Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:01 (GMT +7)
Lễ hội đình Đầm Hà
Thứ 6, 23/02/2024 | 10:40:05 [GMT +7] A A
Lễ hội đình Đầm Hà được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân huyện. Lễ hội đình Đầm Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của người dân cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương.
Đình Đầm Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình lớn, có không gian kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của những ngôi đình cổ Việt Nam. Trải qua chiến tranh ác liệt, công trình bị hư hại nặng nề, đến năm 2008 mới được khôi phục hoàn toàn và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Đình thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm tại vùng đất Đầm Hà và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình. Đây cũng là trung tâm, là điểm duy nhất được nhân dân duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh của địa phương. Với những giá trị của mình, năm 2010 đình Đầm Hà được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội đình Đầm Hà hiện được phục dựng, rút gọn còn 3 ngày 2 đêm. Theo các bậc cao niên ở địa phương, trước đây Lễ hội diễn ra liên tục trong 6 ngày, 5 đêm (15-20 tháng Giêng). Lồng ghép trong từng nghi thức là những điển tích lịch sử, nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, kính trọng thần, phật, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa. Đặc biệt có nghi thức là “Lễ Cáo trạng” để tôn vinh những người con của quê hương có thành tích trong học tập, đỗ đạt, thăng quan, tiến chức. Điều này cho thấy rõ tinh thần khuyến học, khuyến tài, xem trọng việc học hành đã được quy định trong lệ làng từ rất sớm. Nét độc đáo khác của Lễ hội đình Đầm Hà là hoạt động trình diễn Hát nhà tơ - Hát múa cửa đình truyền thống, được các nghệ nhân lưu truyền đến ngày nay.
Để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống, những năm qua huyện luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tổ chức lễ hội. Trong đó xác định di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Các phòng, ban chuyên môn của huyện tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân về phương pháp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, truyền dạy, thực hành lễ hội... theo đúng tinh thần truyền thống.
Hằng năm BTC lễ hội, BQL di tích xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội phù hợp, hình thành nếp sống văn minh trong lễ hội. Người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đã ngày càng phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Những năm gần đây, Lễ hội đình được tổ chức cùng với Tuần lễ Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà, giúp đem đến một không gian văn hóa đặc sắc dịp đầu năm mới tại địa phương.
Ông Chu Xuân Đỗ, Trưởng BQL đình Đầm Hà, cho biết: Lễ hội năm nay được diễn ra trong một tâm thế đặc biệt hơn, bởi Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các thành viên trong BQL đều phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, từ hơn 1 tháng trước đã tất bật với công việc chuẩn bị từ trang phục, cờ quạt, kiệu rước, cho đến họp rà soát nhân sự các đội tham gia lễ tế, quan viên, nhạc sinh... Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ có trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà vai trò của cộng đồng cũng vô cùng quan trọng. Cụ thể bằng việc thực hiện nếp sống văn minh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các biểu hiện tiêu cực, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan...
Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Đây là một thể loại được coi là một biến thể trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam; là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian cộng đồng được lớp người cao tuổi nắm giữ và lưu truyền trong dân. Đặc trưng của Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình là phong cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường là trong gia đình có bố mẹ đi hát, hoặc nghe hát rồi truyền lại cho con cháu... Không gian diễn xướng của Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình là cả sân đình, cả một không gian lễ hội.
Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự (103 tuổi) tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, là người góp phần bảo tồn Hát nhà tơ - Hát, múa cửa đình gắn với việc phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà từ năm 2008.
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()