Người lao động đi làm, trích lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng không được hưởng quyền lợi do tham gia bằng tên người khác.
Ba năm qua, bà Võ Thị Thắm, 58 tuổi, ở quận Bình Tân (TP HCM) gửi hàng ký đơn thư, cầu cứu khắp nơi với hy vọng sớm được nhận lương hưu sau hơn 20 năm đóng quỹ BHXH.
Trước đó tháng 5/1996, em gái bà là Võ Thị Hương nộp đơn xin việc vào Công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Supre 24.Co. Khi công ty thông báo tiếp nhận, bà Hương đã đi làm ở doanh nghiệp khác. Đang thất nghiệp, bà Thắm nhận việc thay và được công ty đóng BHXH qua hồ sơ người em.
Hai năm sau, quản lý trực tiếp của bà Thắm nghỉ việc, chuyển qua Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Plaza. Một số cấp dưới, bao gồm bà Thắm cũng đi theo với toàn bộ hồ sơ cá nhân được rút từ chỗ làm cũ. Suốt thời gian làm việc bà luôn trong trạng thái bất an, lo sợ việc mượn hồ sơ bị doanh nghiệp biết sẽ cho nghỉ việc vì không trung thực. "Công ty rất tốt, tôi lại lớn tuổi, sợ mất việc nên không dám báo để điều chỉnh", bà Thắm nói.
Tháng 7/2020, thành phố bùng dịch, khách sạn kinh doanh khó khăn cùng lúc sức khỏe bản thân không đảm bảo do mắc nhiều bệnh, bà Thắm xin nghỉ làm. Lúc này bà mới nộp đơn lên BHXH TP HCM đề nghị điều chỉnh nhân thân để được hưởng lương hưu.
BHXH TP HCM chuyển hồ sơ của bà đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố để phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, thanh tra lao động cho rằng quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mượn hồ sơ của người khác để tham gia BHXH nên không có căn cứ xử lý. Cơ quan này cũng có văn bản gửi cấp trên đề nghị hướng dẫn.
Giữa năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn gửi các địa phương, cho rằng việc mượn hồ của người khác để đi làm là "không trung thực, vi phạm quy định". Để giải quyết, bộ hướng dẫn trước hết hợp đồng lao động đó phải bị tòa án tuyên vô hiệu. Sau đó, cơ quan BHXH mới điều chỉnh thông tin.
Hướng dẫn như trên càng khiến vụ việc của bà Thắm bế tắc. Trong toàn bộ quá trình đóng BHXH của bà, Công ty TNHH Liên doanh khách sạn Plaza sẵn sàng điều chỉnh hợp đồng cho thời gian hơn 21 năm làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên công ty bảo vệ bà làm trước đó đã giải thể. Hợp đồng lao động mà bà ký 27 năm trước không còn nên tòa không có cơ sở thụ lý.
Bà Thắm nói mình có phần lỗi khi dùng hồ sơ em gái đi làm, nhưng toàn bộ số tiền đóng vào quỹ BHXH được trích từ lương, công sức của bản thân chứ không phải của ai khác. "Giờ không được hưởng quá thiệt thòi", bà Thắm nói.
Tương tự, chị Nguyễn Quỳnh Trâm, 35 tuổi, có 15 năm tham gia BHXH, không thể nhận được trợ cấp một lần do năm 2008 cho bạn cùng phòng mượn hồ sơ để đi xin việc. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ bạn thất nghiệp, từ TP HCM về Bắc Giang làm giấy tờ tốn kém nên giúp", chị Trâm nói, cho biết người bạn làm chừng một năm rồi nghỉ, về quê lấy chồng.
Tháng trước, chị Trâm nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần được thông báo có một sổ bảo hiểm trùng thông tin đóng bảo hiểm được 9 tháng. Chị phải liên hệ bạn, đề nghị gửi đơn ra tòa tuyên hợp đồng lao động của người mượn vô hiệu. Cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh thời gian của người đó về chính chủ, lúc đó hồ sơ của chị mới được giải quyết.
"Bây giờ tôi không biết người bạn đó ở đâu để giải quyết", chị Trâm nói và cho rằng ngay cả khi liên lạc được, rất khó để thuyết phục công ty ký lại hợp đồng cho một người cách đây 15 năm, lại còn liên quan pháp lý, tòa án. Chị đề nghị bỏ một năm đóng trùng nhưng không được chấp thuận.
Thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, hơn 3.700 trường hợp có quá trình đóng BHXH liên quan mượn hồ sơ đi làm như hai trường hợp trên. Các trường hợp này tập trung ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...
Hiện, việc giải quyết chế độ cho người lao động gần như bế tắc vì phát sinh nhiều tình huống nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn. Ví dụ tòa muốn tuyên hợp đồng lao động vô hiệu cần biên bản hòa giải. Người lao động đề nghị phòng lao động xem xét hòa giải lại quá thời hiệu. Doanh nghiệp giải thể sẽ bị tòa trả hồ sơ vì không có chủ thể để khởi kiện. Tòa cũng không thụ lý khi người mượn, cho mượn hồ sơ đã chết, không liên lạc được...
Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết trước năm 2010, khi ông còn công tác ở Ban Cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã nhận được thông tin lao động mượn hồ sơ để đi làm, đề nghị được điều chỉnh. Lúc này pháp luật không quy định nên cơ quan bảo hiểm cho đây là hành vi trái luật. Do đó toàn bộ thời gian tham gia BHXH phải bị hủy bỏ, chỉ điều chỉnh hồ sơ khi bắt đầu đóng mới.
Tuy nhiên, cách xử lý này bị người lao động phản ứng, đặc biệt những người có thời gian tham gia lâu sẽ ảnh hưởng đến thời gian tích lũy hưởng hưu trí. Sau đó, BHXH Việt Nam đã xin ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Phương án giải quyết là BHXH tỉnh lập danh sách, báo cáo sở lao động kiểm tra. Khi có kết luận, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh lại cho người lao động.
Các địa phương giải quyết theo cách trên. Tuy nhiên từ năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM dừng lại. Do nhiều hồ sơ bị tắc, cuối năm ngoái, UBND TP HCM đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến đến Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao và Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn để gỡ các vướng mắc, song đến nay chưa nhận được phản hồi.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), cho rằng việc mượn hồ sơ đi làm của người lao động là sai nhưng cần xét đến yếu tố lịch sử và hoàn cảnh để thấu hiểu, tìm cách giải quyết cho người lao động.
Qua ghi nhận của cơ quan BHXH, lao động phải mượn hồ sơ do không đáp ứng điều kiện tuổi đời dẫn tới mượn hồ sơ của người thân đi phỏng vấn. Có giai đoạn một số doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng người một số tỉnh, lao động phải mượn hồ sơ đi làm... Họ cần việc làm để có thu nhập mà chưa quan tâm quyền lợi BHXH. Thời điểm đó, công nghệ chưa đồng bộ như bây giờ để phát hiện ngay thông tin người tham gia bị trùng.
"Về hình thức là sai nhưng thực tế lao động có trích lương nộp bảo hiểm nên họ cần được hưởng quyền lợi dựa trên sự đóng góp đó", ông Thọ nói. BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn giải quyết trên cơ sở nguyên tắc đóng – hưởng, đề cao quyền lợi của người lao động.
Ý kiến ()