Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:30 (GMT +7)
Lầu Năm góc bế tắc trong việc gửi loại vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine
Thứ 2, 12/12/2022 | 11:17:51 [GMT +7] A A
Không quân Mỹ đã nghĩ rằng họ có một kế hoạch hoàn hảo: Mang những chiếc máy bay không người lái Reaper cũ mà họ đã cố gắng loại bỏ và gửi chúng đến Ukraine, một quốc gia đang khao khát vũ khí tầm xa.
Nhưng sau nhiều tháng tranh cãi nội bộ, Lầu Năm góc vẫn chưa đưa ra quyết định, bất chấp máy bay không người lái (UAV) có thể cung cấp cho Ukraine năng lực mà họ mong muốn trong cuộc xung đột với Nga.
Theo tờ Politico, Không quân Mỹ đã đệ trình đề xuất gửi những phiên bản cũ hơn của máy bay không người lái MQ-Reaper, mệnh danh là "thợ săn chết chóc", tới Ukraine khoảng một tháng sau khi xung đột bùng phát hồi tháng 2. Nhưng những lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm và thực tế là một số chiếc Reaper gần như chắc chắn sẽ bị bắn hạ, đã dẫn đến bế tắc kéo dài hàng tháng - theo bốn nhân vật thông thạo về vấn đề này.
Cuộc tranh luận về gửi máy bay không người lái vũ trang cho Ukraine đã diễn ra lâu hơn nhiều so với các hệ thống vũ khí từng gây tranh cãi khác, chẳng hạn như hệ thống pháo binh và tên lửa chiến thuật tầm xa - cả hai đều bắt đầu xuất hiện vào mùa hè khi giao tranh leo thang.
Lập trường này khiến các quan chức Ukraine thất vọng, dù họ đã cam kết sử dụng máy bay không người lái được viện trợ để chỉ tấn công các vị trí Nga ở Ukraine và hứa sẽ chia sẻ thông tin mục tiêu với Mỹ trước khi tiến hành tấn công, một nguồn tin cho biết.
Cả phiên bản Reaper và Grey Eagle (Đại bàng xám) đều được kỳ vọng sẽ mang lại cho Ukraine một năng lực mới quan trọng khi các lực lượng của họ tấn công ở Donbas, và tiếp đó có thể là Crimea.
Các quan chức trong ngành công nghiệp vũ khí từng cho rằng không có gì phải bàn cãi khi Lầu Năm góc và nhà sản xuất máy bay không người lái General Atomics cố gắng chuyển giao một hoặc cả hai loại UAV trên cho Ukraine.
Kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột, các máy bay Reaper và Grey Eagle của quân đội Mỹ đã nằm trong danh sách mong muốn của Kiev, vì chúng sẽ mang lại cho Ukraine khả năng giám sát và tấn công được mở rộng đáng kể. Điều này rất quan trọng trong một cuộc xung đột phụ thuộc nhiều vào trận địa pháo và tấn công bằng máy bay không người lái.
Các giám đốc điều hành của General Atomics đã liên lạc với các quan chức Ukraine trong nhiều tháng nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tuân thủ các quy tắc của Mỹ.
Trong khi đó, Không quân Mỹ từ lâu cũng muốn loại bỏ các phiên bản cũ của phi đội Reaper, để mua và vận hành công nghệ tiên tiến hơn, nhưng Quốc hội lần nào cũng bác bỏ đề xuất này.
Đề xuất gần đây nhất trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm tài chính 2023, yêu cầu chuyển 100 chiếc Reaper cho một cơ quan chính phủ khác, có thể có nghĩa là giải phóng một số máy bay không người lái cho Ukraine.
Vào tháng 3, Không quân Mỹ đã yêu cầu các chỉ huy đơn vị điều khiển Reaper đánh giá tác động đối với họ nếu chuyển giao UAV này cho Ukraine. Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Không quân cũng đã tình nguyện gửi máy bay không người lái của họ, nhưng đề nghị này bị bỏ qua ở Lầu Năm góc.
Không quân Mỹ sau đó gửi yêu cầu bình luận tới Lầu Năm góc và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, Tướng Pat Ryder cho biết ông không có thông tin cập nhật về vấn đề này.
Nghị sĩ Ken Calvert, thành viên cấp cao của Tiểu ban Quốc phòng Hạ viện, xác nhận Không quân ban đầu đã ký kết gửi MQ-9 tới Ukraine, nhưng cho biết ban lãnh đạo đã không chú ý đến ý tưởng này. Ông Calvert nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta có thể đưa MQ-9 Reaper và Grey Eagles vào để giúp thay đổi cục diện cuộc chiến này".
Nghị sĩ Calvert cũng muốn quân đội bắt đầu huấn luyện người Ukraine về UAV Reaper và Grey Eagles trước khi có quyết định của Nhà Trắng. Ông lập luận rằng một khi chính quyền đưa ra quyết định, có thể sẽ mất từ ba đến bốn tháng để đào tạo người sử dụng mới.
MQ-9 Reaper, hay còn gọi là Predator B, được chế tạo để hỗ trợ quân đội trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nơi không có nguy cơ bị bắn hạ. MQ-1C Grey Eagle được phát triển sau đó như một bản nâng cấp của MQ-1 Predator dành cho Lục quân.
Tập đoàn General Atomics đã dẫn đầu một nỗ lực vận động hành lang ở Washington và Kiev để đưa ra giải pháp sửa đổi công nghệ Grey Eagle cho phù hợp với nhu cầu về xuất khẩu. Nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đạt được tác động gì đến chính quyền Tổng thống Biden.
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng đã bày tỏ nhiều thất vọng với những tháng dài cân nhắc chuyện gửi máy bay không người lái cho Ukraine.
Một nhóm lưỡng đảng gồm 16 thượng nghị sĩ do nghị sĩ Joni Ernst dẫn đầu ngày 22/11 đã gửi thư thúc giục Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trả lời một loạt câu hỏi về việc chuyển giao máy bay Grey Eagle, trong bối cảnh máy bay không người lái là yêu cầu chuyển giao quân sự “ưu tiên cao nhất” của Ukraine.
Trong thời gian chờ đợi Lầu Năm góc cân nhắc việc chuyển giao máy bay không người lái, Ukraine đã mua hoặc nhận máy bay không người lái TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ tặng. Máy bay này từng được chứng minh là có hiệu quả trong thời gian đầu, nhưng sau đó đã trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không và gây nhiễu điện tử của Nga. Những cuộc tấn công đó đã hạn chế khả năng hoạt động của chúng và khiến Lầu Năm góc lo ngại về việc máy bay không người lái của Mỹ liệu sẽ hoạt động như thế nào trong môi trường đó.
“Chúng tôi quan tâm đến việc cung cấp cho [Ukraine] những gì họ cần để bảo vệ lãnh thổ và đẩy lùi Nga”, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth nói tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở California vào tuần trước. Ông đồng thời nói thêm rằng khi nói đến máy bay không người lái, “chúng tôi đang xem xét khả năng sống sót. Một hệ thống như Grey Eagle liệu có thể tồn tại trong môi trường quá khốc liệt không?”
Cùng xuất hiện tại diễn đàn trên, nghị sĩ Ernst đã bác bỏ những lo ngại đó và tỏ ra không mấy lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm. Bà nói: “Nếu họ [Nga] đang sử dụng S-300 để bắn hạ Đại bàng xám, thì điều đó cho phép chúng ta nhắm mục tiêu vào S-300 đó. Chúng ta có thể trang bị cho Grey Eagle công nghệ đã được sử dụng ở 30 quốc gia khác.”
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()