Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:12 (GMT +7)
Lặng lẽ đóng góp cho đời
Thứ 2, 19/07/2021 | 12:37:09 [GMT +7] A A
Không quản nắng gió, chẳng kể ngày hay đêm, họ vẫn cần mẫn vì cuộc sống của mọi người. Đó là những công nhân kỹ thuật, những người lao công hằng ngày vất vả, mang lại cho nhân dân nguồn nước mát, ánh điện sáng và những con đường sạch đẹp...
Mang nước sạch đến mọi nhà
Chúng tôi có mặt tại công trường thi công đường ống cấp nước sạch ở phường Mông Dương, TP Cẩm Phả một ngày hè nắng chói chang. Cái nóng oi nồng không làm giảm đi không khí khẩn trương thi công của công nhân ngành nước. Họ căng mình để hoàn thành công việc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và địa hình đồi núi khó khăn.
Thời tiết hè nắng nóng khiến cho những công nhân làm việc ngoài trời rất vất vả. Vừa tắt nắng chiều gay gắt, cơn mưa rào lại bất chợt ập tới, khiến cho đoạn đường đang đào bới thi công ống cấp nước sạch tại Mông Dương trở nên lầy lội, sạt lở, gây cản trở cho công nhân trong quá trình vận chuyển và lắp đặt đường ống nước.
Mỗi đoạn ống nước có đường kính hơn 30cm, nặng hàng trăm kg, thường phải có máy móc hỗ trợ để di chuyển đến khu vực đặt ống. Thế nhưng trên những địa hình phức tạp, máy cẩu, máy xúc không vào được thì buộc phải dùng sức người để vận chuyển. Công việc của người công nhân vì vậy càng thêm nặng nhọc. “Có những khi thi công mối hàn xong thì trời đã tối, nhưng anh em vẫn cố rải ống để còn san lấp mặt bằng.” - Anh Trương Quốc Khánh, công nhân Xí nghiệp nước Bãi Cháy, chia sẻ.
Để đem lại nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, công nhân ngành nước cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Có những sự cố đường ống nước nằm sâu dưới lòng đất, công nhân buộc phải trực tiếp kiểm tra, đục phá, để tìm chỗ hư hỏng, kịp thời ngăn chặn nước thất thoát.
Ông Bùi Quang Nga, Phó Giám đốc Nhà máy nước Diễn Vọng (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh), cho biết: Việc xử lý sự cố diễn ra bất cứ lúc nào. Công ty đặt ra yêu cầu về thời gian, đối với sự cố nhỏ phải xử lý trong vòng 1 giờ đồng hồ; với những sự cố lớn sẽ phối hợp với các ban, ngành, xử lý trong 2-3 giờ, để không ảnh hưởng đến quá trình cấp nước phục vụ nhân dân.
Nhờ sự nỗ lực của ngành nước, hiện 11/13 địa phương trong tỉnh (trừ Bình Liêu, Cô Tô) người dân đã được sử dụng nước sạch. Nếu như năm 2010, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch chỉ đạt gần 29%, tỷ lệ người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%, thì sau 10 năm, con số này đã tăng lần lượt là 53% và 98,3%. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những công nhân ngành nước ngày đêm miệt mài phục vụ nhân dân..
Thắp sáng những vùng miền
Vất vả không kém, thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro rình rập, chỉ cần một sơ suất dù là nhỏ cũng nguy hiểm đến tính mạng, đó chính là công việc của công nhân ngành điện.
Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn, chia sẻ: Vào thời điểm nắng nóng, các thiết bị trên lưới dễ hỏng hóc, nên cán bộ, công nhân luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, bất kể giờ nào trong ngày, hễ có sự cố mất điện cục bộ, khách hàng gọi là anh em lập tức lên đường.
Điển hình như ở huyện Vân Đồn, đặc thù địa phương có nhiều xã đảo, đồi núi, có những khu vực không có sóng điện thoại như thôn Đài Van (xã Đài Xuyên), nên việc vận chuyển trang thiết bị, cột điện, đường ống hết sức khó khăn.
