Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:54 (GMT +7)
Làng phố Cốc - người làng Cốc
Thứ 5, 05/08/2021 | 17:26:24 [GMT +7] A A
Nhắc tới Hà Nam một vùng làng đảo phía nam thị xã Quảng Yên, từ xa xưa người ta thường gọi “Hà Nam Phong Cốc” để phân biệt với Hà Nam Phủ Lý. Hai tiếng Phong Cốc được gắn liền với cụm từ “Hà Nam Phong Cốc”. Nhắc tới Phong Cốc là người ta ai cũng nhớ tới Đình Cốc. Đình Cốc là Di sản văn hóa thờ cúng, văn hóa lễ hội, là hồn quê, là biểu tượng thiêng liêng của người Phong Cốc và của Hà Nam.
Đình Cốc, một công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa, vừa thờ Thần Nông vừa thờ “Tứ vị Thánh nương”, những người đàn bà trâm oanh làm Thành hoàng của làng. Theo thần phả và truyền thuyết, bà Thánh Mẫu tên thật là Kiền Nương, họ Triệu, con một nhà thuyền chài trên cửa biển Kiền Hải, Châu Hoan (vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bà là một cô gái xinh đẹp, được tuyển về Trung Quốc, vào cung làm hoàng hậu. Khi giặc Nguyên đánh chiếm nhà Tống, vua Tống Đế Bính vội sai cận thần đưa Hoàng hậu và hai công chúa sinh đôi là Hồng Hạnh và Hồng Liên cùng một thị nữ chạy về phương Nam. Đoàn thuyền vượt biển chạy đến Nghệ An bỗng gặp cơn phong ba lớn đã bị đắm. Chỉ còn hoàng hậu, hai công chúa và thị nữ sống sót, trôi dạt vào một ngôi chùa trên cửa bể Kiền Hải, được các nhà sư cứu thoát và nuôi dưỡng. Sau đó được tin nhà Tống mất, vua Đế Bính tử trận, hoàng hậu nhìn về phương Bắc mà than rằng: “Sống mà không báo trung được với nước, không trả được thù nhà thì ta chết còn hơn!” Nói xong, hoàng hậu cùng hai công chúa và thị nữ quyên sinh, vào một ngày cuối năm (24 tháng chạp). Dân địa phương cảm phục đã lập đền thờ.
Cách đây gần 200 năm, một nhóm người làng Cốc đi đồn trú miền Nghệ An, qua cửa Kiền Hải (thường gọi là cửa Cờn), thấy sự tích thiêng liêng của ngôi đền và khâm phục khí tiết lẫm liệt của “Tứ vị Thánh nương” liền xin chân nhang về quê và tôn thờ trong miếu Cốc. Đến năm Khải Định thứ 8, tháng Giêng năm Quý Hợi (1923), ông Ngô Văn Vệ (tức cụ quản Đăng) là Chánh Hương hội và ông Vũ Huy Hoàn, Phó Hương hội, đã lên tận Hà Nội lấy bản thần phả do ông Nguyễn Văn Ước ở Viện Viễn Đông bác cổ sao kê, về làm thần phả của làng. Tượng bà Thánh Mẫu được tạc thờ trong miếu Cốc, rồi sau rước về đình Cốc. Từ đó đến nay, mỗi khi làng vào lễ Đại kỳ phước lại nghinh rước trọng thể “Tứ vị Thánh nương” như một sự chứng kiến và phù hộ sự nghiệp dân sinh của làng...
Đình Cốc (cất dựng năm 1805), được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử và Văn hóa năm 1989 là ngôi đình to đẹp nhất trong 15 ngôi đình cổ ở huyện Yên Hưng cũ-thị xã Quảng Yên ngày nay với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo. Đặc biệt bức cửa lớn điêu khắc hình “Long đàn Phượng vũ” hòa nhập với cỏ cây hoa lá rất đẹp và ấn tượng. Đây là một mô típ hiếm thấy trong nghệ thuật chạm khắc ở các đình chùa Việt Nam.
