Nghị quyết kêu gọi lập tức ngừng bắn nhân đạo ở Gaza được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 12/12 với 153 phiếu ủng hộ, 23 phiếu trắng. Mỹ, Israel cùng 8 quốc gia khác bỏ phiếu chống, cho rằng một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có lợi cho Hamas.
Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về mặt chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu với một vấn đề. Để được thông qua, một nghị quyết cần nhận được quá bán số phiếu bầu. Nếu vấn đề quan trọng, nghị quyết cần nhận được 2/3 tổng số phiếu.
Phái viên Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour mô tả kết quả bỏ phiếu "đánh dấu ngày lịch sử, xét về thông điệp mạnh mẽ được Đại Hội đồng gửi đi". Chính quyền Palestine, Hamas hoan nghênh động thái, kêu gọi các quốc gia gây áp lực để Israel chấp thuận ngừng bắn.
Trước khi bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói Washington có ủng hộ một số khía cạnh trong nghị quyết, như cần giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza, bảo vệ dân thường, trả tự do cho con tin.
Mỹ muốn chỉnh sửa nội dung nghị quyết để bao gồm lên án "vụ tấn công và bắt con tin của Hamas nhằm vào Israel", Áo cũng muốn lên án Hamas bắt con tin, nhưng hai đề xuất không nhận được đủ sự ủng hộ từ các nước thành viên để thông qua.
Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Munir Akram cho rằng hai đề xuất đều nhắc đến Hamas và bất kỳ sự đổ lỗi nào "cũng phải đề cập cả hai bên, đặc biệt là Israel". Đại sứ Ai Cập tại Liên Hợp Quốc Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud gọi đây là dấu hiệu của "tiêu chuẩn kép" trong nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ Israel trước khi Đại Hội đồng bỏ phiếu.
Ý kiến ()