Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:41 (GMT +7)
Lập quy tắc và thời gian biểu để con không lười biếng
Thứ 4, 24/04/2024 | 17:13:00 [GMT +7] A A
Đối với trẻ, ý thức về thời gian và tính hiệu quả vẫn chưa hình thành đầy đủ. Do đó, trẻ có thể thường xuyên thiếu tập trung, lề mề và lười biếng.
Phụ huynh tuyệt đối không làm hộ, mà chỉ hướng dẫn trẻ quan sát và tự thực hiện.
Để trẻ hiểu về trách nhiệm
Những đứa trẻ lười biếng và luộm thuộm không phải vì sinh ra đã thế, mà do quá trình được nuôi dưỡng, hình thành tính cách. Vì vậy, nếu trẻ rơi vào trường hợp như vậy, cha mẹ phải tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Đó có thể là cách giáo dục chưa đúng hướng, hay chính cuộc sống xung quanh trẻ có vấn đề khiến bé bị ảnh hưởng.
Hoài An (6 tuổi) là một đứa trẻ lười biếng và hay trì hoãn điển hình. Cô bé hầu như không thể làm gì một cách nhanh chóng và hiếm khi chủ động hoàn thành công việc của mình.
Bé thường xuất hiện với trạng thái lề mề và luộm thuộm, từ quần áo, sách vở, cho đến ăn uống… Điều quan trọng nhất là khi mọi người góp ý hay nhắc nhở, Hoài An khi thì “ngó lơ”, lúc lại ăn vạ.
An cũng đã quen với những lời phàn nàn từ người lớn. Điều đó khiến chị Mỹ Hương - mẹ bé cảm thấy rất bất lực vì dường như chẳng thể làm gì thu hút sự chú ý, hoặc khiến con mình sửa đổi.
Trong xã hội hiện đại, không ít phụ huynh mang tâm lý “làm cố phần con”. Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ chỉ cần tập trung vào học tập, còn lại cứ để phụ huynh lo. Thậm chí, nhiều phụ huynh, mặc dù muốn giao cho con việc nhà, nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải dọn “bãi chiến trường” do trẻ bày ra, thì lại tặc lưỡi: “Thôi, để mẹ tự làm cho nhanh”.
Tuy nhiên, những suy nghĩ này của cha mẹ đã vô tình “cướp đi” của trẻ nhiều điều thú vị mà chỉ khi con tự làm, tự lao động thì mới cảm nhận được. Điều này cũng khiến trẻ trở nên lười biếng, ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.
Chị Vũ Dinh (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở: “Con nhà tôi chỉ có một ưu điểm duy nhất là học giỏi. Học lớp 12 rồi nhưng ngoài sách vở ra, không biết làm một việc gì. Mẹ nhờ rửa bát thì kêu mệt, nấu ăn thì càng không. Thậm chí, cái bật lửa con còn không biết cách bật”.
Song, nữ phụ huynh tâm sự, con mình rơi vào tình huống này cũng do cha mẹ. Trước đây, khi con gái còn nhỏ, chị Dinh chỉ yêu cầu con một việc duy nhất là tập trung vào việc học, còn những công việc khác trong nhà đều có bà và cha mẹ lo. Giờ đây, khi nhìn lại cô con gái “học giỏi, nhưng vừa lười vừa đoảng” của mình, chị chỉ biết trách bản thân đã nuông chiều con quá mức.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, rất nhiều cha mẹ chia sẻ về tình hình của con khi ở nhà là lười đánh răng, rửa mặt, lười thức dậy, thường xuyên để phụ huynh phải gọi. Khi ngủ dậy, trẻ còn khóc lóc, mè nheo. Số khác thì rất lười học bài và không chịu làm việc nhà, kêu ca rằng con mệt lắm, mỏi tay, con không làm được.
