Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
Lào Cai giải bài toán tiêu thụ nông sản giữa bão dịch COVID-19
Thứ 6, 04/06/2021 | 09:27:34 [GMT +7] A A
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, trong khi đó, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều trở ngại.
Trước tình trạng đó, Lào Cai đã và đang triển khai đẩy mạnh gắn sản xuất với chế biến nhằm hạn chế các rủi ro thiệt hại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trước thách thức của đại dịch.
"Gáo nước lạnh" COVID-19
Dịch COVID-19 không chỉ dội một "gáo nước lạnh" vào ngành du lịch Lào Cai trong 2 năm qua mà nó còn khiến một số ngành nông nghiệp - dịch vụ có liên quan điêu đứng.
Cao nguyên trắng Bắc Hà không chỉ nổi tiếng bởi khí hậu, cảnh quan du lịch tuyệt đẹp với các lễ hội du lịch truyền thống độc đáo trên cả nước mà còn được biết đến khi gắn tên với một loại đặc sản cây trái ôn đới đã làm nên thương hiệu và được nhiều du khách biết đến: mận tam hoa Bắc Hà.
Mận tam hoa được đưa vào Lào Cai những năm 1980 đã nhanh chóng bén rễ với đồi núi Bắc Hà. Phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, loại mận này dần trở thành loại cây cho kinh tế cao và niềm tự hào của người dân vùng núi Bắc Hà. Không giống mận địa phương khác, mận Bắc Hà quả to đều đẹp mắt, ăn khá róc hạt, giòn, ngọt đến tận cùng. Đây cũng là điểm đặc biệt làm cho trái mận trở thành đặc sản Lào Cai và được nhiều người yêu thích.
Hiện, huyện Bắc Hà có 308 ha cây mận cho thu hoạch. Thời điểm chính vụ thu hoạch mận tam hoa Bắc Hà là tháng 5, 6 hằng năm. Đây cũng là thời điểm địa phương tổ chức một loạt các sự kiện lễ hội thường niên như Festival "Cao Nguyên Trắng Bắc Hà", Sự kiện mùa hè “Vó ngựa Cao Nguyên", Lễ hội mận Tam hoa, tour du lịch xe đạp tham quan và hái mận...
Mận tam hoa cũng là món quà được lựa chọn hàng đầu của khách du lịch khi đến với Bắc Hà vào dịp này, đem lại nguồn thu không nhỏ cho cư dân địa phương. Thế nhưng, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các sự kiện du lịch bị tạm hoãn, mọi hoạt động du lịch và thông thương đình trệ, dẫn tới quả mận tam hoa khó khăn tìm thị trường tiêu thụ, người dân trồng mận đang vô cùng lo lắng.
Những năm trước, gia đình bà Phạm Thị Nga, thôn Na Áng, xã Na Hối chỉ mở vườn 3 ngày là đã bán hết quả mận. Không có cảnh tập nập thương lái, khách du lịch tìm đến tận vườn để mua mận như những năm trước, năm nay là thời điểm khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây đối với gia đình bà nói riêng và người trồng mận Bắc Hà chung.
Bà Nga chia sẻ: "Gia đình có 130 cây mận tam hoa thuần chủng, trồng tại vườn nhà và trên nương đang rất khó khăn tiêu thụ. Không có khách thì giờ chỉ đổ đi chứ biết làm thế nào, nhiều lắm thì cũng chỉ bán được vài tạ".
Gia đình anh Vàng Văn Hường, thôn Na Lo, xã Tà Chải sống bằng nghề nông, nguồn thu nhập chính là vườn mận hơn 300 gốc. Những năm trước được mùa, được giá, với giá bán trung bình 50.000-60.000 đồng/kg cũng cho gia đình anh hơn 30 triệu đồng lãi.
Còn vụ thu hoạch năm nay, dù anh đã cải tạo vườn mận theo hướng dẫn, hạ thấp được độ cao cây mận, thuận tiện hơn trong thu hái, chăm sóc theo đúng quy trình giúp quả mận to, chín mọng và ăn ngọt hơn, song gia đình anh Hường cũng như nhiều gia đình trồng mận khác rất lo lắng. Anh Hường chia sẻ: "Vì không có khách nên mận khó tiêu thụ. Với giá 10.000-15.000 đồng/kg, người trồng mận bị lỗ bởi các chi phí như: thuốc bảo vệ thực vật, giá phân... đều tăng".
