Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Lan tỏa tình yêu môn Lịch sử ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 16/04/2023 | 14:32:28 [GMT +7] A A
“Chúng em thích vì biết cụ thể về lịch sử tỉnh nhà, ngành than, các làng nghề truyền thống, các câu chuyện về Bảo vật quốc gia", "Chúng em thích học vì cô có giọng nói dễ nghe, dễ hiểu”… Đó là một số chia sẻ của học sinh lớp 6, Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) về các hướng dẫn viên kiêm “cô giáo” không chuyên trong chuyến học tập thực tế tại Bảo tàng Quảng Ninh cuối tháng 3/2023. Đó cũng là cách làm hay, những gợi mở trong việc khơi dậy tình yêu môn Lịch sử ở Bảo tàng Quảng Ninh.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hoạt động này, ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Hiện Bảo tàng tỉnh có hơn 30.000 hiện vật, nhiều bộ sưu tập có giá trị, trong đó có 5 sưu tập hiện vật đặc trưng của Quảng Ninh đã hoàn thiện hồ sơ khoa học và 12 Bảo vật quốc gia. Qua những bài giới thiệu công phu cùng các hình thức số hóa, đây trở thành kho tư liệu lịch sử khổng lồ, sống động mà chúng tôi mong muốn mang tới và khơi dậy tình yêu môn Lịch sử cho học sinh.
Phát huy lợi thế này, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh sáng tạo nhiều cách làm, không gian học tập môn Lịch sử sinh động, hấp dẫn cho học sinh. Trước hết là chương trình "Giờ học lịch sử online" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khởi động từ năm 2020 trước tác động bởi dịch Covid-19. Được sự giúp đỡ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh đã tổ chức chương trình “Giờ sử online” qua phần mềm Zoom.
Theo đó, với thời lượng khoảng 60 phút, các em học sinh được tìm hiểu về những di sản văn hóa, nhân vật lịch sử tiêu biểu gắn với mảnh đất Quảng Ninh. Để dễ tiếp cận, giảm các thông tin, số liệu khô khan, chương trình được dàn dựng, thiết kế kết hợp với công nghệ số để thu hút sự quan tâm của học sinh, dễ tiếp thu kiến thức lịch sử địa phương.
Không chỉ lôi cuốn học sinh từ những câu chuyện, slide thuyết trình công phu, "Giờ sử online" thổi niềm đam mê môn Lịch sử cho học sinh qua những minh họa bằng hình ảnh, phim hoạt hình, thước phim tư liệu, cũng như những trò chơi được linh hoạt lồng ghép. Giữa các nội dung bài giảng đều có xen kẽ câu hỏi tương tác để tạo không khí sôi động, phấn khích khi học sinh tiếp nhận thông tin từ bài giảng.
Chương trình này đã chứng minh được sự hấp dẫn khi thực hiện tổ chức được hơn 30 lớp, thu hút sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh và đặc biệt là học sinh. Cho tới nay, cách làm phù hợp trong đại dịch Covid-19 này tiếp tục được sáng tạo, sử dụng nhằm rút ngắn khoảng cách học môn Lịch sử cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Ngoài học online, gây tiếng vang gần đây là chương trình CLB Em yêu lịch sử của Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau bài học, kiến thức lịch sử trên lớp, bảo tàng đóng vai trò là điểm đến tham quan, thực tế, tái hiện sinh động bài học Lịch sử bằng chính những hiện vật, sự kiện, câu chuyện thực.
Sau khi tham quan trưng bày theo chủ đề đã được học, các em còn được tham gia các hoạt động tìm hiểu lịch sử để hệ thống lại những kiến thức mà các em vừa lĩnh hội. Đặc biệt, học sinh còn được tham gia các hoạt động thể chất vui nhộn, nội dung gắn với từng chủ đề; các hoạt động, trò chơi mang tính giao lưu, như hỏi - đáp, thuyết trình, hùng biện, biểu diễn văn nghệ…
"Đây là hình thức học mà chơi, chơi mà học, nên đã tạo được sự thích thú cho học sinh. Hơn nữa, quá trình tham quan có trọng tâm đã giúp học sinh lắng nghe, ghi nhớ, qua đó hiểu sâu sắc hơn những mốc lịch sử quan trọng, các sự kiện, hiện vật tiêu biểu, từ đó hình thành ý thức tự tìm tòi, tâm lý muốn hiểu hệ thống hiện vật cũng như các sự kiện lịch sử tái hiện sinh động ở bảo tàng" - cô giáo Lê Thị Thúy, phụ trách nhóm học sinh khối 6, Trường THCS Trọng Điểm, chia sẻ.
Để tạo điều kiện, Bảo tàng tỉnh miễn phí hoàn toàn cho học sinh tham gia CLB tới tham quan, học tập. Ngoài ra, thời gian qua Bảo tàng cũng tiến hành số hóa mạnh mẽ, triển khai bảo tàng ảo, sử dụng hệ thống máy chiếu thông minh… nhằm tăng sức hấp dẫn đối với học sinh tham quan tìm hiểu.
“Để đa dạng hóa, sinh động hơn cho giờ học Lịch sử của học sinh, thời gian tới Bảo tàng tỉnh sẽ hướng các hoạt động sang khu vực Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, nơi có không gian rộng, thoáng với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, trong các lớp, CLB học Lịch sử sẽ có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế thú vị, như: Làm thủ công mỹ nghệ, làm gốm, tạc than đá... đồng thời tăng cường số hóa bảo tàng để thu hút sự tò mò khám phá, tìm hiểu hơn nữa của học sinh" - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đỗ Quyết Tiến chia sẻ về định hướng thời gian tới.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()