Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:14 (GMT +7)
Lê Vân Hải - Hoạ sĩ của biển, của Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 10/02/2024 | 09:49:48 [GMT +7] A A
Đề tài về biển, đặc biệt là vịnh Hạ Long đã theo đuổi sự nghiệp sáng tác của hoạ sĩ Lê Vân Hải một cách bền bỉ, đam mê đến độ chân thành. Biển cùng vịnh Hạ Long trong các sáng tác của ông, khi trầm lắng, lúc khỏe khoắn trong các bức sơn mài, khi xao động, lung linh cảm xúc trong những tác phẩm sơn dầu...
Họa sĩ Lê Vân Hải sinh năm 1942 tại thôn Quỳnh Biểu, xã Liên Hòa, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh. Ông vào bộ đội biên phòng khi 18 tuổi. Năm 1962, Lê Vân Hải xuất ngũ về làm công nhân lái xe gạt tại mỏ than Đèo Nai và tham gia vẽ tranh tuyên truyền cổ động tại xí nghiệp. Năm 1967, ông là người đầu tiên thi đỗ chính khóa vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên khoa về sơn mài và được tiếp tục theo học sau đại học tại Trường Nghệ thuật tạo hình quốc gia Hungari. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp, ông trở về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh. Năm 1996 ông chuyển công tác về Hà Nội được bổ nhiệm là Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đến lúc nghỉ hưu.
Họa sĩ Lê Vân Hải cùng với các họa sĩ: Ngô Văn Túc, Lê Truyền, Trần Tuấn Lân (đã mất), với Mai Khanh, Lê La, Vũ Tư Khang... là những họa sĩ “lớp đầu” tên tuổi, tài danh - niềm tự hào của “Làng tranh Yên Hưng”. Ngoài sự nghiệp sáng tác hội họa, ông còn làm công việc quản lý và từng là Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh phụ trách thư viện, bảo tàng và mảng nghệ thuật, trong đó có phong trào mỹ thuật.
Với cương vị công tác và chuyên môn của mình, Lê Vân Hải đã có nhiều đóng góp và xây dựng phong trào mỹ thuật và đào tạo các thế hệ năng khiếu hội họa trẻ ở huyện Yên Hưng quê nhà, cùng nhiều hoạt động góp phần nâng cao chuyên môn cho các anh em họa sĩ nghiệp dư của tỉnh. Ông đã (7 lần) tổ chức Triển lãm “Mỹ thuật Quảng Ninh tại Hà Nội”, mời các danh họa đến tham gia và góp ý cho anh em đội ngũ sáng tác, từng bước nâng cao chất lượng mỹ thuật của Quảng Ninh ngày một khởi sắc. Ông còn lo cho con cái theo nghiệp hội hoạ, như con cả là: Họa sĩ Lê Quốc Huy, hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; tiến sĩ Lê Thành Đức làm việc tại Pari (Pháp); hai con gái Lê Bích Thuỷ, Lê Kim Quý, đều tốt nghiệp đại học, thành đạt.
Với sự nghiệp hội họa, như hoạ sĩ Lê Vân Hải đã tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển huyện Yên Hưng, cả làng tôi làm nghề chài lưới. Từ nhỏ, tôi đã theo các chú, các anh ra biển đánh cá. Tôi yêu biển, rồi tập tành vẽ tranh về biển ngay từ khi tôi còn đang học cấp một. Sau này, đi bộ đội tôi được đào tạo vẽ tranh trong quân ngũ. Khi về Hạ Long công tác, có chút lưng vốn ấy tôi thường ra ngắm vịnh để vẽ, khi tôi tìm mua nhà, nhà tôi cũng nằm ngay trên Bến Đoan nhìn ra vịnh Hạ Long. Những bức tranh ban đầu vẽ về thuyền và biển của tôi đã được thầy Trần Văn Cẩn, thầy Nguyễn Tư Nghiêm khen ngợi, động viên, từ đó tôi vững tin hơn để chuyên tâm đi vào đề tài này như một chuyên đề.
Có lẽ vì vậy nên ấn tượng về biển trong tranh của hoạ sĩ Lê Vân Hải hình như tràn ngập hầu hết trong các sáng tác của mình. Như có người đã nhận xét: “Thuyền và biển là dành cho tranh họa sĩ Lê Vân Hải” và như dòng lưu bút của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa trong triển lãm riêng của ông tại Hà Nội năm 2002, đã viết: “Anh Lê Vân Hải là họa sĩ duy nhất cho tôi thấy được cuộc sống muôn mặt của vịnh Hạ Long...”.
