LHQ cùng Hội Chữ Thập đỏ kêu gọi các nước thiết lập lệnh cấm và hạn chế robot sát thủ có thể tự động hạ mục tiêu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric ngày 5/10 khẳng định giải quyết vấn đề robot sát thủ là "một trong những ưu tiên nhân đạo toàn cầu".
Họ kêu gọi các nước thiết lập những lệnh cấm và hạn chế cụ thể với loại vũ khí tự động này trước năm 2026 nhằm "bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi hậu quả khi sử dụng chúng".
"Trong bối cảnh an ninh hiện nay, việc thiết lập các lằn ranh đỏ trên toàn cầu rõ ràng sẽ có lợi cho mọi quốc gia", tuyên bố chung của ông Guterres và bà Spoljaric có đoạn. Họ khẳng định phát triển và phổ biến robot sát thủ có khả năng thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh, do đó gây bất ổn toàn cầu.
Robot sát thủ là thuật ngữ thường dùng để chỉ các hệ thống vũ khí tự vận hành, có khả năng chọn mục tiêu và sử dụng vũ lực mà không cần con người can thiệp.
Chưa quốc gia nào sở hữu robot chiến đấu hoàn toàn tự động, song một số nước đã tuyên bố sở hữu máy bay không người lái (UAV) được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tự động nhận dạng mục tiêu.
"Chúng ta phải hành động ngay lúc này để bảo vệ quyền kiểm soát của con người với việc sử dụng vũ lực. Quyền kiểm soát của con người phải được giữ lại trong các quyết định sinh tử. Việc máy móc tự động nhắm mục tiêu vào con người là ranh giới đạo đức mà chúng ta không được vượt qua", ông Guterres và bà Spoljaric khẳng định.
Lãnh đạoLHQvà ICRC cho biết họ ngày càng lo ngại việc các công nghệ mới như AI ngày càng sẵn có và tinh vi, có thể được tích hợp vào robot sát thủ. Họ kêu gọi cấm các loại vũ khí tự vận hành "hoạt động theo cách không thể đoán trước", ví dụ những loại sử dụng công nghệ máy học, coi đây là "mối nguy hiểm không thể chấp nhận được".
Ông Guterres và bà Spoljaric kêu gọi hạn chế rõ ràng với tất cả vũ khí tự vận hành khác, trong đó có giới hạn sử dụng, loại mục tiêu và quy mô triển khai. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận cụ thể về vũ khí tự vận hành, các quốc gia có thể đưa ra quan điểm khác nhau về cách áp dụng quy tắc quốc tế về chúng.
"Các quy định quốc tế mới về vũ khí tự vận hành là cần thiết để làm rõ và củng cố luật hiện hành, tránh những hậu quả khủng khiếp cho nhân loại", ông Guterres và bà Spoljaric nhận định.
"Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo thế giới khởi động đàm phán về công cụ pháp lý ràng buộc mới để đặt ra những lệnh cấm và hạn chế rõ ràng với vũ khí tự vận hành và kết thúc các cuộc đàm phán như vậy vào năm 2026", lãnh đạo LHQ và ICRC cho biết.
Nhiều cuộc thảo luận về robot sát thủ diễn ra trong những năm gần đây tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ, song các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận để khởi động đàm phán. Nhiều cường quốc như Mỹ và Nga phản đối lệnh cấm đối với robot sát thủ.
Ý kiến ()