Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:48 (GMT +7)
Lật tẩy chiêu trò quảng cáo của Apple và Samsung: điểm mặt những tính năng bị tâng bốc quá đà
Thứ 4, 06/04/2022 | 11:21:56 [GMT +7] A A
Dù bạn là người thích tìm hiểu hay chỉ là một người dùng với kiến thức công nghệ cơ bản, việc chọn mua chiếc điện thoại thông minh nào trên thị trường hiện nay luôn là một quyết định khó nhằn.
Bạn đi đến các cửa hàng điện thoại để tìm mua một thiết bị mới. Giả sử bạn không quan tâm đến chi phí. Dù vậy, chắc chắn bạn vẫn muốn một thiết bị xứng đáng từng đồng mình bỏ ra – hầu hết người dùng đều muốn điều này.
Tại quầy trừng bày sản phẩm mẫu, bạn được trên tay những thiết bị mới nhất, hiện đại nhất như Samsung Galaxy S22, Galaxy S22 Ultra, bên cạnh còn có Apple iPhone 13, iPhone 13 Pro…
Nhân viên bán hàng tư vấn cho bạn thông số kỹ thuật của từng thiết bị và cuối cùng là chọn mua chiếc điện thoại nào bây giờ? Chắc chắn iPhone 13 Pro và Galaxy S22 Ultra có thể có thông số kỹ thuật “đỉnh” nhất và khối lượng cũng nặng hơn do có viên pin lớn hơn những dòng sản phẩm khác, ngoài ra còn có nhiều ống kính camera khác nhau. Nhưng liệu những thứ đó có khiến chúng trở thành những thiết bị “đáng mua” nhất? Không hẳn. Chí ít là không phải lúc nào “đắt cũng xắt ra miếng”.
Hay nói cách khác, những tính năng như 5G, quay phim 8K, camera độ phân giải cao, sạc không dây, dung lượng pin lớn và vật liệu có thật sự là những thứ mang lại sự “cao cấp” cho người dùng? Chúng có thật sự quan trọng? Câu trả lời không như bạn nghĩ đâu!
Chính vì vậy, chúng tôi sẽ giúp bạn nhìn ra những tính năng đã bị nhà sản xuất quảng cáo quá đà và khiến người dùng quyết định mua sản phẩm của họ chỉ vì chúng. Đừng tin tất cả những gì nhà sản xuất nói!
1. Bạn không cần đến bộ xử lý mạnh mẽ nhất, cũng như 12GB RAM
Bộ vi xử lý mạnh hơn, dung lượng RAM lớn hơn và điểm hiệu năng cao hơn luôn là điểm cộng cho một thiết bị. Tuy nhiên, những thông số cơ bản này khiến người dùng lầm tưởng rằng sẽ giúp thiết bị hoạt động tốt hơn so với những thiết bị có giá bán thấp hơn. Trên thực tế, sự khác biệt là không quá lớn.
Bạn không cần đến bộ xử lý A15 siêu mạnh mẽ chỉ để lướt Instagram và xem Will Smith “vỗ má” Chris Rock trên sân khấu Oscar; lên Twitter và Telegram để xem cư dân mạng có “drama” gì mới; hay lướt Facebook để “khẩu nghiệp” với bạn bè.
Điều tôi muốn làm rõ ở đây là với những nhu cầu trên, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại Android tầm trung trên dưới 10 triệu đồng là đã đủ để kiểm tra email, sử dụng mạng xã hội, xem Youtube hay thậm chí là chơi một vài tựa game.
Mặt khác, chiếc điện thoại iPhone 13 của Apple chỉ được trang bị 4GB RAM, trong khi đó những chiếc điện thoại Android cùng phân khúc có từ 8GB đến 12GB RAM. Điều này có nghĩa là điện thoại Android có thể giữ nhiều ứng dụng chạy dưới nền hơn và cho trải nghiệm đa nhiệm tốt hơn điện thoại iOS chăng? Câu trả lời là không. Vì thế, bạn đừng dại dột mà chọn một chiếc điện thoại chỉ vì nó có dung lượng RAM lên đến 12GB. Bạn đang mua điện thoại, không phải máy tính.
