã ăn trong vòng 24 giờ trước, xác định những thực phẩm nghi ngờ chứa mầm bệnh là cần thiết cho quá trình chẩn đoán.
Đặc biệt quan trọng là nếu có thể, nhất là trong các vụ ngộ độc hàng loạt, cần tìm cách thu thập các mẫu thức ăn, đồ uống mà các bệnh nhân đã dùng để chuyển các phòng xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Liên quan giữa giờ ăn uống và giờ phát bệnh cũng rất quan trọng cho lập luận chẩn đoán, ví dụ như:
- Nhiễm độc do độc tố tụ cầu trong thức ăn thường có biểu hiện sớm sau 1 vài giờ.
- Nhiễm khuẩn thì triệu chứng thường xảy ra muộn hơn sau 6-12 giờ hoặc lâu hơn.
- Nhiễm độc do hóa chất thì lại càng phức tạp hơn, nhưng các triệu chứng xảy ra thường sớm, có thể ngay sau khi ăn 5-10 phút, và bệnh cảnh thường là nặng nề.
Khi nào cần cấp cứu ngộ độc thực phẩm?
Trường hợp bị ngộ độc nhẹ, người bệnh thường cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp ngộ độc nặng với những triệu chứng như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, sốt… cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi. Bệnh có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng khiến người bệnh phải đi cấp cứu và bác sĩ nghi ngờ tới ngộ độc thực phẩm là.
-
Người bệnh đau bụng, co thắt dạ dày.
-
Buồn nôn.
-
Nôn.
-
Tiêu chảy hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.
-
Sốt.
-
Xuất hiện dấu hiệu mất nước, bao gồm: ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.
Tóm lại: Ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường gặp, sau khi người bệnh ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm, có thể mất vài giờ hoặc vài ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn mửa, hãy uống nhiều nước để tránh mất nước.
Lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc cần làm đó là chủ động bù nước và điện giải cho người bệnh.
Để phòng ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần cẩn thận trong khâu chọn lựa và chế biến thực phẩm sẽ giúp bạn bảo vệ chính bản thân và người thân trong gia đình trước nguy cơ gặp phải vấn đề sức khỏe trên. Cụ thể như:
-
Chọn mua những thực phẩm tươi sống, còn hạn sử dụng, có xuất xứ rõ ràng.
-
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.
-
Ăn uống hợp vệ sinh (không ăn thức ăn sống, hay nấu chưa kỹ, không ăn thức ăn để qua đêm…).
-
Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nơi chế biến thức ăn sạch sẽ.
-
Đặc biệt không ăn những thực phẩm không biết về nguồn gốc, chủng loại nhất là cây thảo dược, nấm... vì có thể gây ngộ độc.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()