Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:43 (GMT +7)
Lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ thúc đẩy cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah?
Thứ 6, 14/06/2024 | 14:28:38 [GMT +7] A A
Tiếng trống chiến tranh đang vang lên dữ dội sau khi Israel tiêu diệt chỉ huy cấp cao của Hezbollah và lực lượng ở Liban tiến hành cuộc tấn công tên lửa lớn vào Israel.
Hôm 12/6, lực lượng Hezbollah ở Liban đã phóng hơn 200 quả tên lửa và rocket qua biên giới phía Nam, một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất vào miền Bắc Israel kể từ cuộc chiến năm 2006.
Một ngày trước đó, Israel đã ám sát Taleb Abdullah, chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah bị giết hại kể từ ngày 7/10/2023.
Những động thái trên là hành động leo thang mới nhất của các cuộc giao tranh giữa Israel và Liban, khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas dường như đang đi đến hồi kết.
Theo các nhà phân tích quân sự, lệnh ngừng bắn ở Gaza có thể chuyển trọng tâm quân sự của Israel sang Liban, nơi nước này đã có các cuộc tấn công đáp trả với Hezbollah kể từ sau ngày 7/10/2023.
Song các cuộc tấn công qua biên giới phía nam của Liban không hẳn là động thái “ăn miếng trả miếng”. Trong một cuộc điều tra hồi tháng 4, Al Jazeera phát hiện ra rằng Israel đã tiến hành hơn 5 cuộc tấn công vào Liban sau mỗi cuộc tấn công của Hezbollah.
Israel đã giết khoảng 300 thành viên Hezbollah và hơn 70 thường dân trong thời gian này, trong khi Israel cho biết họ đã mất khoảng 15 binh sĩ và 10 thường dân.
Áp lực của Israel
Trong khi căng thẳng đang gia tăng dọc biên giới, các nhà phân tích tin rằng Israel sẽ phải vật lộn để mở rộng cuộc chiến với Liban, nếu không có lệnh ngừng bắn đầu tiên ở Gaza.
Ông Tannous Mouawad, một chuẩn tướng đã nghỉ hưu trong quân đội Liban, nhận định: “Israel sẽ không mở rộng cuộc chiến với Liban chừng nào vẫn còn một phát súng ở Gaza. Khi lệnh ngừng bắn đạt được ở Gaza, Israel chắc chắn sẽ hướng về Liban”.
Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chịu áp lực lớn từ trong nước khi năm học mới đang đến gần và trên 90.000 người vẫn phải rời bỏ nhà cửa ở miền Bắc Israel.
Trong khi đó, các chính trị gia cho rằng Hezbollah cần bị đẩy lùi khỏi biên giới trước khi dân thường có thể trở về an toàn - mặc dù nhiều người được cho là đã quyết định không quay trở lại.
Tuần trước, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel “đã chuẩn bị cho một chiến dịch rất dữ dội” ở biên giới với Liban.
Ông Karim Emile Bitar, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, nói: “Cuộc khảo sát do tờ Maariv của Israel thực hiện cho thấy ít nhất 70% người Israel muốn xóa sổ Hezbollah. Một số thành viên trong Nội các chiến tranh Israel cũng chia sẻ lập trường cứng rắn này”.
Đầu tháng này, Tham mưu trưởng Quân đội Israel, ông Herzi Halevi, cũng nói với giới chức rằng: “Chúng ta đang tiến gần đến thời điểm mà một quyết định sẽ phải được đưa ra, và Quân đội Israel đã chuẩn bị và rất sẵn sàng cho quyết định này”.
Những hậu quả tiêu cực
Việc thúc đẩy cuộc chiến chống Hezbollah và Liban không có nghĩa là Israel chắc chắn sẽ giành chiến thắng.
Giáo sư Bitar cho rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ “phản tác dụng một cách mạnh mẽ” và có thể gây ra nỗi thống khổ cho cả người dân Liban và Israel.
“Sẽ không dễ dàng gì cho Israel. Ý tưởng cho rằng họ có thể chiếm miền nam Liban cho thấy họ chưa rút ra được bài học gì từ lịch sử Israel”, ông Bitar nói.
Năm 1978 và 1982, Israel đã đưa quân vào miền Nam Liban trong cuộc nội chiến của nước này, nhằm mục đích đẩy lùi các nhóm người Palestine.
Hezbollah là nhóm Shia đầu tiên xuất hiện để đối đầu với cuộc chiếm đóng kéo dài 18 năm của Israel ở miền Nam Liban, thành lập từ năm 1982.
Israel cũng chiếm đóng miền Nam Lebanon từ năm 1985 đến năm 2000, sau khi Hezbollah và các lực lượng Liban khác đẩy lùi Quân đội Israel qua biên giới.
Giáo sư Bitar cho rằng cuộc tấn công Hezbollah có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề cho Israel hơn những gì họ nghĩ. Hiện nay, Hezbollah thường được coi là lực lượng phi nhà nước hùng mạnh nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là năng lực quân sự của nhóm này mạnh hơn đáng kể so với Hamas.
Cho đến nay, Hezbollah chủ yếu tấn công các mục tiêu quân sự gần phía bắc Israel. Song các nhà phân tích cho rằng việc phong trào này tấn công các mục tiêu quân sự ở những khu vực như Tel Aviv, nơi được bao quanh bởi cơ sở hạ tầng dân sự, sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho Israel.
Bà Amal Saad, tác giả của cuốn sách Hizbu'llah Politics and Religion, nhận định: “Bản thân Israel đã có rạn nứt với những người định cư ở phía bắc không hài lòng với Chính phủ. Việc thả tên lửa xuống một thành phố đông dân có thể để đào sâu thêm những chia rẽ vốn tồn tại từ trước. Israel không thể chịu đựng được một phần nhỏ những gì Gaza hay Liban có thể chịu đựng”.
Trong những tuần gần đây, Hezbollah cũng đã sử dụng các loại vũ khí mới chưa từng được sử dụng trên chiến trường, bao gồm tên lửa phòng không, mà họ cho rằng loại vũ khí này đã buộc các máy bay chiến đấu của Israel phải rút lui.
Theo bà Saad, động thái này chỉmang tính tượng trưng vì nó “thách thức quyền tối cao trên không của Israel”. Hezbollah cũng đã bắn hạ một số thiết bị không người lái của Israel trong những tuần gần đây.
Dĩ nhiên, một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Liban có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả Israel và chính Liban.
Giới chức đã cảnh báo rằng cuộc leo thang chống lại Hezbollah có thể kéo cả Iran và các lực lượng đồng minh khác trong khu vực.
Và Liban, với nền kinh tế sụp đổ, chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nữa. Chuẩn tướng đã nghỉ hưu Mouawad cho rằng cuộc chiến của Israel vào Liban sẽ gây ra sức tàn phá khủng khiếp.
“Liban không thể gánh chịu hậu quả đó”, ông Mouawad nói.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()