Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:22 (GMT +7)
Lập tài khoản Facebook “ảo” để lừa đảo từ thiện
Thứ 2, 04/10/2021 | 08:24:26 [GMT +7] A A
Ngày 3/10, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM&PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thêm nhiều bị hại ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Nam Định, Nghệ An… gửi đơn tố giác về việc bị các đối tượng lừa gửi tiền làm từ thiện, rồi sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và đánh cắp số tiền trong tài khoản của họ.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện số tiền lừa đảo chiếm đoạt, các đối tượng đã sử dụng để đánh bạc qua mạng và chơi ma túy…
Đầu tháng 3/2021, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được đơn trình báo của bà H., trú tại TP Huế, bị mất cắp số tiền 537 triệu đồng trong tài khoản.
Theo lời bà H., bà thường làm từ thiện nên hay đứng ra nhận quyên góp tiền ủng hộ từ nhiều nơi rồi chuyển đến cho những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Ngày 8/3/2021, bà nhận được tin nhắn từ số điện thoại 03971577xxx thông báo WESTERN UNION TB VCB: 0161371170xxx + 23.000.000 với nội dung tiền ủng hộ từ thiện.
Lúc này, bà H. nghĩ đây là tin nhắn từ những tấm lòng thiện nguyện gửi đến để ủng hộ hoàn cảnh khó khăn và chưa kịp gọi lại theo số điện thoại để hỏi thì chủ thuê bao nói trên đã gọi điện và yêu cầu bà H. bấm vào đường link mà họ gửi để nhận tiền thành công. Tin tưởng, bà H. đã làm theo hướng dẫn và chỉ trong vài giây sau đó, bà H. phát hiện, toàn bộ số tiền 537 triệu đồng trong tài khoản đã "bốc hơi".
Tương tự, một nạn nhân khác là giáo dân trú tại tỉnh Nam Định khi thấy có tin nhắn chuyển tiền ủng hộ từ thiện, đối tượng yêu cầu người này nhập vào đường link mà đối tượng cung cấp sẽ được gửi mã OTP để nhập nhận tiền nên làm theo và tài khoản bị trừ 20,3 triệu đồng. Tuy nhiên, do không cài đặt tin nhắn ngân hàng nên bị hại không biết.
Tiếp đó, đối tượng hack Faecbook của bị hại, rồi nhắn tin cho một người bạn và anh trai của bị hại có trong dánh sách bạn bè, nói là cần tiền gấp do dịch quá khó khăn nên 2 người này chuyển 9 triệu đồng và đối tượng "cuỗm" luôn. "Sa bẫy" thủ đoạn trên của đối tượng lừa đảo, bà L. (trú tại TP Hà Nội) cũng bị mất 23 triệu đồng trong tài khoản sau khi làm theo các yêu cầu của đối tượng...
Sau khi nhận được đơn tố giác của một số bị hại ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và một số tỉnh miền Trung, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khoanh vùng được đối tượng.
Cơ quan Công an đã thu thập được đường link các đối tượng dùng để lừa bị hại từng xuất hiện ở một quán Internet gần nhà nghỉ T.L. ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị do đối tượng Hồ Xuân Quốc Việt (SN 1997, trú tại thị xã Quảng Trị) tạo ra. Công an tiến hành mời đến làm việc thì Việt phủ nhận.
Tuy nhiên, lần theo dấu vết, cơ quan Công an xác định đối tượng thường đi cùng Việt đến các nhà nghỉ để chơi game và "bay lắc" là Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú thị xã Quảng Trị). Đối tượng Phụng đã đi khỏi địa bàn nhiều tháng nay.
Do Phụng thường xuyên bỏ nhà đi nên gia đình cũng không biết Phụng ở đâu, làm gì. Tiếp tục xác minh, điều tra, các trinh sát Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao phát hiện Phụng đã rời Quảng Trị vào Gia Lai. Dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, trong đêm khuya, một tổ trinh sát của đơn vị này tức tốc lên đường vào Tây Nguyên. Sau nhiều ngày truy lùng, được sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ, đến cuối tháng 9/2021, đối tượng Phụng đã sa lưới pháp luật khi đang ở tại một nhà trọ tại tỉnh Gia Lai.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, Lê Thanh Phụng lập tài khoản Facebook "ảo" lấy tên "Tommy Le" tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên chúa và kết bạn với các linh mục, sơ rồi kết bạn làm quen với nhiều người trong nhóm.
Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi nhắm được "con mồi", Phụng bắt đầu nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện, khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng gửi link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu để xác nhận tiền.
Lúc này, tất cả thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân đều được gửi về tài khoản email do Phụng quản lý. Tiếp đó, đối tượng đăng nhập vào tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền, tuy nhiên do hệ thống ngân hàng có lớp bảo mật bằng Smart OTP trên điện thoại nên lệnh chuyển không được thực hiện.
Lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của nhiều bị hại, Phụng tại tiếp tục yêu cầu bị hại thực hiện hủy Smart OTP trên điện thoại...
Theo Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, quá trình điều tra, bước đầu xác định, Lê Thanh Phụng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều nạn nhân trên cả nước, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Nhận định số bị hại sẽ còn nhiều hơn, nhưng do một số địa phương diễn biến dịch bệnh phức tạp nên chưa kịp gửi đơn tố giác. Qua đấu tranh bước đầu, đối tượng Phụng khai nhận, các vụ lừa đảo này còn có sự tham gia của Hồ Xuân Quốc Việt. Đối tượng Việt từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh.
Cơ quan Công an cũng thu thập các chứng cứ xác định, Việt tham gia vào các vụ lừa đảo, nhưng hiện đối tượng đang bị tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại tỉnh Quảng Trị và địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 nên củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng sau. Đối với Lê Thanh Phụng, cơ quan điều tra Công an Thừa Thiên-Huế đang tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ để khởi tố; đồng thời đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án. Được biết, theo khai nhận của đối tượng Phụng, số tiền lừa đảo được, đối tượng đã sử dụng để chơi ma túy và đánh bạc qua mạng.
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()