Tại khu vực chợ hoa quả nằm ngay trung tâm huyện Bắc Hà, chị Trần Thu Hương, một tiểu thương cho biết: “Những năm trước, quả mận được thu hoạch sớm thường có giá bán khá cao, từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Năm nay, mận tam hoa được mùa, sai quả, mẫu mã đẹp, có đủ các loại nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, không có khách du lịch, những người buôn bán như chúng tôi cũng khó khăn vì ít người mua hàng".
Gắn sản xuất với chế biến
Những năm trước đây, dứa quả ở Mường Khương cũng nhiều khi lâm vào cảnh khủng hoảng "được mùa mất giá" tương tự như cây mận Bắc Hà hiện nay. Có những năm, dứa chỉ bán được 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg, thậm chí chẳng có ai thu mua, bỏ chín thối trên nương. Cây dứa từng là cây giúp nông dân vùng biên Bản Lầu thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên từ cây dứa.
Vậy nhưng, trồng dứa cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường, dứa được hay mất giá hoàn toàn phụ thuộc vào bạn hàng phía Trung Quốc, vì đây là thị trường tiêu thụ chính của loại quả này. Đặc biệt, từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều hộ trồng dứa ở Mường Khương ôm “trái đắng” khi dứa rớt giá thê thảm vì bạn hàng quen thuộc không thể tới giao dịch.
Vậy nhưng, dịch bệnh cũng là điều kiện giúp dứa Mường Khương mạnh dạn chuyển hướng sang thị trường nội địa. Quả dứa được đưa đến những nhà máy chế biến trong nước. Mới đây, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu chính thức đi vào hoạt động đã tạo nên “cú huých” cho sự thị trường dứa Mường Khương sôi động từ đầu vụ bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, mùa dứa năm 2021, nông dân ký hợp đồng với nhà máy thu mua dứa với mức giá trung bình 6.000đồng/kg. Còn ở thị trường bán lẻ, dứa được bán với giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần vụ dứa năm trước.
Nông dân Mường Khương không sản xuất tự phát nữa, mà liên kết với doanh nghiệp, trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chủ động rải vụ để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Từ loại cây trồng ẩn chứa nhiều rủi ro, thiếu ổn định từ bạn hàng nước ngoài, cây dứa Mường Khương tiếp tục bén rễ, nhân lên những mùa trái ngọt, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất biên cương Tổ quốc. Câu chuyện “được mùa, mất giá” những năm trước đây đã mang về cho nông dân Mường Khương bài học lớn về liên kết trong sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai Vương Tiến Sỹ cho biết, để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tương tự như cây dứa Mường Khương, Lào Cai hiện đang đưa mận quả và một số sản phẩm khác của địa phương đi vào sản xuất thử nghiệm với nhiều chủng loại thành phẩm như đóng hộp, ép nước, sấy khô, sấy dẻo... Các loại trái cây được đưa vào chế biến tại Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, phù hợp thị hiếu, khẩu vị của bạn hàng thị trường châu Âu. Giải pháp này hứa hẹn sẽ dần đẩy lùi cơn ác mộng "được mùa mất giá" để nông dân yên tâm bám đất, bám làng định cư sản xuất.
Trước mắt, để hỗ trợ tiêu thụ mận, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà đã cùng vào cuộc, chủ động kết nối với các chuỗi cửa hàng sạch và hệ thống siêu thị bán lẻ tại Hà Nội và các tỉnh miền xuôi để tìm kiếm thị trường cho quả mận tam hoa. Mục tiêu đặt ra là tiêu thụ được khoảng 60 – 70% sản lượng mận cho người dân.
Bên cạnh đó, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà Nguyễn Xuân Giang cho biết, huyện Bắc Hà đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Lào Cai để đưa sản phẩm mận tam hoa lên sàn giao dịch điện tử Postmart. Đây là sản phẩm quả tươi đầu tiên của Lào Cai được bán trên sàn giao dịch điện tử.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()