“Ở những xã đảo, nhiều khi mưa bão gây ra sự cố, cả mấy trăm hộ dân không có điện dùng suốt cả đêm, thế nhưng chúng tôi không thể ra sửa chữa ngay vì bị cấm tàu, hoặc không phải giờ tàu chạy. Việc xử lý sự cố ở tuyến đảo khó khăn hơn rất nhiều so với trên đất liền” - Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn Dương Thanh Bình cho biết thêm.
Trong mùa nắng nóng, thường xuyên phải chuyển, dồn pha, nâng máy biến áp để đảm bảo nhu cầu cao đột biến của người dân, nên công nhân ngành điện hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần. Công việc đa phần là đột xuất, không nằm trong kế hoạch, nên cũng vô cùng vất vả. Có những khi họ phải "phơi" mình trên lưới điện ở những khu vực rừng núi heo hút, hẻo lánh để khắc phục sớm nhất sự cố lưới điện, vì thế việc ăn "cơm bờ, ngủ bụi" là chuyện thường xuyên.
Cho đến nay, 100% thôn, bản từ thành thị đến miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đều đã có điện lưới thắp sáng. Từ những con đường làng, những góc nhà suốt dọc chiều dài tỉnh, hay ở đảo tiền tiêu xa xôi như ở Cô Tô, Hải Hà… đều đã sáng rực đèn mỗi khi đêm xuống. Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất ở miền Bắc hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng điện thường xuyên, ổn định. Đó là thành quả từ những dấu chân không mỏi, những giọt mồ hôi, những đêm không ngủ của người công nhân ngành điện. Họ xứng đáng được tôn vinh!
Thầm lặng trên những tuyến đường
Nếu như điện, nước là những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống sinh hoạt của con người, thì việc vệ sinh môi trường cũng là một trong những công việc đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên. Chính vì thế, vai trò của những người lao công cũng vô cùng quan trọng.
Gắn bó với nghề lao công đã 23 năm, bà Vũ Thị An, Đội trưởng Đội vệ sinh Ka Long (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Móng Cái) chưa khi nào có ý định rời bỏ công việc.
“Nhiều người hỏi tôi sao không tìm công việc khác cho đỡ vất vả, những lúc ấy tôi chỉ cười, bởi nếu nói yêu nghề này, có lẽ nhiều người sẽ chẳng tin được. Công việc thì vất vả, nhưng làm lâu cũng quen, hơn nữa, bản thân tôi cảm thấy vui vì mình đã đóng góp công sức nhỏ bé để làm sạch, đẹp phố phường.” - Bà An tâm sự.
Cũng theo bà An, trước đây dọc đường không có thùng rác công cộng, người dân vứt rác không theo giờ giấc, bạ đâu vứt đó. Như năm 2001, có một lao công bị người dân đứng từ trên tầng ném rác xuống trúng vào đầu, phải đi cấp cứu. Dù biết nghề cũng có những vất vả, hiểm nguy, thế nhưng những người là lao công vẫn vui vẻ cống hiến, gắn bó với công việc này nhiều năm.
Công nhân môi trường phải làm việc trong môi trường bẩn thỉu, ô nhiễm, khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Song nỗi sợ của họ không phải là sự vất vả, nặng nhọc, mà chính là làm đêm, nguy cơ tai nạn giao thông hoặc là nạn nhân của tệ nạn xã hội nếu gặp phải các đối tượng nguy hiểm. Đặc biệt, ở những địa bàn thành thị như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái... nơi tập trung đông người, rác thải sinh hoạt trở thành một trong những áp lực cho phát triển đô thị, công việc của những người lao công càng trở nên nặng nhọc hơn nhiều. Có những khi phải làm việc xuyên đêm, nhất là trước, trong và sau những dịp lễ, tết... thế nhưng, họ vẫn miệt mài thầm lặng hoàn thành công việc của mình.
Để có nguồn nước sạch, ánh điện thắp sáng muôn nơi và những con đường sạch đẹp... tất cả đều có bóng dáng, dấu chân, những giọt mồ hôi của người công nhân ngành điện, nước, môi trường. Vất vả, nặng nhọc là thế, nhưng việc ý thức được trọng trách lớn lao trong công việc của mình chính là động lực thôi thúc họ vượt qua những trở ngại để tiếp tục cống hiến, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Khánh Nam - Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()