Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:27 (GMT +7)
Lãnh đạo OPEC kêu gọi các thành viên huỷ bỏ thoả thuận về hạn chế dầu khí
Thứ 7, 09/12/2023 | 17:49:49 [GMT +7] A A
Người đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vừa gửi thư kêu gọi các thành viên trong nhóm huỷ bỏ bất kỳ thỏa thuận nào có thể ảnh hưởng đến việc tiếp tục khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Trong một bức thư đề ngày 6/12, ông Haitham Al-Ghais, Tổng thư ký OPEC, cảnh báo tất cả các thành viên của tổ chức này, rằng hiện có áp lực ngày càng lớn lên nhiên liệu hóa thạch. Ông cho rằng đó là kế hoạch “mang động cơ chính trị” chống lại các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn, khiến “sự thịnh vượng và tương lai của nhân dân chúng ta gặp nguy hiểm”.
Bức thư đã được gửi tới bộ trưởng của tất cả 13 quốc gia OPEC cũng như 10 quốc gia khác trong khuôn khổ mở rộng OPEC+, bao gồm Nga.
Ông kêu gọi các quốc gia thành viên “từ chối bất kỳ văn bản hoặc công thức nào nhằm vào nhiên liệu hóa thạch thay vì khí thải”.
Khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng hành tinh. Các nước khai thác nhiên liệu hóa thạch muốn chuyển trọng tâm sang vấn đề khí thải, cho rằng nếu các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide và mê-tan có thể được khống chế hoặc loại bỏ khỏi khí quyển, thế giới có thể tiếp tục đốt dầu, khí đốt và than đá.
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, bất kỳ thỏa thuận nào muốn được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đều phải được tất cả các quốc gia đồng thuận.
OPEC từ chối nói về bức thư. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng và nhà ngoại giao bước vào giai đoạn mệt mỏi nhất của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 tuần. Họ phải làm việc thâu đêm trong nhiều phòng họp để cố gắng đạt được một thỏa thuận giữa các quốc gia trước hạn chót 12/12.
Dự thảo văn bản đàm phán mà các quan chức COP28 vừa công bố cho thấy ngôn ngữ cuối cùng đang được tính toán, từ kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch “phù hợp với khoa học tốt nhất hiện có” cho đến không đề cập đến tương lai của dầu, khí đốt và than.
Văn bản cũng nói đến khả năng sử dụng nhiên liệu hóa thạch “không suy giảm”, nghĩa là tiếp tục sử dụng dầu, khí đốt và than đá, miễn là có công nghệ thu giữ và lưu trữ khí thải carbon phát sinh. Hiện chưa có công nghệ nào như vậy đạt đến quy mô mà các nhà khoa học cho là cần thiết.
Bức thư của OPEC cho thấy có thể xảy ra một cuộc đối đầu tiềm tàng trong những ngày còn lại của hội nghị, giữa một bên là các cường quốc nhiên liệu hoá thạch, một bên là các quốc gia, bao gồm Mỹ, muốn nền kinh tế thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2023 được các nhà khoa học ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Thảm hoạ khí hậu xảy ra khắp nơi, gây áp lực lên các nhà ngoại giao nhóm họp ở Dubai.
Trong số những người đang chịu áp lực là Sultan Al Jaber, giám đốc điều hành năng lượng của Tiểu vương quốc Dubai, người đang chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Khi đang bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích là xung đột lợi ích, ông Al Jaber hôm qua nói rằng việc chuyển đổi sang năng lượng gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác là không thể tránh khỏi.
Nếu tại hội nghị ở Dubai lần này các quốc gia đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đó sẽ được coi là một thời khắc lịch sử.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()