Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:50 (GMT +7)
Làng nghề, điểm may gia công bị xóa sổ
Thứ 2, 25/11/2024 | 15:17:57 [GMT +7] A A
Nhiều điểm sản xuất nhỏ, cơ sở may gia công, làng nghề đang gặp khó hoặc buộc rời bỏ cuộc chơi trước sức ép hàng ngoại nhập giá rẻ, nhất là hàng Trung Quốc bán trên kênh online.
Ngoài kinh tế khó khăn khiến người dân hạn chế mua sắm, nhiều đơn vị cho rằng hàng Trung Quốc giá rẻ là nguyên nhân lớn. Tuy nhiên, để học theo cách làm của phía Trung Quốc là điều không dễ.
Lụi dần
Chia sẻ vì sao không thể may gia công cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đáng, chủ một tiệm may gia công tại khu vực chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết ông đã từng qua Trung Quốc mua thử vài đôi về để tự chế tác làm thử nhưng không thể làm ra giá khách hàng mong muốn nên đành hủy đơn hàng.
Theo ông Đáng, giày thể thao, giày vải Trung Quốc bán ra nếu tính tiền Việt chỉ 100.000 - 300.000 đồng/đôi tùy loại, trong khi giá thành mình sản xuất ra dù cố gắng lắm cũng vượt giá họ bán. Do đó nhiều mặt hàng may mặc, da giày Trung Quốc cùng loại nhưng rẻ hơn hàng Việt 30 - 35% là điều dễ hiểu.
"Nguồn nguyên liệu, máy móc phụ thuộc hẳn Trung Quốc, vì thế những đơn vị may gia công hoặc tự sản xuất đang chịu sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Báo giá "sống được" thì không có khách, còn giá để có khách thì gần như không lãi nên tôi đành đóng xưởng", ông Đáng nói.
Tương tự, quanh khu vực đường Tôn Đản (quận 4) trước đây nổi tiếng với nhiều xưởng may gia công, cửa hàng bán lẻ giày dép, quần áo nhưng theo ghi nhận vài năm gần đây, khu vực này dần ế ẩm và hiện đã đóng cửa khá nhiều.
Theo chị Ngô Thu Linh, chủ một xưởng sản xuất giày dép tại đây, nhiều khu ở Tôn Đản trước đây là làng nghề sản xuất giày dép lâu đời, có hẻm cao điểm 30 - 40 hộ làm, mối sỉ và lẻ lấy hàng dồn dập, nhưng giờ ế quá nên nghỉ dần, số hộ còn làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Hàng Trung Quốc bán qua kênh online, offline tràn ngập khắp nơi, loại nào cũng có, vài chục nghìn cũng có được một đôi, mẫu mã ra liên tục. Trong khi chúng tôi chủ yếu là thủ công với giá thành cao hơn, mẫu mã chỉ cơ bản. Thực tế trên khiến chúng tôi phải bỏ đi nghề truyền thống", chị Linh thở dài.
Các cung đường xung quanh khu vực chợ Tân Bình (quận Tân Bình) trước đây vốn là điểm sản xuất, may gia công giày dép, đặc biệt quần áo khá nhộn nhịp, khách sỉ lẻ không ngớt. Tuy nhiên thời điểm này chứng kiến sự vắng lặng hơn hẳn.
Theo bà Đặng Thị Nga, chủ một cơ sở tại đây, các cơ sở gia công thường may cho các công ty là chính, nhưng giờ doanh nghiệp không bán được hàng nên không đặt may nữa. May bán cho khách thì còn tệ hơn vì sỉ và lẻ đều ế.
"Kết nút áo, gắn khóa kéo, may các chi tiết để hoàn thiện quần áo... nói chung rất nhiều việc để làm. Gia công là gần như lấy công làm lời, mỗi sản phẩm chỉ được từ vài trăm đến vài ngàn đồng, nhưng giờ muốn cũng không có để làm", bà Nga nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-11, đại diện Công ty cườm V.T. (Tân Phú) cho biết giờ chỉ còn làm cườm ủi giữ nghề, còn may gia công, đóng cườm đá... đã là câu chuyện của quá khứ.
"Trước đây các công ty giày dép lớn đặt hàng liên tục nhưng khoảng 3 năm nay họ giảm mạnh nhu cầu nên tôi nghỉ luôn. Giờ khó bán nên mấy công ty ít sản xuất dần, khi cần họ nhập hàng thành phẩm từ Trung Quốc về bán luôn rồi".
Phải chấp nhận quy luật cạnh tranh nhưng một số tiểu thương băn khoăn không biết hàng Trung Quốc có đóng thuế, trong khi họ chắc chắn rằng rất nhiều sản phẩm vi phạm quy định khi nhái nhãn mác thương hiệu nên rất dễ bán. Một số cơ sở may chuyển sang may đo nhanh cho khách nhưng cũng mong thị trường cạnh tranh thật công bằng.
Học theo Trung Quốc không dễ
Có thâm niên trong nghề kinh doanh, sản xuất quần áo, giày da hơn 20 năm nhưng ông Đinh Văn Hưng, chủ hộ sản xuất Đinh Đào (TP Thủ Đức), cho biết mỗi năm tham dự cả chục hội chợ tại TP.HCM và các tỉnh để đưa giày, dép da có giá phổ biến 350.000 - 2 triệu đồng/đôi ra bán nhưng hiệu quả khá thấp.
"Giờ ra hội chợ khách chủ yếu tìm mua đôi vài chục ngàn, hoặc cùng lắm 150.000 - 200.000. Dù có tăng khuyến mãi nhưng khách vẫn ngó lơ, có hội chợ 3 ngày nhưng tôi bán được đúng 4 đôi. Lợi nhuận không đủ để trả công nhân viên", ông Hưng nhớ lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cho rằng hàng giá rẻ tại nhiều hội chợ thường là hàng Trung Quốc hoặc gần như các công đoạn sản xuất, phụ liệu đến từ quốc gia này. Tuy nhiên việc làm hàng giá rẻ, chạy theo mẫu mã như hàng Trung Quốc không phải dễ.
Cụ thể theo ông Khánh, Trung Quốc có nguyên liệu tại gốc còn chúng ta phải nhập về, quy mô sản xuất lớn, máy móc ở quốc gia này tự động hóa cao với mỗi giờ có thể cho ra hàng triệu đôi giày, dép giúp giá thành sản xuất gần như thấp nhất thế giới.
"Nhờ bán được hàng số lượng lớn, có thể hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn đôi cho một mẫu nên những doanh nghiệp Trung Quốc luôn tự tin đầu tư sản xuất khuôn mới liên tục, dẫn đến mẫu mã họ luôn đi trước. Chúng ta gần như thua đủ đường", ông Khánh nêu khó.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Huy Thanh, chủ một đơn vị chuyên cung cấp máy móc, vật tư may mặc tại TP.HCM, cho biết da giày chiếm khoảng 40 - 45% chi phí, đế giày khoảng 20 - 25% trong giá thành sản xuất.
Bộ khuôn 5 số làm mẫu đế giày có giá hàng chục triệu đồng nhưng nếu làm ra một mẫu mà khách không ưng, bán không được thì gần như phải bỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc ra khuôn mới để sản xuất mẫu mới, nhờ giá cả cạnh tranh, chính sách bán hàng tốt nên các mẫu này thường dễ bán và thu lãi sớm.
"Nhờ đã có được mức lãi ổn, họ chấp nhận giảm giá thêm cho lượng hàng tồn nếu có để đẩy sang các nước, dẫn đến gần như giá nào họ cũng bán được là vậy", ông Thanh lý giải.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()