Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:25 (GMT +7)
Lấy nhu cầu khán, thính, độc giả làm nền tảng trong chuyển đổi số
Thứ 2, 20/06/2022 | 09:10:21 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH. Báo chí, truyền thông là một trong những lĩnh vực luôn phản ứng nhạy bén với mọi biến động của xã hội, nên cũng không thể nằm ngoài xu thế đó. Đối với Quảng Ninh, báo chí nói chung và Trung tâm Truyền thông tỉnh (đơn vị tiên phong trong cả nước hợp nhất 4 cơ quan báo chí địa phương) nói riêng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song đã sớm bắt kịp xu thế thời đại công nghiệp 4.0 để có những “chiến lược” đáp ứng yêu cầu của khán, thính, độc giả. Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2022), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Mai Vũ Tuấn (ảnh) về nội dung này.
- Để đáp ứng yêu cầu của báo chí trong thời đại công nghệ số, thời gian qua, báo chí Quảng Ninh nói chung, đặc biệt là Trung tâm Truyền thông tỉnh nói riêng đã tích cực thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, xin ông cho biết những kết quả chính trong thực hiện nội dung này?
+ Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức làm việc, nhằm tạo ra một năng suất và hiệu quả mới. Báo chí nói chung, trong đó có báo chí Quảng Ninh phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công việc này, bởi bản chất của báo chí là luôn luôn tìm tòi đem lại những giá trị mới cho cuộc sống.
Vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí được tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm và xác định là một trong những lĩnh vực tiên phong thực hiện trong đề án chuyển đổi số toàn diện của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ năm 2019, Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí thông tin của tỉnh, Trung tâm hoạt động theo mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện” bước đầu đã mang lại hiệu quả. Theo đó, Trung tâm đã chủ động thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hướng tới công chúng báo chí. Phần lớn phóng viên đã chủ động tác nghiệp đa phương tiện, các thông tin được chia sẻ qua hệ thống dữ liệu dùng chung, các sản phẩm được phân phối đa nền tảng...
Theo dõi các nền tảng của Trung tâm, công chúng có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các loại hình truyền thông. Hầu hết các sản phẩm báo chí do Trung tâm sản xuất bằng cộng nghệ số; nhiều sản phẩm báo chí mới được tập trung đẩy mạnh như các tác phẩm báo chí đa phương tiện, e-Magazine, báo chí dữ liệu (infographic)… được sản xuất cho báo in, báo điện tử. Các phóng sự, bản tin, chương trình phát thanh, truyền hình được đăng tải trên báo Quảng Ninh điện tử, đồng thời được gắn mã QR trên báo in để độc giả có thể tiếp cận thông qua thiết bị di động. Độc giả cũng có thể tiếp cận thông tin qua ứng dụng Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT dành cho các thiết bị di động thông minh, trên các ứng dụng có truyền hình trực tuyến, phát thanh trực tuyến… Trung tâm Truyền thông tỉnh đang và tiếp tục hướng tới việc phục vụ công chúng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị, theo nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng.
Các dữ liệu phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, các số báo in… được sản xuất từ khởi đầu thành lập của báo chí Quảng Ninh đang được số hóa và gán trường thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu Big data báo chí Quảng Ninh phục vụ nhu cầu khai thác tư liệu, mang lại hiệu quả trong hoạt động tác nghiệp báo chí và các hoạt động KT-XH khác.
Công tác quản lý, điều hành tòa soạn đã phần lớn được tin học hóa và xử lý trên các phần mềm chuyên dùng. Phần lớn các cuộc họp và chỉ đạo điều hành hoạt động của Trung tâm chuyển dần từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Qua một thời gian triển khai thực hiện, ông có thể cho biết những khó khăn, thách thức trong công tác chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh?
+ Với lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là chặng đường dài và không hề dễ dàng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Các hệ thống thiết bị kỹ thuật của Trung tâm Truyền thông tỉnh được đầu tư qua nhiều dự án và qua nhiều giai đoạn thời gian khác nhau, do đó các chuẩn kết nối, tính đồng bộ của hệ thống chưa được cao, một số có tốc độ xử lý chậm, đòi hỏi phải sửa chữa, nâng cấp… Hiện nay trụ sở mới của Trung tâm cũng đang ở bước chuẩn bị đầu tư, nên nơi làm việc còn phân tán, dàn trải.
Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo, đó không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ, hay quy trình hoạt động, mà còn là năng lực và nhận thức của đội ngũ hoạt động báo chí về vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Trong khi đó, Trung tâm đang cần một đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, quản trị sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần được đào tạo, đào tạo lại để năng động, sáng tạo hơn trong việc bắt nhịp và làm chủ về công nghệ, thiết bị, sẵn sàng tiếp cận và làm quen với các xu thế công nghệ mới, cũng như thường trực tinh thần sáng tạo.
Khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư do quảng cáo truyền thống đang có xu hướng dịch chuyển sang các hình thức quảng cáo mới, dẫn đến doanh thu giảm cũng đang là một trong những thách thức quan trọng với quá trình chuyển đổi số của Trung tâm...
- Ông có thể cho biết, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có chiến lược chuyển đổi số thế nào để trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, chủ lực của tỉnh, thực hiện tốt vai trò là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của nhân dân tỉnh Quảng Ninh?
+ Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã cho thấy chuyển đổi số hỗ trợ tích cực như thế nào cho các hoạt động báo chí, cũng như khẳng định xu thế tất yếu đối với các cơ quan báo chí và cần phải bắt tay vào làm ngay. Với mục tiêu lấy nhu cầu khán, thính, độc giả làm nền tảng trong chuyển đổi số, Trung tâm sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng.
Thứ nhất là thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý, điều hành sản xuất, tác nghiệp theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiên trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiêm vụ này là một thách thức đỏi hỏi trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đồng đều trong CBVC-NLĐ toàn Trung tâm. Nếu hoàn thiện được hô hình này, việc giao nhiệm vụ cho các phòng, các cá nhân được cập nhật, tiến hành và theo dõi tiến độ liên tục trên trên hệ thống cho phép tối ưu hóa nguồn lực cơ sở vật chất và con người trong điều hành tác nghiệp phục vụ tòa soạn, cho phép kịp thời chỉ đạo, điều hành, kiểm soát công việc, kiểm duyệt tác phẩm từ xa.
Thứ hai là xây dựng bộ dữ liệu lớn (Big data) về cơ sở dữ liệu báo chí Quảng Ninh. Với nhiệm vụ này, kho lưu trữ tư liệu sẽ được nâng cấp dung lượng đáp ứng các nhu cầu kết nối đa nền tảng phục vụ tòa soạn hội tụ đa phương tiện, đồng thời hỗ trợ phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; hình thành kho tư liệu về các ngành, các lĩnh vực của tỉnh; đảm bảo khả năng sao lưu, dự phòng, khôi phục các dữ liệu quan trọng của Trung tâm; xây dựng phầm mềm quản trị khai thác hệ thống dữ liệu giúp quản lý tư liệu một cách khoa học, hỗ trợ công tác tìm kiếm, tra cứu tư liệu được thuận lợi, dễ dàng.
Trong tương lai, Trung tâm sẽ mở rộng các kênh tiếp nhận phản hồi của công chúng, đo lường khán giả đối với các chương trình và các kênh phát thanh, truyền hình, để nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, từ đó nhận biết được nhu cầu thông tin để tổ chức sản xuất các nội dung đáp ứng nhu cầu công chúng vào đúng thời điểm công chúng cần và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trên các loại hình báo chí.
Thứ tư là phối hợp với các đối tác công nghệ thông tin hàng đầu quốc gia để đảm bảo công tác an ninh an toàn thông tin. Dữ liệu báo chí của tỉnh và các hệ thống phần mềm của Trung tâm sẽ được đặt ở các trung tâm tích hợp dữ liệu có độ an toàn cao, đặc biệt là ứng dụng lưu trữ đám mây, để tăng khả năng cung cấp các sản phẩm báo chí trên nền tảng số cho công chúng.
Thứ năm là tăng cường sử dụng các công cụ công nghệ trong sản xuất sản phẩm báo chí (các ứng dụng AI, Big data, IoT...) tạo ra các sản phẩm mới như đọc báo điện tử, trả lời tự động (Chatbot), hay sáng tạo các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, mega story, infographic, timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ... Hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích cho công chúng… Định hướng và bắt đầu sản xuất các nền tảng truyền thông số đặc thù, thiết lập các kênh phân phối phù hợp. Đầu tư hệ thống trang thiết bị đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu hoạt động khi trụ sở mới được xây dựng.
Trung tâm cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, đội ngũ phóng viên… Qua đó, góp phần xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, chủ lực của tỉnh, thực hiện tốt vai trò là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thanh Hằng
- Hội đàm hợp tác hữu nghị giữa Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và Đài PT-TH Gangwon
- TP Móng Cái và Trung tâm Truyền thông tỉnh ký kết chương trình phối hợp truyền thông năm 2022
- Trung tâm Truyền thông tỉnh đồng hành cùng SEA Games 31
- Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh và Phòng Cảnh sát cơ động ký kết quy chế phối hợp
Liên kết website
Ý kiến ()