2. Nhiều cảm biến camera hơn và thiết kế cấu trúc cụm camera mới không có nghĩa là nó chụp ảnh đẹp hơn
Rất tiếc, nhưng sự thật là vậy.
Thứ thật sự hữu dụng cho camera điện thoại là bổ sung ống kính telephoto/zoom rời và một ống kính góc siêu rộng. Nếu thêm camera 2MP có cảm biến ToF/Depth hoặc camera 5MP Macro, có nghĩa là chúng hầu như chỉ ở đó để cụm máy ảnh trông hữu dụng hơn so với thực tế. Đừng tin quảng cáo!
3. Camera 108MP chưa chắc đã tốt hơn camera 12MP
Có lẽ đây là bí ẩn lớn nhất đối với camera trên điện thoại, hay thậm chí là đối với cả máy ảnh thời kỳ này nói chung.
Sự thật là camera có số megapixel lớn hơn không phải lúc nào cũng cho ra hình ảnh và video đẹp hơn. Trên thực tế, đối với camera trên điện thoại, chiều ngược lại mới là câu trả lời đúng.
Đó là lý do vì sao Samsung Galaxy S22 Ultra dù được trang bị cảm biến 108MP nhưng mặc định ảnh chụp vẫn là 12MP. Thuật ngữ kỹ thuật là “pixel binning”, nhưng bạn chỉ cần hiểu là chụp một tấm ảnh 12MP với cảm biến 50 – 100MP luôn mang lại dải màu tốt hơn và tổng thể hình ảnh phù hợp để sử dụng trên mạng xã hội hơn.
4. Macro Mode chắc chắn không phải lý do để bạn bỏ thêm hơn 3 triệu đồng để nâng cấp lên iPhone 13 Pro
Kể từ khi Apple giới thiệu tính năng Macro Mode trên dòng iPhone 13 Pro thì tôi phải nói rằng nó quá “lố”.
Đừng hiểu nhầm, tính năng Macro Mode thật sự hữu ích nếu bạn yêu thích và thường xuyên chụp cận cảnh những bông hoa hay những chú ong chăm chỉ. Hay nếu bạn có biệt danh là “nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cận cảnh”, vậy thì việc bỏ ra hơn 3 triệu để trang bị Macro Mode là hoàn toàn xứng đáng.
Nhưng nếu bạn không thường xuyên chụp kiểu ảnh này đến thế, vậy thì đừng bận tâm việc có hay không Macro Mode trên chiếc điện thoại của bạn. Có lẽ trong 3 năm tới bạn chụp được khoảng 10 tấm ảnh kiểu này là cùng!
5. Điện thoại Android có dung lượng pin lớn chưa chắc đã có thời lượng sử dụng lớn
Dù điều này nghe có vẻ vô lý nhưng thực ra rất dễ hiểu. Dung lượng pin lớn là điểm cộng đối với một chiếc điện thoại, trừ khi:
- Bùm, nó làm điện thoại bạn phát nổ (không có ý cà khịa Samsung đâu nhé).
- Phần mềm không được tối ưu hoá tốt nên dù pin có nhiều thì thiết bị vẫn không thể tận dụng hết lợi thế này.
Dựa trên thực tế sử dụng của bản thân, chiếc điện thoại Google Pixel 6 của tôi có thời lượng sử dụng thấp hơn đáng kể so với iPhone 13 Pro Max. Trong khi đó, Pixel 6 có dung lượng pin lên đến 5003 mAh, tức lớn hơn iPhone 13 Pro Max gần 15%.
