Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:14 (GMT +7)
Lan tỏa thói quen tiêu dùng văn minh với chương trình "Hóa đơn may mắn"
Thứ 3, 29/11/2022 | 14:05:42 [GMT +7] A A
Thực tế hiện nay vẫn còn phần lớn người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng cá nhân, không có thói quen lấy và lưu giữ hóa đơn, việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Do đó, từ cuối tháng 8/2022, Cục Thuế tỉnh đã triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” với mục tiêu khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ để tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, cũng như tăng cường quản lý, tránh thất thu ngân sách.
Theo quy định, tất cả mọi người dân đều có cơ hội trúng thưởng của chương trình “Hóa đơn may mắn” khi mua hàng hóa, dịch vụ có lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm cả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền). Hóa đơn được tham gia chương trình không bao gồm: Hóa đơn đã hủy, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế, hóa đơn có thông tin mã số thuế người bán và người mua trùng nhau. Mỗi hóa đơn đưa vào lựa chọn một lần duy nhất. “Hóa đơn may mắn” là hóa đơn được lựa chọn ngẫu nhiên trên phần mềm bấm số “Hóa đơn may mắn” của Tổng cục Thuế do Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh thực hiện.
Việc bấm số “Hóa đơn may mắn” sẽ được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng giám sát do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập đảm bảo việc lựa chọn hóa đơn trúng thưởng khách quan, công khai, minh bạch. Chi tiết thể lệ chương trình, mức thưởng, người trúng giải... được Cục Thuế Quảng Ninh công bố trên website ngành (http://quangninh.gdt.gov.vn) và trên các kênh thông tin đại chúng. Đến thời điểm này, Hội đồng giám sát chương trình “Hóa đơn may mắn” của tỉnh đã trao giải hóa đơn may mắn quý trong quý II và III/2022. Mỗi quý đều có 29 giải bao gồm: 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng; 3 giải nhì, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải ba, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và 20 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng. Tổng giá trị các giải thưởng là 80 triệu đồng.
Ông Vũ Văn Cam (huyện Hải Hà), một trong những người may mắn trúng giải của chương trình cho biết: Trước đây, đi mua hàng tôi thường không lấy hóa đơn nhưng từ khi chương trình “Hóa đơn may mắn” được triển khai, tôi đã yêu cầu chủ các cửa hàng xuất hóa đơn. May mắn là tôi đã được trúng giải nhất của chương trình. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sau khi có thói quen mới này, tôi nhận thấy việc lấy hóa đơn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chính người tiêu dùng khi quyền lợi được bảo vệ tối đa nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng, giá cả của hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục sử dụng hóa đơn trong mọi hoạt động giao dịch và tuyên truyền đến người dân địa phương về chương trình để mọi người cùng hưởng ứng tham gia.
Có thể thấy, chương trình “Hóa đơn may mắn” đang từng bước hình thành những thói quen mới trong với việc giúp người dân yêu cầu người bán lập và trả hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Điều này cũng vừa thúc đẩy người bán chấp hành tốt pháp luật thuế vừa giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh lập hóa đơn bán hàng có cơ hội được giới thiệu, quảng bá hình ảnh khi người mua hàng may mắn nhận được giải thưởng. Từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn, góp phần tăng doanh thu bán hàng.
Việc thiết lập thói quen người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ tạo lập được môi trường tiêu dùng văn minh, góp phần tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, đồng thời tránh thất thu ngân sách nhà nước, góp phần hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế.
Để việc lấy hóa đơn điện tử có mã số thuế của người dân khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thuận tiện, dễ dàng, Cục Thuế tỉnh cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp hóa đơn điện tử (VNPT Quảng Ninh, Mobifone Quảng Ninh...) để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Hiện nay dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền đã sẵn sàng đáp ứng triển khai cho khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, logistics, xăng dầu, bưu chính, dịch vụ ăn uống, các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán thuốc tân dược, cửa hàng tiện lợi... Những hóa đơn điện tử này cũng được kết nối đồng bộ với phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm kế toán, phần mềm hộ kinh doanh của các nhà cung cấp khác theo đúng tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với các trường hợp người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ mà gặp khó khăn trong việc lấy hóa đơn hoặc người bán từ chối cung cấp hóa đơn thì người mua hàng có thể phản ánh thông tin đến cơ quan Thuế để được hỗ trợ giải quyết nhanh nhất.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()