Nằm giữa 8 phường xã đảo Hà Nam, Phong Cốc hình thành từ đầu thế kỷ 15, với tên gọi Bồng Lưu, rồi Phong Lưu “nhất xã, tứ thôn”, sau là xã Phong Cốc, giờ là phường Phong Cốc. Năm 1963, một bộ phận phía đông xã được tách ra thành lập xã Phong Hải giờ là phường Phong Hải. Làng Phong Lưu xưa có chợ Cốc là chợ đầu tiên trong vùng, hàng trăm năm nay giao thương nông sản, hàng hóa với các nơi, từng có những đoàn thuyền đinh lớn buôn bán trên các ngả sông đồng bằng Bắc Bộ, vượt biển vào tận Sài Gòn - Gia Định và tới Ja Va... giao thương. Do đó Phong Cốc sớm trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả vùng với những thương gia, những cửa hàng cửa hiệu rất sầm uất. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người trong vùng đã gọi Phong Cốc là “phố Cốc”.
Từ các triều Hậu Lê, triều Nguyễn, làng Phong Lưu xưa đã có các danh nhân, các nhà khoa bảng đỗ đạt. Ông Bùi Huy Ngọc và Nguyễn Huy Khuê đều đỗ Hương cống cuối đời Lê. Hai ông có công trong việc đánh đuổi giặc biển hồi đầu triều Nguyễn năm thứ 2 (1803). Bùi Huy Ngọc được thăng Tham hiệp trấn Yên Quảng. Nguyễn Huy Khuê được trao chức Tri huyện Hữu Lũng. Ông Vũ Trọng Nghĩa đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ năm Tự Đức thứ 11 (1858) tại trường thi Nam Định, làm quan tới chức Huấn đạo Yên Hưng, giáo thụ Ứng Hòa và Tri châu Yên Châu...
Đầu thế kỷ 20, cụ Vũ Văn Chúc (tức hương Chúc) người Phong Cốc là người đâu tiên làm lò vôi, lò mắm tôm, sắm tàu chở khách từ Quảng Yên đi Hải Phòng.
Vào khoảng năm 1932, cụ Nguyễn Văn Phong là người đầu tiên bỏ tiền của ra bắc cây cầu gỗ qua sông gọi là cầu Miếu cho dân đi lại các phiên chợ.
Những năm 1940 tại đình Cốc, từng có hội Tao đàn của những bậc văn hay chữ tốt, từng có cuộc thi thơ nhớ ơn công đức Tiên Công “trúc hải thành điền”. Trong đình từng diễn ra hội nghị bí mật do tướng Nguyễn Bình từ Chiến khu Đông Triều về thành lập “Trung đội Ký Con”. Tháng 7/1945, sân đình từng là nơi tụ họp nhân dân cả khu vực Hà Nam vượt sông Chanh tham gia đoàn quân cách mạng của tỉnh lỵ Quảng Yên, giành chính quyền từ thực dân Pháp về tay nhân dân.
Làng Phong Cốc có hai người nông dân năm 1961 được gặp Bác Hồ trong dịp Người về thăm Khu mỏ Hồng Quảng là cụ Nguyễn Huy Cửa và ông Bùi Kim Lự.
Từ những năm 1960, hàng nghìn người dân Phong Cốc tỏa đi Uông Bí, Hà An, Sông Khoai, Móng Cái... mở đất xây dựng các vùng kinh tế mới. Nhiều Việt kiều người làng Cốc hiện nay đang định cư sống, làm việc ở các nước trên thế giới. Bước chân truyền thống và trí tuệ lao động sáng tạo chế ngự thiên nhiên của người làng Cốc vẫn tiếp tục nối dài.
Ngoài nông nghiệp, dân Phong Cốc còn nhiều ngành nghề khác như vận tải, đánh bắt hải sản trên sông biển, nuôi trồng thủy sản; các nghề thủ công dân gian, buôn bán nhỏ, dạy học...
