Cái nóng thiêu đốt phủ khắp bề mặt Trái Đất, khiến hàng triệu người và động vật thiệt mạng. Bóng râm không có tác dụng, trong khi những vùng nước nông có nhiệt độ cao hơn cả thân nhiệt con người.
Đây là khung cảnh trong một tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng mối đe dọa từ các sóng nhiệt được mô tả trong đó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần nếu không được kiểm soát, theo dự thảo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) dự kiến được công bố vào tháng 2/2022.
Những mô hình dự báo ban đầu cho rằng tình trạng ô nhiễm carbon không kiểm soát phải mất gần một thế kỷ nữa để biến đổi khí hậu đến mức các đợt nóng vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Tuy nhiên, dự báo mới cho rằng các sóng nhiệt gây chết người có thể diễn ra sớm hơn nhiều, theo dự thảo báo cáo dài 4.000 trang của Ủy ban Liên chính phủ về Biển đổi Khí hậu (IPCC) của LHQ.
Theo đó, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cao hơn 0,4 độ so với hiện nay. Khoảng 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng theo chu kỳ 5 năm và mức độ dữ dội cao hơn nhiều so với hiện nay. Thêm 1,7 tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng nếu mức tăng chạm ngưỡng 2 độ C.
Chịu tác động nặng nhất sẽ là các đại đô thị ở những nước đang phát triển, từ Karachi đến Kinshasa, Manila đến Mumbai, Lagos đến Manaus.
Không chỉ mức tăng nhiệt độ gây hại, các sóng nhiệt sẽ càng nguy hiểm khi kết hợp với độ ẩm cao. Nói cách khác, nền nhiệt cao và độ ẩm thấp sẽ dễ sinh tồn hơn mức nhiệt thấp hơn nhưng đi kèm độ ẩm cao. Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao này được gọi là nhiệt độ cầu ướt (TW).
Giới chuyên gia cho rằng người trưởng thành khỏe mạnh không thể sinh tồn nếu nhiệt độ cầu ướt vượt mức 35 độ C, ngay cả khi luôn ở trong bóng mát và có nguồn tiếp nước không giới hạn.
"Khi nhiệt độ cầu ướt ở mức rất cao, không khí ẩm đến mức việc đổ mồ hôi không còn tác dụng giải nhiệt cho cơ thể. Điều này sẽ dẫn tới suy tạng và tử vong sau 6 tiếng nếu không có cách giải nhiệt nhân tạo", Colin Raymond, tác giả nghiên cứu về sóng nhiệt ở Vùng Vịnh, cho hay.
Sốc nhiệt, trụy tim
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của nhiệt độ cầu ướt ở ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức 35 độ C, nhất là với người già và trẻ nhỏ.
Hai đợt sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan hồi năm 2015 đạt mức nhiệt độ cầu ướt 30 độ C đã khiến hơn 4.000 người chết. Một đợt nóng ở Tây Âu hồi năm 2003 khiến hơn 50.000 người chết dù mức nhiệt độ cầu ướt chưa chạm đến 30 độ C.
Các đợt nóng kỷ lục ở bắc bán cầu trong năm 2019, năm nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới, cũng gây ra nhiều vụ chết người, nhưng chưa có dữ liệu về nhiệt độ cầu ướt.
Nghiên cứu của Viện Đánh giá và Chỉ số Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ cho thấy hơn 300.000 người đã chết vì những lý do liên quan đến nắng nóng trên toàn thế giới trong năm 2019.
Khoảng 37% trong số này, tương đương 100.000 ca tử vong, có thể liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, theo nhóm nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y khoa Nhiệt đới London có trụ sở tại Anh. Tỷ lệ này là trên 60% ở một số nước như Brazil, Peru, Colombia, Philippines, Kuwait và Guatemala.
Phần lớn những ca tử vong trên có thể bắt nguồn từ sốc nhiệt, trụy tim và mất nước vì đổ mồ hôi quá nhiều, trong đó nhiều cái chết có thể được ngăn chặn.