Các bài thử nghiệm cho thấy Apple đã tối ưu hoá rất tốt để cho ra thời lượng sử dụng tối đa và ở phía ngược lại thì Google quá kém, dẫn đến Pixel 6 có thời lượng sử dụng thấp hơn iPhone 13 Pro Max đến 30%. Nếu cộng với dung lượng pin của iPhone thấp hơn 15% thì hiệu suất sử dụng pin của Apple hiệu quả hơn đến 45%, một con số rất ấn tượng.
Hãy đọc các bài đánh giá trước khi chọn mua điện thoại có dung lượng pin lớn và cho rằng nó có thời lượng sử dụng lên đến 2 ngày mà không cần sạc. Nhân tiện thì VnReview có rất nhiều bài đánh giá điện thoại để bạn tham khảo đấy.
6. Sạc không dây cũng chẳng tiện hơn sạc có dây là bao
Một tính năng thật tuyệt… nếu bạn có dùng đến nó. Liệu nó có phải lý do để bạn chọn chiếc điện thoại này thay vì những chiếc khác? Chắc chắn là không.
Trừ khi bạn luôn sạc điện thoại với sạc không dây ở nhà, trên xe, ở quán cà phê…, sạc bằng dây sạc luôn nhanh hơn và an toàn hơn, trừ khi bạn dùng MagSafe. Nhưng MagSafe lại không hẳn là sạc không dây, tôi cho là vậy.
7. “Gorilla Glass sẽ giúp bảo vệ màn hình”
Gorilla Glass, Dragontrail, Ceramic Shield hay bất kể vật liệu “cao cấp” nào đi nữa thì màn hình điện thoại vẫn sẽ nứt toác ra còn bạn thì ngồi khóc một dòng sông.
Cách tốt nhất để bảo vệ màn hình điện thoại không bị xước hay nứt vỡ là mua miếng dán màn hình xịn nhất hay ốp lưng chống sốc. Một lần nữa, đừng tin quảng cáo!
8. “Điện thoại với mặt lưng bằng kính tốt hơn nhựa”
Thông thường, bạn sẽ được nghe tư vấn rằng điện thoại có “mặt lưng bằng kính cao cấp hơn” và “tốt hơn mặt lưng nhựa”. Chưa chắc đâu!
- Tôi đã từng trải nghiệm những chiếc điện thoại mặt lưng bằng nhựa nhưng trông vẫn cao cấp và có thiết kế tốt hơn nhiều những chiếc điện thoại có giá rẻ hơn với mặt lưng bằng kính.
- Mặt lưng kính chỉ mang lại cảm giác tuyệt vời cho đến khi bạn lỡ tay làm rơi điện thoại…
Và đó là lý do bạn cần có một chiếc ốp lưng với miếng dán bảo vệ màn hình. Nhưng chờ đã, bạn đã bỏ ra 20 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại và thêm vài trăm nghìn để mua ốp lưng bảo vệ, vậy mặt lưng điện thoại làm bằng kính hay nhựa có còn quan trọng không vậy?
Bạn tự trả lời nhé!
9. “Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu”
Đây là chiêu trò để quảng cáo sản phẩm của nhà sản xuất. Mặc dù cái tên “Max” phù hợp cho một chiếc điện thoại có màn hình to hơn, viên pin lớn hơn, thì “Pro” thường chỉ là một cách để tiếp thị.
Kế đến là “Ultra”, nó lại quá mơ hồ để bạn có thể nhận ra bất kỳ tính năng vượt trội nào trên sản phẩm. So sánh giữa Galaxy S22+ và Galaxy S22 Ultra chẳng hạn, “Ultra” chỉ là thêm bút S-Pen, hiệu năng nhỉnh hơn và thêm một ống kính camera.
