Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:37 (GMT +7)
Hành động thiết thực vì biển xanh
Chủ nhật, 29/09/2024 | 07:39:16 [GMT +7] A A
Sau cơn bão số 3, vùng biển Quảng Ninh tràn ngập những tấm bè mảng, phao xốp trôi dạt từ các khu nuôi trồng thủy sản, rác thải sinh hoạt, thân cây, các công trình ven bờ… Màu xanh của biển trong chốc lát bị rác thải xâm lấn, bủa vây. Không chậm trễ, toàn bộ hệ thống chính trị và các tổ chức, đơn vị trong tỉnh đã nhanh chóng ra quân, huy động nhân lực và phương tiện, quyết tâm làm sạch biển.
Gánh nặng rác sau bão
Sau cơn bão số 3 lịch sử, tại khu vực Tuần Châu (TP Hạ Long) giáp với xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên) vẫn còn nhiều tấm bè mảng xen lẫn phao xốp. Đặc biệt, dọc bãi biển Tuần Châu, nhiều lồng bè quy mô lớn dạt vào bờ. Tại cảng biển, nhiều tàu thuyền bị đắm vẫn chưa được trục vớt, gây mất mỹ quan và nguy hiểm cho tàu bè đi lại.
Sau bão số 3, trên Vịnh Hạ Long, các loại rác “xâm chiếm” nhiều điểm tham quan du lịch, các chân núi đá, chân đảo, bãi cát, vụng kín. Cuộc “khủng hoảng” rác trên Vịnh Hạ Long lần này phức tạp hơn do rất nhiều chủng loại rác, từ nhiều nguồn. Phần lớn rác trên Vịnh Hạ Long là các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, tre nứa, phao xốp từ nhiều địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn bị bão đánh tan tác đổ về. Ngoài ra, còn có thiết bị của nhiều công trình bị bão phá huỷ trôi dạt, các loại cây xanh, cành lá cây từ khu vực ven bờ, các đảo đá trên Vịnh Hạ Long…
Không chỉ trên Vịnh Hạ Long, rác còn tập trung với diện tích lớn ở khu vực rừng ngập mặn khu vực phường Đại Yên, Tuần Châu, đường ven biển từ cầu Bài Thơ đến phường Hà Phong… Thậm chí, rác còn mắc kẹt trên các núi đá ở độ cao trên 2m do sóng, gió bão đánh bật lên. Qua đó, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Trước sự gia tăng số lượng lớn rác thải, phao xốp trên Vịnh Hạ Long, ngay sau cơn bão số 3, thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 9/9, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ban hành các kế hoạch tổ chức đợt cao điểm thu gom rác thải trên vịnh. Đồng thời, phối hợp với các nhà thầu, chi hội các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh đề nghị bổ sung phương tiện để thu gom, vận chuyển rác trên Vịnh Hạ Long và bốc xúc, vận chuyển rác thải tại cảng Bến Đoan về điểm tập kết để xử lý. Đơn vị cũng đã có văn bản gửi các địa phương liên quan (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) đề nghị tăng cường công tác thu gom rác thải, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, sẵn sàng đón khách du lịch, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai đợt ra quân cao điểm thu gom rác thải trên vịnh, huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện của Ban và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng (Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở TN&MT, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh và các tình nguyện viên cùng tham gia vớt rác, nhặt rác trên các chân đảo Vịnh Hạ Long).
Từ ngày 14-23/9, đã huy động 1.127 lượt nhân lực, 301 lượt phương tiện tham gia thu gom rác trên Vịnh Hạ Long. Riêng trong đợt cao điểm 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long (từ 15-17/9/2024), mỗi ngày huy động từ 150-200 nhân lực, 30-50 phương tiện là xuồng máy, đò của các lực lượng tham gia thu gom, tổ chức liên tục vớt rác phao xốp, bè tre trôi nổi trên Vịnh Hạ Long, đồng thời tổ chức nhặt rác phao xốp, bè mảng trôi dạt vào các chân đảo, bãi cát trên Vịnh Hạ Long.
Đến nay, lượng lớn rác thải trôi nổi tại các vùng nước, chân đảo tại các tuyến, điểm tham quan đã được thu gom, xử lý. Từ ngày 14-23/9/2024 đã thu gom được 643m3 rác thải (chủ yếu là tre, phao xốp) và 94 bè nuôi trồng thuỷ sản. Cơ sở vật chất, cảnh quan tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long đã nhanh chóng được chỉnh trang, khôi phục đảm bảo an toàn cho khách tham quan. Từ ngày 13/9/2024, đã có 3 trên tổng số 5 hành trình tham quan trên Vịnh Hạ Long đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch trở lại sau bão. Đến nay, cả 5 hành trình trên Vịnh đều đã được khắc phục xong, mở cửa đón khách trở lại. Dòng nước trong xanh và quang cảnh sạch sẽ, trong lành của vịnh đã quay trở lại, làm hài lòng du khách, nhất là dòng khách nước ngoài khó tính. Ông Adrian Coe (du khách Anh) chia sẻ: Chúng tôi biết đến thông tin về cơn bão số 3 gây ảnh hưởng đến Vịnh Hạ Long. Điều đó khiến chúng tôi khá lo lắng. Tôi rất tiếc vì thảm thực vật bị tàn úa sau bão, tuy nhiên, nước biển trên Vịnh vẫn rất trong xanh, bầu không khí thoáng đãng, dễ chịu. Chúng tôi đã đến tham quan và tắm tại bãi Ti-tốp. Hy vọng, lần tới trở lại, tôi sẽ được ngắm nhìn Vịnh Hạ Long của các bạn hồi sinh trở lại.