Các thành phố bị đe dọa
Các đợt nóng bất thường với nhiệt độ cầu ướt trên mức 27 độ C đã tăng hơn hai lần kể từ năm 1979. Nghiên cứu của Colin Raymond cho thấy nhiệt độ cầu ướt có thể thường xuyên vượt ngưỡng 35 độ C ở một số địa điểm trên thế giới trong vài chục năm tới nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ. Thỏa thuận Paris về chống biến đổi hồi năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế mức tăng dưới 2 độ C và chạm ngưỡng 1,5 độ C.
Ngay cả khi những mục tiêu này được đáp ứng, hàng trăm triệu cư dân đô thị ở vùng châu Phi hạ Sahara, cũng như Nam Á và Đông Nam Á, có thể hứng chịu ít nhất 30 ngày nắng nóng nguy hiểm mỗi năm vào năm 2080, theo báo cáo của IPCC.
"Dân số thành thị ở những khu vực này vẫn gia tăng nhanh chóng và mối đe dọa từ các sóng nhiệt đang xuất hiện", Steffen Lohrey, tác giả báo cáo, nhận xét. Tài liệu này vẫn đang chờ bình duyệt từ các cơ quan chuyên môn.
Nhóm tác giả cho biết các tính toán này còn chưa xét đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, vốn làm nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C so với khu vực xung quanh trong các đợt sóng nhiệt. Công trình bê tông và đường sá hấp thụ nhiệt, khí xả từ điều hòa, cũng như mật độ cư dân lớn ở thành thị đều khiến mức nhiệt gia tăng tại các thành phố.
Các điểm nóng
Khu vực châu Phi hạ Sahara rất dễ tổn thương trước các đợt sóng nhiệt, chủ yếu bởi đây là vùng ít được chuẩn bị để ứng phó với khí hậu cực đoan. "Các nghiên cứu trong thực tế và mô hình khí hậu đều cho thấy châu Phi hạ Sahara là điểm nóng với những đợt sóng nhiệt", Luke Harrington, nhà nghiên cứu thuộc Viện Biến đổi Môi trưởng thuộc Đại học Oxford của Anh, nhận xét.
Khu vực Trung Á và miền trung Trung Quốc có thể đối mặt với nhiệt độ cầu ướt cực đoan và nguy cơ sóng nhiệt vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người, báo cáo của IPCC cảnh báo.
Địa Trung Hải cũng là khu vực sẽ phải đối mặt với những đợt nóng chết người. "Khoảng 200 triệu người ở châu Âu sẽ gặp nguy cơ cao vào giữa thế kỷ 21 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C trước năm 2100", báo cáo có đoạn viết.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong chính là khả năng thích nghi của con người. "Người dân ở Tây Âu nhạy cảm hơn nhiều so với Bắc Mỹ. Lý do là mọi người dân ở Bắc Mỹ đều có điều hòa nhiệt độ và sống trong những ngôi nhà hiện đại, có hệ thống cách nhiệt tốt. Sự khác biệt nằm ở cơ sở hạ tầng", Jeff Stanaway, nhà nghiên cứu tại IHME, nhận xét.
Khoảng trống giải nhiệt
Các đợt sóng nhiệt sẽ gây tác động khác nhau với những cộng đồng cư dân. Ở một số nước đang phát triển, khả năng làm mát cho người dân không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, cho thấy cuộc chạy đua giữa khí hậu nóng lên với khả năng thích nghi với nó. Một nhà nghiên cứu gọi đây là "khoảng trống giải nhiệt toàn cầu".
Sóng nhiệt sẽ không chỉ gây chết người do vượt quá giới hạn sinh lý, mà còn gián tiếp phá hoại cuộc sống của lượng lớn dân cư trên thế giới. Nhiệt độ cao có thể trở thành điều kiện phát tán nhiều bệnh dịch, làm suy giảm sản lượng nông nghiệp và năng lực sản xuất, khiến làm việc chân tay ngoài trời trở thành hoạt động đe dọa tính mạng nhân công.
Giới chuyên gia cho rằng có thể tránh được ảnh hưởng tồi tệ nhất nếu đà tăng nhiệt độ được giới hạn càng gần mức 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu đã được cảm nhận ở nhiều khu vực.
"Các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều ngày có nền nhiệt cực đoan hơn, trong đó việc lao động chân tay ngoài trời sẽ trở nên bất khả thi", báo cáo của IPCC cảnh báo.
Ý kiến ()