Ngoài các thông số kỹ thuật, tên gọi của sản phẩm có vai trò rất lớn trong doanh số bán hàng, nhiều hơn những gì bạn nghĩ đấy. Cá nhân tôi nghĩ rằng doanh số bán iPhone 12 Mini và iPhone 13 Mini sẽ tốt hơn nhiều nếu Apple đặt tên chúng là “iPhone 12” và “iPhone 13”, còn dòng iPhone cơ bản hiện tại sẽ có tên là “iPhone Max”.
iPhone 13 có tốt hơn iPhone 13 Mini? Tất nhiên là không. Chúng cơ bản là cùng một sản phẩm, khác biệt rõ rệt nhất là dòng Mini có dung lượng pin nhỏ hơn. Tôi thậm chí còn không xem kích thước màn hình nhỏ là điểm trừ trên dòng iPhone Mini vì đó là lý do nhiều người dùng lựa chọn phiên bản này thay cho bản tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cái tên “Mini” khiến nhiều người cho rằng phiên bản này chắc chắn kém hơn bản tiêu chuẩn. Sai!
10. Quay phim 8K
Mặc dù nhiều người sẽ cực kỳ hào hứng khi có thể quay phim với độ phân giải cao bằng chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, họ lại không nhận ra rằng điều đó hoàn toàn vô nghĩa khi không thể mở chúng với đúng độ phân giải gốc.
Điều tôi muốn nói ở đây là các dòng TV độ phân giải 8K còn rất lâu nữa mới trở thành dòng sản phẩm chính trên thị trường do giá thành rất cao. Và với người dùng phổ thông, đây là cách duy nhất để xem phim với độ phân giải 8K.
Hơn nữa, chưa có nền tảng nào, từ truyền hình đến phát trực tuyến, hay thậm chí là đại đa số nội dung trên Youtube, ghi hình ở độ phân giải 8K. Chính vì vậy, quay phim 8K là tính năng vô dụng đối với 99% người dùng hiện nay.
11. 5G
Vài tháng trước, một người bạn nhắn tin cho tôi để hỏi xem nên chọn điện thoại nào. Và câu ấy có nói một câu rằng: “Nhưng mẫu này có hỗ trợ 5G mà!”
Tôi hiểu… khi iPhone SE 2022 ra mắt, nó được đẩy mạnh quảng cáo với tính năng 5G. Khi các nhà mạng trên toàn cầu thúc đẩy mạng 5G thì các nhà sản xuất điện thoại cũng đưa “5G” vào tên sản phẩm để thu hút người mua, và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng họ phải mua điện thoại 5G ngay thôi.
Nhưng có một vài lý do bạn đừng để nó ảnh hưởng đến sự lựa chọn của mình:
- 5G không khả dụng với nhiều người dùng, đặc biệt là nếu bạn không ở gần cột sóng hoặc ở vùng ngoại ô.
- Điện thoại 5G vẫn sẽ chuyển qua lại giữa mạng 4G và 5G khi sóng 5G yếu.
- Tính năng này tác động tiêu cực đến thời lượng sử dụng pin.
Tất nhiên, điện thoại 5G sẽ dần trở thành dòng điện thoại chính trên thị trường trong thời gian tới, cho nên dù muốn dù không thì nếu bạn mua điện thoại mới trong tương lai thì nó cũng sẽ có 5G mà thôi. 5G là tương lai.
Tuy nhiên, tương lai của 5G là khi nào thì chưa được xác định một cách chính xác, vì thế bạn không việc gì phải vội vã đổi điện thoại chỉ vì 5G. Về cảm nhận cá nhân thì tôi chưa từng nghĩ tốc độ của mạng 4G là không đủ nhanh cả, hay chỉ có mình tôi thấy vậy nhỉ?
Về sự lựa chọn của bạn tôi, cậu ấy băn khoăn giữa OnePlus 8 (5G) và Galaxy S20 FE (4G). Tất nhiên là tôi khuyên chọn chiếc điện thoại Galaxy S20 FE. Dù nó không có 5G nhưng trong cùng tầm giá thì đây là thiết bị tốt hơn nếu xét tổng quan. Đó là lý do vì sao tôi bảo rằng đừng để 5G ảnh hưởng đến quyết định của bạn.