Những năm 1980, nghề gạch ngói ở đây cực thịnh, mỗi năm sản xuất hàng triệu viên cung cấp cho địa phương và các nơi. Thương hiệu “Gạch ngói Phong Lưu” đã từng góp phần thay đổi diện mạo làng quê. Phong Cốc là một trong 2 xã đầu tiên trong huyện Yên Hưng cũ hoàn thiện đường giao thông nông thôn, bê tông hóa từ đường liên xã đến đường tiểu mạch, ngõ xóm. Câu ca “Trăm cái tội không bằng cái lội Hà Nam” đã lùi vào quá khứ. Nay cả phường đã ngói hóa toàn diện với hàng nghìn nóc nhà khang trang, cao tầng và còn giữ được hàng chục nếp nhà gỗ cổ kiến trúc đẹp. Tốc độ xây dựng trong dân nhanh mỗi tháng mỗi năm một khác, nhất là các khu dân cư Trung Đình, Xóm Thượng, Cầu Miếu, Hồ Cày... nhiều nhà cao tầng, biệt thự vươn lên đẹp chẳng kém gì phố thị. Từ khi cầu Sông Chanh nối liền đôi bờ Hà Bắc-Hà Nam TX Quảng Yên năm 2001, hệ thống giao thông trở nên thuận tiện với các tuyến xe khách đưa vùng đảo liền mạch giao thông với mọi nơi. Nhân dân đã bỏ ra hàng tỷ đồng xây dựng những đoạn đường những khu phố đẹp với hệ thống đèn đường chiếu sáng, các sân tập thể dục thể thao, các Nhà Văn hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Hệ thống nước sạch nông thôn sử dụng từ năm 1996 thỏa mãn nhu cầu nước ngọt sinh hoạt trên vùng đất chua mặn...
Phong Cốc đã hoàn thành cao tầng hóa các trường học: Năm 1997 cho trường tiểu học, năm 1999 cho trường trung học cơ sở. Năm 2002, Trường Tiểu học Phong Cốc là Trường chuẩn Quốc gia. Cùng với đình Cốc còn có 6 nhà thờ họ được cấp bằng Di tích Quốc gia năm 2002 đang tiếp tục được bảo vệ, trùng tu với hệ thống nhà văn hóa thôn mới xây dựng đã hợp thành một quần thể văn hóa cảnh quan làng xã thêm hài hòa kim- cổ. Mười một dòng họ trong cộng đồng đoàn kết bên nhau tạo nên phong cách làng coi trọng nguồn gốc, thành quả lao động, ăn ở nghĩa tình, dũng cảm trong đấu tranh chế ngự thiên nhiên và đánh giặc cứu nước. Đặc biệt lễ hội Rước Người, rước các cụ thọ 80 tuổi và hội bơi chải, hội Hạ điền trong lễ hội Xuống Đồng là nét văn hóa đặc trưng hiếm có đang được người Phong Lưu kế thừa và phát triển.
Làng Phong Lưu xưa, “Phố Cốc” - xã Phong Cốc - phường Phong Cốc hôm nay rộn ràng đồng xanh, ruộng vàng, làng văn hóa nông thôn mới. Phường Phong Cốc mang gương mặt của đô thị mới vẫn gắn liền với những tên gọi đình Cốc, chợ Cốc, cầu Miếu, Cung Đường, cầu Chỗ... mãi thắm đượm hồn quê, là nỗi nhớ, là niềm tự hào của người làng Cốc. Đình Cốc, chợ Cốc, Lễ hội Xuống Đồng, quần thể các nhà thờ họ là những di sản văn hóa quý báu của người làng Cốc, xứng đáng là những điểm du lịch đồng quê. Riêng chợ Cốc hiện nay đã di chuyển và xây dựng chợ Cốc mới tại khu đìa thuộc xóm Trung cũ. Chợ đình Cốc trước cửa đình Cốc đã giải tỏa, nhường chỗ cho sân đình làm nơi hành lễ các dịp lễ hội thường niên và sân chạy chèo cho hội bơi chải. Nét đẹp thuần khiết của chợ quê đình Cốc nay không còn nữa. Người dân Phong Cốc cũng nuối tiếc nhưng trong cuộc sống đi lên bởi nhịp điệu phát triển nông thôn mới, người làng Cốc vẫn bảo lưu và tiếp tục sáng tạo những thuần phong mỹ tục mới xứng danh “Làng Phố Cốc” của làng đảo Hà Nam.
Ngày xưa, các triều đại phong cho Phong Cốc là “Phong Lưu nghĩa dân”. Ngày nay Phong Cốc được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến và nhiều Huân chương Lao động, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất do Chính phủ trao tặng tháng 8/2011. Phong Cốc tiếp tục vươn lên xứng đáng là một điểm sáng, một làng quê “phong đăng hỏa cốc” của thị xã Quảng Yên.
Bút ký của Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()