Trong thời gian mở cửa đón khách lại sau bão (từ 13-18/9), đã có 28.470 lượt khách tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó chủ yếu là khách quốc tế với 25.805 lượt và 2.665 lượt khách Việt Nam. Chia sẻ về giải pháp trong thời gian tới, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để thực hiện thu gom rác thải phát sinh do ảnh hưởng của bão Yagi cũng như các loại rác khác trên Vịnh để làm sạch rác thải tại các điểm tham quan và toàn bộ khu vực di sản. Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long với diện tích rộng lớn, nhiều đảo đá, điều kiện khí tượng thuỷ văn phức tạp gây khó khăn cho công tác thu gom rác thải, làm sạch môi trường Vịnh. Bên cạnh đó, do lượng rác thải phát sinh lớn, phức tạp, Ban cũng đề nghị các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn tiếp tục tăng cường các hoạt động thu gom rác thải, phao xốp, bè nuôi trồng thủy sản đặc biệt tại các khu vực ven bờ biển, mặt nước, chân núi thuộc địa bàn địa phương quản lý, không để phát tán rác thải ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường Di sản Vịnh Hạ Long.
Nỗ lực mang lại màu xanh của biển
Không chỉ trên Vịnh Hạ Long, làm sạch môi trường biển là ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương. Tại TP Cẩm Phả, sau cơn bão số 3, hàng nghìn bè mảng bị vỡ nát trôi dạt trên biển, phao xốp dạt vào khu vực ven bờ. Để kịp thời thu gom các loại rác này, những ngày qua, các địa phương đã tổ chức huy động hàng nghìn lượt cán bộ công chức, người lao động, lực lượng vũ trang các phường, xã và cán bộ, hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể ra quân dọn vệ sinh môi trường biển, thu gom, vớt bè gỗ bị vỡ hỏng và các loại rác thải nhựa, phao xốp trôi dạt trên biển về nơi tập kết và xử lý theo quy định. Ước tính từ ngày 19/9, các đơn vị đã thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định 526m3 phao xốp, rác thải; gần 80 tấn rác thải, bè mảng... Trong thời gian tới, TP Cẩm Phả tiếp tục đẩy mạnh phong trào ngày thứ 7, chủ nhật xanh, các phường xã tiếp tục ra quân thu dọn vệ sinh môi trường biển tại các khu vực dọc bờ biển trên địa bàn thành phố tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Tại TP Móng Cái, Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thành phố phối hợp với phường Trà Cổ và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức ra quân “Hãy làm sạch biển” để vệ sinh môi trường biển khắc phục hậu quả bão số 3. Ông Nguyễn Minh Thái, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Trà Cổ, cho biết: Sau cơn bão số 3, trên tuyến biển của Móng Cái có nhiều loại rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, rác thải sinh hoạt, cành cây từ các nơi trôi dạt ra khu vực Trà Cổ. Với tinh thần quyết tâm, đồng lòng khắc phục nhanh nhất những thiệt hại của cơn bão số 3, đoàn viên, thanh niên, hội viên, cán bộ và nhân dân đã tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực mũi Sa Vĩ, Cồn Mang, Bến Dậu và các nơi có khối lượng rác trôi dạt nhiều. Qua đó, lấy lại vẻ đẹp và cảnh quan cho môi trường ven biển, khắc phục nhanh chóng những hậu quả của bão số 3 đối với môi trường, cảnh quan; góp phần ổn định các hoạt động kinh doanh, du lịch và cùng chung sức xây dựng TP Móng Cái.
Để khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, sớm đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường, ngày 12/9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2651/UBND-QHTN&MT về việc thực hiện tổng vệ sinh môi trường và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường sau ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện những nội dung: Phát động, kêu gọi toàn bộ nhân dân, CBCCVC-LĐ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và huy động các phương tiện, thiết bị của các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương tranh thủ thứ 7, chủ nhật (ngày 14, 15/9) thực hiện tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp, thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn cồng kềnh, cây xanh gãy đổ tại các khu dân cư, ngõ xóm, thôn bản, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, trụ sở cơ quan, văn phòng, trên các tuyến đường giao thông, trên các sông, suối, bến cảng, trên biển... Các địa phương quyết tâm hoàn thành công tác tổng vệ sinh trước ngày thứ 2 (ngày 16/9) theo phương châm “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch nơi cư trú và nơi làm việc” để đưa cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đi vào trạng thái bình thường. Đặc biệt, đối với các địa phương có biển hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy, hải sản thu gom, tập kết các lồng, bè, phao nhựa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để xem xét sử dụng lại hoặc có phương án vận chuyển, xử lý khi không còn khả năng tái sử dụng.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030". UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Kết quả đến nay, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành trước kế hoạch (kế hoạch là năm 2025) như: 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển. Bên cạnh đó, hoàn thành quan trắc đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông, ven biển. Ngoài ra, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão số 3, tái thiết kinh tế, ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất. Các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường; có giải pháp thiết thực trong công tác thu gom, đưa rác thải về nơi tập kết đúng quy định và xử lý rác thải đảm bảo, không để tái phát ô nhiễm môi trường; khôi phục môi trường, hệ sinh thái biển.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()