12. “Tiền nào của nấy”
Đây chắc hẳn là phần tôi thích nhất. Rất nhiều người dùng cho rằng một chiếc điện thoại đắt tiền chắc chắn sẽ tốt hơn so với thiết bị rẻ tiền hơn. Sự thật là giá bán cao hơn sẽ mang lại cho bạn nhiều tính năng hơn.
Câu hỏi đặt ra là bạn có cần những tính năng bổ sung đó hay không? Chắc chắn, một chiếc điện thoại flagship có thể có những tính năng mà các thiết bị giá rẻ hơn không có. Nhưng bạn cần đặt câu hỏi rằng bạn có thật sự cần những tính năng này?
- Bạn có thật sự cần tính năng thu phóng quang học 10x thay cho 3x?
- Bạn có chắc rằng Face ID sẽ hữu ích hơn so với cảm biến vân tay chỉ vì Apple sử dụng tính năng này trên các thiết bị đắt tiền của họ?
Hơn nữa, một số dòng điện thoại thuộc phân khúc thấp hơn thật ra có nhiều tính năng hơn sản phẩm đắt tiền:
- Bạn có biết dòng điện thoại Galaxy S22 của Samsung không hỗ trợ thẻ nhớ Micro SD?
- Bạn có biết Galaxy S21 FE có thể thu phóng quang học 3x tương tự iPhone 13 Pro Max?
Như đã nói ở trên, với những tác vụ cơ bản như lướt mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc, chơi một vài tựa game, một chiếc điện thoại tầm trung là đủ cho nhu cầu của bạn. Ví dụ, chiếc điện thoại Samsung Galaxy A53 có giá khoảng 10 triệu đồng được trang bị 5G, kháng bụi và kháng nước chuẩn IP67 và được cam kết cập nhật phần mềm trong 4 năm – tương tự chiếc Samsung Galaxy S22 Ultra có giá gấp 3 lần.
Đừng phí tiền cho những tính năng bạn không cần!
Bài viết này không nhằm mục đích “ném đá” những chiếc điện thoại flagship hay những tính năng mới trên điện thoại. Chúng là yếu tố cần thiết giúp ngành công nghệ tiếp tục phát triển. Nhưng có nhiều tính năng mà người dùng không cần đến hay thậm chí là không hữu dụng như những gì nhà sản xuất quảng cáo.
Bạn nên trải nghiệm thử sản phẩm mẫu tại các cửa hàng để xem xét những tính năng nói trên có thật sự hữu dụng với bạn hay không trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, bạn cũng cần cân nhắc đến một số tính năng khác
- Màn hình có tốc độ làm tươi (refresh rate) cao: Một số người dùng sẽ nhận thấy sự khác biệt này khi chơi game, nhưng với một số thì cũng như nhau cả thôi.
- Phiên bản Android: Một số người dùng thích One UI của Samsung, đặc biệt là với những ai quen dùng điện thoại Galaxy. Nhưng thực ra, tôi thấy giao diện người dùng của Google mượt mà và tối giản hơn.
- Face ID: Nếu nó hoạt động được thì không có gì phải bàn, trừ khi bạn mang khẩu trang và chưa có Apple Watch.
- Sạc ngược không dây: Tính năng này sẽ có ích nếu bạn vô tình để quên sạc ở nhà trong khi chiếc tai nghe không dây hay điện thoại của bạn hết pin (nếu chúng có hỗ trợ sạc không dây), nhưng với một số người thì họ chẳng bao giờ rơi vào tình huống này.
- Bút S-Pen của Samsung: Một phụ kiện mà đa số người dùng không sử dụng đến (mặc dù nó được chọn làm tính năng tiêu biểu trên Galaxy S22 Ultra).
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()