Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:35 (GMT +7)
Làng nhang gần 100 tuổi ở TP.HCM rực rỡ sắc màu vào vụ Tết
Thứ 4, 04/01/2023 | 10:14:36 [GMT +7] A A
Những ngày gần đây, làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM tất bật vào vụ Tết, công nhân làm việc ngày đêm để kịp đơn hàng.
Làng nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM là một trong những nơi sản xuất nhang lớn nhất, lâu đời nhất khu vực Nam bộ. Tại đây, người dân sản xuất quanh năm, tập trung sản xuất vụ chính vào các dịp lễ lớn nhưng như Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7.
Thời điểm này, đi dọc đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa (huyện Bình Chánh, TP.HCM) dễ dàng bắt gặp cảnh những sào nhang, những bó "hoa nhang" phơi dọc 2 bên đường với màu sắc nổi bật dưới ánh nắng, đây được xem là nét đặc trưng đã có từ lâu đời của làng nghề này.
Trải qua thời gian dài, đến nay các hộ làm nhang tại xã Lê Minh Xuân cũng dần thưa thớt hơn, tại góc đường Thích Thiện Hòa - Mai Bá Hương, xưởng làm nhang của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy được xem là xưởng nhang lớn nhất ở đây với diện tích trên 5.000m2. Còn lại, đa phần là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tự sản xuất thủ công còn bám trụ với nghề.
Những ngày giáp Tết, xưởng nhang của chị Thúy có hơn 30 nhân công liên tục làm việc ngày đêm. Phần lớn, những công nhân tại đây là người dân từ các tỉnh miền Tây lên làm thời vụ dịp Tết.
Chị Lê Cát Bụi Thúy - cho biết: "Năm nay số lượng đơn đặt hàng gần như giảm một nửa so với năm ngoái. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao, nhưng giá bán ra không tăng. Nếu như ở thời điểm này các năm trước chúng tôi sản xuất mỗi ngày từ 3.000-3.500 thiên nhang, nhưng năm nay mỗi ngày chỉ sản xuất từ 2.500-3.000 thiên. Mỗi thiên 1.000 cây, giá dao động từ 25.000-30.000 đồng tùy loại".
Hiện đa phần các hộ làm nhang tại đây đều áp dụng máy móc vào việc sản xuất giúp tăng năng suất, cây nhang làm bằng máy sẽ đồng đều, đẹp và có chất lượng cao.
Tuy áp dụng máy móc, kỹ thuật vào sản xuất nhưng nét đặc trưng của nhang tại làng nghề này vẫn luôn hiện hữu bởi mỗi một loại nhang tại đây được tạo ra từ công thức riêng cho mùi hương, chất lượng riêng khó có thể trộn lẫn trên thị trường.
Bà Phan Thị Hơn (50 tuổi) - người làm nhang lâu năm tại đây cho biết, để làm ra một nén nhang, trước tiên phải làm chân nhang, sau đó nhúng sơn đỏ vào một phần phía dưới rồi đem đi phơi nắng, tiếp đó là khâu nghiền bột, trộn bột nhang, se nhang, phơi khô và đóng thiên.
Nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô lớn đầu tư máy sấy nhang để không phụ thuộc vào thời tiết.
Công nhân tại xưởng nhang ở làng nghề nhang xã Lê Minh Xuân mỗi ngày có thể kiếm từ 200.000-300.000 đồng, tùy theo số lượng sản phẩm làm được. Nhiều chủ xưởng bố trí phòng trọ để công nhân ở lại ngay trong xưởng.
Hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ tận dụng không gian trống trước nhà phơi nhang.
Đa phần, các hộ làm nhang tại làng nghề này thường cung cấp nhang sỉ, gần cuối năm nhiều đầu mối tới tận xưởng lấy hàng, sau đó về tự đóng gói, dán nhãn riêng đưa ra thị trường.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()