Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:45 (GMT +7)
Lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng
Thứ 7, 14/08/2021 | 13:04:57 [GMT +7] A A
Phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần không nhỏ trong phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" (được phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Tỷ lệ các trường học có thư viện tăng đáng kể với 553/631 trường học hoàn thành tiêu chí về thư viện theo quy định của Bộ GD&ĐT, đạt chuẩn quốc gia.
Các nhà trường chủ động bố trí không gian đọc phù hợp với điều kiện thực tế, gồm nhiều loại hình, như: Thư viện xanh tại vườn trường, thư viện lớp học, tủ sách di động, tủ sách dùng chung... với hệ thống sách, báo đa dạng. Phong trào đọc sách, văn hóa đọc được thúc đẩy trong mỗi nhà trường, giúp học sinh thuận tiện hơn trong tự học tập, khám phá tri thức. Sở GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác thư viện của các trường, bao gồm củng cố đội ngũ nhân viên, cộng tác viên thư viện, đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần tích cực giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tại những địa bàn vùng cao, vùng xa của tỉnh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các hoạt động phát triển phong trào đọc sách tại cơ sở luôn được quan tâm. Hằng năm, Thư viện tỉnh đã tổ chức luân chuyển, trao tặng sách tại các địa bàn. Ông Phạm Văn Triển, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã tặng trên 5.000 bản sách cho Trường TH-THCS Đồng Lâm (TP Hạ Long), Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ... Qua đó nhằm hỗ trợ các trường học vùng khó hình thành được tủ sách, thư viện có đầu sách phong phú, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nguồn sách trao tặng được đơn vị vận động từ các nhà xuất bản, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các tác giả trong và ngoài tỉnh, những mạnh thường quân đồng thời là bạn đọc thân thiết của Thư viện... tham gia ủng hộ.
Góp phần cổ vũ mạnh mẽ văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hoạt động, hội thi sôi nổi, thiết thực được triển khai hằng năm. Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), như: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, thi “Giọng đọc truyền cảm hứng”, hùng biện “Cuốn sách em yêu”, hùng biện "Tác phẩm tiêu biểu viết về Quảng Ninh”... Một số sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện theo sách, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, như: "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" của Tỉnh Đoàn; thi đọc sách, giới thiệu về lịch sử quê hương Đông Triều; "Kể chuyện theo sách" tại các trường TH, THCS, THPT của TP Hạ Long; hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời...
Ngày 2/8/2021, Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 2223/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Bộ VH,TT&DL giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tại Quảng Ninh, tiếp tục thực hiện tốt Đề án này sẽ góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, hình thành lối sống lành mạnh trong cộng đồng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào nhiệm vụ "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" theo Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) của Tỉnh ủy.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ VH,TT&DL sẽ tập trung đề xuất hoàn thiện thể chế; xây dựng mô hình phát triển văn hóa đọc; biên soạn tài liệu; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa đọc; tuyên truyền phát triển văn hóa đọc; hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa đọc; sơ kết, tổng kết Đề án... Các yêu cầu đặt ra: Kế thừa những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án của giai đoạn 2017-2020; bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội; gắn việc phát triển văn hóa đọc với triển khai các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có liên quan và gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()