Gần hai tháng nay, vườn dừa bán uống nước 5.000 m2 của anh Lê Tấn Lãm (44 tuổi, thị trấn Giồng Trôm) lâm vào cảnh quá lứa thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Anh Lãm cho biết, do vườn nằm khá xa đường chính, việc vận chuyển dừa mọi khi phải dùng xuồng.
Đang mùa dịch, nên khó tìm nhân công hái, gia đình anh tự bỏ công thu hoạch, nhưng khi gọi cho thương lái quen thì họ từ chối thu mua do tiêu thụ chậm. "Bình quân nếu 70.000 đồng một chục trái, mỗi tháng gia đình tôi mất thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng từ vườn dừa so với trước", anh Lãm nói.
Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam là hai huyện có diện tích dừa lớn nhất Bến Tre, mỗi huyện khoảng 17.000 ha. Hồi giữa tháng 7, khi tỉnh Bến Tre mới áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cơ sở chế biến dừa ngưng hoạt động, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Hai huyện này bị tồn đọng hàng chục triệu trái dừa.
UBND tỉnh Bến Tre sau đó đã chỉ đạo các sở ban ngành liên quan và các địa phương cùng bàn bạc tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ dừa cho nông dân, trong đó có cấp thẻ ưu tiên cho các đội thu mua.
Trưa giữa tháng 8, xe tải của đội thu mua xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm) đến chở dừa tại vườn ông Huỳnh Quang Minh (44 tuổi). Ông Minh có một hecta dừa uống nước đã đến kỳ thu hoạch, nhờ có đội mua dừa cơ động, hiện vườn nhà ông thu hoạch gần 50% với giá 90.000 đồng một chục.
Ông Hồ Thanh Trung, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết, địa phương có hơn 2.000 ha dừa, mỗi tháng cung ứng cho thị trường 15.000-20.000 trái uống nước lẫn dừa khô. Xã có 80 cơ sở chế biến dừa, do đang mùa dịch nên chỉ phân nửa cơ sở đảm bảo yêu cầu hoạt động "3 tại chỗ".
Theo ông Trung, địa phương đang thuộc "vùng xanh", nhưng do đang vào mùa dịch bệnh, việc đi lại được kiểm soát chặt nên việc vận chuyển dừa gặp khó khăn, ngoài ra giá cả cũng không cao như bình thường.
Gần một tuần nay, xã này lập 16 đội thu mua cơ động tại 8 ấp, mỗi đội gồm 4-5 thành viên từ những công nhân thu hoạch dừa và thương lái địa phương. Các đội này chỉ mua dừa trên địa bàn xã, ngoài yêu cầu đảm bảo nguyên tắc "5K", có kết quả test nhanh âm tính không quá 3 ngày, các thành viên sẽ được cấp "thẻ xanh". "Nếu địa phương có đủ vaccine, các thành viên đội này cũng sẽ được ưu tiên tiêm để đảm bảo an toàn", ông Trung nói.
Ngoài địa phương, các doanh nghiệp chế biến dừa cũng có các đội thu mua riêng. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong Bến Tre (huyện Châu Thành) cho hay, đơn vị này chuyên thu mua dừa uống nước xuất khẩu sang 10 nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc,... Công ty có 200 ha vùng nguyên liệu tại huyện Châu Thành và Giồng Trôm. Bình quân, mỗi tháng công ty mua 300.000-400.000 trái. Đang mùa dịch, đơn hàng vẫn như cũ, tuy nhiên, do thiếu nhân sự nên năng suất sản xuất thấp gây ra nhiều áp lực.
"Bình thường có khoảng 100 công nhân, sau khi thực hiện '3 tại chỗ', một số công nhân xin về nhà lo cho gia đình, nên chỉ còn 40 người sản xuất tại nhà máy và 20 người làm nhiệm vụ thu mua", ông Thuật nói.
Thời điểm trước dịch bệnh, công ty thu mua dừa của nông dân cao điểm 120.000 đồng một chục, hiện giá còn khoảng 80.000-90.000 đồng một chục.
Theo đề xuất của giám đốc công ty này, để đảm bảo sản xuất lâu dài trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh có thể xem xét đến phương án cho doanh nghiệp thực hiện phương án "2 tại chỗ" tại "vùng xanh" và "vùng vàng", thay vì "3 tại chỗ" như hiện nay. Bởi sau gần một tháng ở lại nhà máy, tâm lý chung của công nhân đều rất lo lắng chuyện nhà cửa, con cái. Ông Thuật cho rằng, để làm được điều này, công nhân phải được tuyên truyền, có ý thức tự giác phòng dịch tốt như tan ca chỉ được đi thẳng từ công ty về đến nhà, những người trong nhà cũng không được tiếp xúc với người khác.
Bến Tre có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) dựa vào thu nhập từ cây dừa để ổn định kinh tế gia đình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, trong tháng 8 sản lượng dừa uống nước khoảng 9,5 triệu trái, dừa khô trên 32 triệu trái. Tỉnh kết nối với các đầu mối tiêu thụ nhiều nơi, đã hỗ trợ tiêu thụ trên 2 triệu trái dừa uống nước, 3,3 triệu trái dừa khô.
Đến ngày 18/8, Bến Tre đã ghi nhận hơn 1.416 ca nhiễm cộng đồng, 30 ca tử vong.
Ý kiến ()