Chia sẻ về cách để trẻ tự giác, độc lập và không phụ thuộc vào cha mẹ, chuyên gia này cho rằng, phụ huynh cần dán nhãn cho con từ “trách nhiệm” và niềm tin “con làm được”. Chẳng hạn, việc học của con, cha mẹ có câu cửa miệng: “Việc học là quyền lợi của con để con được có nhiều bạn…”. Nhưng nếu con không chăm chỉ, mẹ sẽ cho con nghỉ học ở nhà. Phụ huynh cần làm sao để con thấm nhuần nhiệm vụ học, sợ bị cho nghỉ học. Khi đó, trẻ sẽ tự giác, tự lập học.
Ngoài ra, cha mẹ cần cùng con tạo ra các quy tắc và thời gian biểu rõ ràng. Đồng thời, cha mẹ luôn gắn cho con trách nhiệm với công việc của bản thân. Con thực hiện đồng nghĩa đó là trách nhiệm của bản thân con. Cha mẹ tuyệt đối không làm hộ, làm cho con, mà chỉ hướng dẫn trẻ quan sát và tự thực hiện. Mỗi công việc đều có thời gian thực hiện cụ thể và rõ ràng.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng các hình ngộ nghĩnh hoặc con vật đáng yêu để biểu tượng cho mỗi công việc của con. Sau khi hoàn thành, con cần có báo cáo và đưa ra các mục tiêu tiếp theo cho bản thân.
Cha mẹ hãy chia sẻ cho con về các nguyên tắc khi thực hiện. Đó là cần quyết liệt đến cùng, đúng thời gian, đảm bảo chất lượng. Nếu con không thực hiện tốt, thay vì la mắng, cha mẹ hãy khuyến khích và tạo động lực cho trẻ.
Tạo bản lĩnh cho trẻ
Theo chuyên gia Phạm Hiền, một yếu tố khác là cha mẹ cần trở thành một tấm gương cho con noi theo.
“Với trẻ, cách hành vi và việc làm luôn là bản năng và chưa thực sự ý thức được trách nhiệm của bản thân. Con vẫn có nhu cầu chơi, nhu cầu ăn, nhu cầu uống… hằng ngày. Mỗi việc làm của cha mẹ là một hình ảnh giúp trẻ quan sát và thu nhận, ghi nhớ vào trong não bộ”, chuyên gia lý giải.
Trẻ thường có tính bắt chước và làm theo khá nhanh. Khi cha mẹ muốn hướng dẫn con cách rửa mặt, đánh răng thì hãy làm cùng, dạy trẻ thực hiện thay vì bắt ép. Cha mẹ hãy tạo không khí thoải mái và để trẻ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Từng bước một, cụ thể rõ ràng và mạch lạc, trẻ sẽ ghi nhớ và làm theo. Sau đó, hãy quan sát con và chỉnh sửa khi trẻ chưa thực hiện tốt.
Cha mẹ cũng cần tạo động lực cho con bằng các khẩu hiệu. Chẳng hạn, buổi sáng, con thường thức dậy muộn hoặc không tự giác dậy. Thay vì cha mẹ là chuông báo thức thì hãy để con tự đặt báo thức và tạo các câu khẩu hiệu: “Nào, cùng thức dậy đón ngày mới”; “Vươn vai và thức giấc thôi nào!”… Đồng thời, với mỗi công việc thực hiện, cha mẹ hãy khuyến khích con bằng các câu tạo động lực: “Cố lên con! Chắc chắn con sẽ rất bản lĩnh mà”.
Bắt đầu với các nhiệm vụ của bản thân, cha mẹ cùng con hô câu khẩu hiệu để truyền sự hào hứng và quyết liệt: “Nói được là làm được! Làm là phải quyết liệt đến cùng! Nói là phải nói đúng sự thật! Quyết tâm! Chiến thắng!”.
Thay vì trách móc và phàn nàn về con, cha mẹ hãy tạo cho trẻ bản lĩnh. Thái độ cư xử của người lớn sẽ là một liều thuốc tác động tích cực đối với quá trình hình thành nhân cách của con trẻ khi đó. Do đó, bố mẹ ở giai đoạn này cần củng cố những kỹ năng sống và vốn sống cho con. Đặc biệt, cần hiểu con, biết trẻ mong muốn gì.
