Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:45 (GMT +7)
Phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2023 tại mỏ than Đèo Nai
Thứ 6, 27/01/2023 | 14:33:41 [GMT +7] A A
Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, trong ngày 27/1, tại mức +300 bãi thải Nam Khe Tam của Công ty CP Than Đèo Nai, các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Quý Mão 2023 do tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát động.
Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức tại Công ty CP Than Đèo Nai, TP Cẩm Phả, là nơi năm 1959 Bác Hồ đã về thăm và động viên cán bộ công nhân Mỏ than Đèo Nai càng có ý nghĩa sâu sắc về tư tưởng của Bác hết sức quan tâm đến cán bộ, công nhân ngành Than và ý nghĩa của trồng cây gây rừng.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, tại lễ phát động, các đại biểu đã trồng 4.000 cây xanh, chủ yếu là cây lát hoa. Đây là loài cây phù hợp để phát triển thành rừng cây gỗ lớn, từng bước hoàn nguyên, phục hồi môi trường, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong dịp tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 100.000 cây. Hết quý I/2023 phấn đấu trồng 1 triệu cây các loài lim, giổi, lát và cây bản địa, cây gỗ lớn.
Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về trồng cây, gây rừng, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường, môi sinh nhằm phát triển kinh tế rừng bền vững, nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần thực thi những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 27 (COP27) của Việt Nam. Đồng thời, sớm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh là đến hết năm 2023 trồng mới ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát ở những địa bàn có điều kiện và nâng lên 5.000ha vào năm 2025.
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Trong thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước ngày càng được tỉnh Quảng Ninh coi trọng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, cao hơn trung bình cả nước, từng bước cải thiện chất lượng rừng, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc; nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hành động của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân có chuyển biến tích cực.
Đặc biệt là sự chuyển biến thực chất về tư duy, hành động và kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương có hoạt động của ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện tốt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh bằng thực hiện trồng cây cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi thải ngừng đổ, khu vực kết thúc khai thác. Riêng tại TP Cẩm Phả, trong dịp Tết trồng cây năm 2023 phấn đấu mục tiêu trồng 8.000 cây và cả quý I/2023 trồng 80.000 cây là các loại cây lim, giổi, lát.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()