Đúng là vậy, đề tài về biển, đặc biệt là vịnh Hạ Long đã theo đuổi sự nghiệp sáng tác của hoạ sĩ Lê Vân Hải một cách bền bỉ, đam mê đến độ chân thành. Biển cùng vịnh Hạ Long trong các sáng tác của ông, khi trầm lắng, lúc khỏe khoắn trong các bức sơn mài, khi xao động, lung linh cảm xúc trong những tác phẩm sơn dầu, đặc biệt người xem ấn tượng với gam màu ghi xám, lam, hồng... cùng những mảng điểm trắng tài hoa, tinh tế và “rất có duyên” trong những bức bột màu, đó còn là những vệt sương khói ảo mờ, bảng lảng, mơ màng của những thời khắc trong mọi cung bậc cảm xúc cùng những khoảnh khắc “thăng hoa” của biển, của vịnh Hạ Long trong các sáng tác của ông. Những tranh bột màu về biển về vịnh cùng với những sáng tác của ông ở thời kỳ sau năm 1982 cho đến nay, qua chất liệu sơn mài, như: “Thuyền dưới chân núi Bài Thơ”, “Phơi buồm”, “Bãi biển Tuần Châu”... và những tác phẩm sơn dầu: “Ra khơi”, “Phơi buồm ở Bến Đoan”, “Bắt cua bể”, “Khâu buồm”, “Hạ Long thu”... đã làm nên một “Lê Vân Hải - Họa sĩ của biển, của vịnh Hạ Long”, như lưu bút của họa sĩ Trần Lưu Hậu trong triển lãm tranh của Lê Vân Hải tại thủ đô Hà Nội (tháng 12/2009) đã cảm nhận: “Người số 1 vẽ về Hạ Long. Rất nhiều tranh đẹp. Nếu có tiền tôi sẽ mua bức Thuyền dưới chân núi Bài Thơ...”.
Tranh của họa sĩ Lê Vân Hải có được ngôn ngữ tạo hình riêng, đương đại, đậm chất Á Đông, nổi bật trong tranh ông với những khoảng trống lớn trong các “bố cục mới, độc, lạ” mà không bị thừa, “bị trống”. Những chi tiết mây, trời, sóng, nước, con thuyền, cùng những buồm, lưới và người... được hòa quyện, được chọn lọc và giao hòa vào nhau tự nhiên như vốn có. Tranh của ông còn ấn tượng ở sự kiệm màu mà tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cùng sự lắng đọng của suy ngẫm. Mảng đề tài về biển, nhất là về vịnh Hạ Long ông vẽ nhiều, thậm chí có khi là cả một tệp cùng chủ đề sáng tác nhưng không bức nào che lấn bức nào, mỗi bức đều có sự tìm tòi, có bố cục riêng, hòa sắc riêng, thực mà hư, hư mà thực được diễn đạt một cách ăn ý, nhẹ nhàng đến mức tinh tế và dung dị, trong đó có nhiều tác phẩm đẹp mơ màng rất gần với tranh lụa. Đặc biệt là thuyền và biển qua bàn tay tài hoa của họa sĩ đã trở nên lung linh, sống động và huyền ảo, nên thơ.
Như hoạ sĩ Lê Vân Hải đã bộc bạch: “Trong mắt tôi, biển và vịnh Hạ Long đẹp trong mọi khoảnh khắc, đẹp trong cả cái biến ảo. Tôi vẽ tất cả các hoạt động trên vịnh: Hạ Long sớm, Hạ Long chiều, phơi cá trên vịnh, đánh cá trên vịnh, mùa đông Hạ Long, mùa thu Hạ Long v.v.. Thậm chí trong bão giông Hạ Long vẫn đẹp. Tôi vẽ Hạ Long từ cảm xúc của mình, không chịu gò bó theo một khuôn khổ, quy tắc, chuẩn mực nào cả. Tôi vui buồn cùng Hạ Long, ngẫm ngợi cùng với Hạ Long. Trong thế giới sắc màu của tôi, Hạ Long là kỳ quan số 1 thế giới đã từ lâu, lâu lắm rồi! Chính Hạ Long đã cho tôi có được ngày hôm nay. Nhẩm tính, tôi đã bán được cỡ trên dưới 200 bức vẽ Hạ Long cho khách nước ngoài. Tôi mua được đất, xây được nhà ở Hà Nội cũng nhờ bán tranh vẽ Hạ Long. Ai nói gì thì nói, Hạ Long là đời sống, tâm linh, là tình cảm của tôi. Sau khi nghỉ hưu đến nay tôi vẫn vẽ Hạ Long...”.
Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980-1985, tác phẩm “Bắt cua bể” của họa sĩ Lê Vân Hải được trao Huy chương Đồng. Ông đã có hơn chục tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có 3 tác phẩm được lưu giữ tại Bộ Văn hóa - Thông tin và 3 tác phẩm (1 bức sơn mài, 2 bức sơn dầu) được trưng bày tại Nhà Quốc hội Việt Nam, cùng rất nhiều tranh đã được bán, được lưu giữ trong các bộ sưu tập của khách trong và ngoài nước.
Họa sĩ Lê Vân Hải còn liên tục có tranh tham dự các triển lãm mỹ thuật toàn quốc (nay là Mỹ thuật Việt Nam, 5 năm một lần) tất cả các năm, từ năm 1976 đến năm 2020 và được trao giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất (năm 1985) và lần thứ hai (năm 1990)... Ông đã Triển lãm tranh cá nhân ở Quảng Ninh (2002), tại thủ đô Hà Nội (các năm 1985, 2004), ở Hungari (1990), Trung Quốc (1992), Pháp (2010).
Tôi còn nhớ và rất tâm đắc với ý kiến của cố họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong Triển lãm tranh của họa sĩ Lê Vân Hải tại Quảng Ninh năm 2002, đã phát biểu: “Chỉ với chủ đề về biển, về vịnh Hạ Long nếu yêu đến tận cùng, đam mê và dấn thân đến tận cùng như Lê Vân Hải đã làm nên tên tuổi - Họa sĩ của biển, của vịnh Hạ Long - là thế!”
Đặng Đình Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()