Thúc đẩy động lực
Trong khi đó, chị Đặng Thục Hà My - phụ huynh có hai con nhỏ và hiện là giáo viên trẻ em tại Trung tâm Ngoại ngữ Bình Minh cho rằng, trước hết, cần đi tìm nguyên nhân vì sao trẻ lười. Một phần, trẻ lười có thể do được cha mẹ nuông chiều. Đôi khi, trẻ lười do có anh, chị em, nên thường xuyên “đùn đẩy” việc vặt cho người khác. Bé không chịu làm việc chỉ đơn giản bởi vì… không cảm thấy hứng thú. Với tính cách này, nhiều trẻ lười thậm chí không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, dù bị chê bai.
Theo giáo viên Hà My, để giải quyết bài toán “lười” này, các phụ huynh phải kiên nhẫn và nhất là “đánh vào yếu tố tâm lý”. Đó là tạo cho bé động cơ tốt để cảm thấy hứng thú trong việc giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, ngăn nắp, vệ sinh thân thể thơm tho... Nếu bé có một nhân vật yêu thích nào đó như Doraemon, siêu nhân…, cha mẹ có thể tìm những hình ảnh về việc những nhân vật này đang làm việc. Dán những bức ảnh này lên tường để… “ngấm dần” vào bé.
Ngoài ra, hãy chuyện trò với bé về những nhân vật này theo phương diện: “Nhờ siêng năng, chăm chỉ, không lười mà các nhân vật ấy mới giỏi giang và trở nên thú vị như thế. Con có muốn được như thế không nào?”.
“Trẻ con bao giờ cũng thích được vui chơi. Phụ huynh có thể cùng chơi những trò thật vui với bé và khuyến khích con bằng những phần thưởng nhỏ. Có thể cùng bé chơi trò sáng tạo gấp quần áo theo nhiều kiểu khác nhau, cho trẻ xem video clip hướng dẫn chải răng đúng cách rồi thách đố bé làm giống như vậy…”, nữ giáo viên gợi ý.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ khen ngợi khi con làm tốt là điều vô cùng quan trọng. Theo giáo viên Hà My, khi bé vô tình làm một việc tốt như: Đẩy sát chiếc ghế vào bàn, để giày dép ngay ngắn… cha mẹ hãy nói với con rằng, mình rất vui vì những việc làm đó. Chỉ những hành động nhỏ như thế, nhưng trẻ đã làm cho căn nhà gọn ghẽ hơn. Khi được khen, trẻ sẽ tự hào, ghi nhớ hành động đó và lặp lại nhiều lần thành thói quen.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phân tích cho trẻ hiểu rằng, nếu bé tự chăm sóc tốt cho mình, cả gia đình sẽ có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động khác như: Đi công viên, mua sắm… Phụ huynh có thể quy ước rằng, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ, trẻ sẽ được nhận phần thưởng vào cuối tuần hoặc cuối tháng.
“Tôi cho rằng, trẻ có xu hướng lười sẽ… không quan tâm lắm đến việc bị cha mẹ chỉ trích. Việc la mắng, phạt con có thể sẽ càng khiến bé trở nên bướng bỉnh. Phụ huynh có thể nói rằng mình rất mệt vì làm quá nhiều việc, nên cần sự giúp đỡ của con trong những việc nhỏ”, nữ giáo viên gợi ý.
Nhiều bà mẹ vì sốt ruột thấy bé không chịu làm việc, nên thường làm giúp con tất cả. Song, điều đó có thể khiến trẻ coi đó là điều nghiễm nhiên và ngày càng lười hơn. Với sự lý giải, phân tích nhẹ nhàng cùng những phương pháp hợp lý, trẻ sẽ hiểu và cải thiện dần tình trạng lười biếng.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()