Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:38 (GMT +7)
Lan tỏa hình ảnh Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng
Thứ 6, 30/12/2022 | 07:00:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh đã thay đổi từ tư duy đến cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư cũng như các chính sách... Đặc biệt lãnh đạo tỉnh luôn coi hiệu quả của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh, giải quyết triệt để những vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hình ảnh Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng.
Nỗ lực ghi điểm trong mắt nhà đầu tư
Nằm ở phía Đông Bắc của đất nước, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN; có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng những đặc sắc “có một, không hai” của Vịnh Bái Tử Long và mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn. Quảng Ninh cũng được biết đến là tỉnh có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”; có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí)...
Đặc biệt, con người Quảng Ninh với ý chí tự lực, tự cường được chuyển hóa thành ý chí, quyết tâm, khát vọng mãnh liệt về phát triển, trong đó ý chí của đội ngũ cán bộ lãnh đạo có vai trò dẫn dắt, định hướng và lan tỏa. Đến nay qua thời gian đã định hình rõ văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, làm cho tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành bổn phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng độ tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Chính bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Quảng Ninh 5 năm liền (2017-2021) giữ vị trí quán quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 9 năm liên tiếp (2013-2021) đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 4 năm liên tiếp (2017-2020) đứng đầu cả nước... Đặc biệt, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả, như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care... Song hành với đó, chính quyền địa phương luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững.
Đó là lý do đưa Quảng Ninh trở thành một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Hàng loạt tên tuổi lớn, như Sun Group, Vingroup, Texhong, Foxconn, Amata, DEEP C, Jinko... đã tìm đến đây và góp phần quan trọng thay đổi diện mạo, mang đến sự phát triển thần tốc cho Quảng Ninh. Vùng đất địa đầu Tổ quốc đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Đặc biệt, trong vòng 10 năm trở lại đây, kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế năm 2012, Quảng Ninh đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, nhất là giới đầu tư quốc tế. Kinh tế tăng trưởng cao, hạ tầng giao thông ngày được hoàn thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp đang được đầu tư đồng bộ, tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo tỉnh... là các nguyên nhân cơ bản khiến Quảng Ninh trở nên hấp dẫn.
Tại Kỳ họp thường niên lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III, tháng 7/2022), ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nói: Chúng tôi đã được chứng kiến sự vào cuộc, chỉ đạo rất sâu sát của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đó, VCCI với tư cách đơn vị đăng cai cùng với Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ mà Thường trực Ban Bí thư giao. Ấn tượng của Hạ Long, Quảng Ninh để lại trong lòng các đại biểu, doanh nghiệp APEC rất sâu sắc. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp APEC sau đây sẽ quay lại Hạ Long và sẽ khám phá không chỉ vẻ đẹp của Hạ Long, Quảng Ninh, mà còn tham gia đóng góp cho sự phát triển của Quảng Ninh thông qua những dự án đầu tư, xây dựng kinh tế tỉnh nhà.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 153 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 10,33 tỷ USD của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) có 80 dự án; tiếp đến là Hàn Quốc có 12 dự án; Mỹ có 5 dự án... Một ngân khoản không nhỏ cũng được các nhà đầu tư trong nước đổ vào Quảng Ninh. Rất nhiều tên tuổi lớn đã chọn Quảng Ninh là điểm đến. Nhờ linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư, số lượng các nhà đầu tư FDI đến nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh trong năm 2022 tăng hơn 70% so với năm 2021. Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp tiêu biểu hiện đang quan tâm nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh, như: LG, Hyosung (Hàn Quốc); Autoliv (Thụy Điển), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản)...
“Lý do chúng tôi chọn đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà là vì cơ chế thu hút nhà đầu tư, môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, an toàn, hấp dẫn của Quảng Ninh. Chúng tôi được đáp ứng các nhu cầu về giao thông, điện, nước, hạ tầng cũng rất thuận lợi”, ông Gu Yong Wang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam, nói.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, thì chia sẻ rằng: DEEP C nhận thấy Quảng Ninh có những lợi thế rất riêng mà không một địa phương nào có được.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Quảng Ninh đang trở thành điểm đến của đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tăng trưởng kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Quảng Ninh đang là hình mẫu cho cả nước trong việc huy động nguồn lực chuyển hướng phát triển nền kinh tế từ nâu sang xanh...
Không ngừng gia tăng những giá trị mới
Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước...; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian tới tỉnh xác định tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội. Bởi vậy, bên cạnh nguồn lực nhà nước, tỉnh sẽ khai thác tối đa nguồn lực ngoài nhà nước. Theo đó Quảng Ninh sẽ ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó là các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh, như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trung tâm đổi mới sáng tạo...
Để có thể thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới, Quảng Ninh cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh. Chia sẻ về nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Với phương châm thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, Quảng Ninh cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những thành công. Trước mắt, trong năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt sẽ kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; nắm chắc tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Song song với đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư phát triển. Tỉnh cũng sẽ rà soát thường xuyên, đánh giá hiện trạng từng KCN, KKT trên địa bàn tỉnh về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, dự án đầu tư, môi trường, lao động, hạ tầng xã hội, đảm bảo ANTT, hiệu quả kinh tế - xã hội... để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh sẽ nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định. Đặc biệt sẽ trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua các kênh phản hồi, phiếu điều tra, khảo sát tính thực chất cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương phải nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các phản ánh của doanh nghiệp, để có hướng giải quyết thỏa đáng và từ đó nâng cao hiệu quả quản lý ngành mình...
Không chỉ lắng nghe, tỉnh còn thể hiện rõ sự cầu thị thông qua các hành động cụ thể với phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Bởi vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đánh giá, dù bối cảnh cực kỳ khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng Quảng Ninh luôn là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT: "Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh"
Bám sát các chủ trương, định hướng của trung ương và tỉnh, thời gian qua công tác cải thiện môi trường, thu hút đầu tư tại Quảng Ninh tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa nội dung này, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề tiên quyết của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo là phải tạo dựng được quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho các KCN, KKT; xây dựng cơ chế chính sách phát triển một số ngành kinh tế nhiều tiềm năng, như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế biển... Đồng thời luôn cam kết tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh: “Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Ban và các sở, ngành chức năng trong nhiệm vụ thu hút đầu tư”
Ban hiện là đầu mối quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, được tỉnh trực tiếp giao giải quyết các TTHC liên quan đến đầu tư vào KCN, KKT từ khi nhà đầu tư nghiên cứu đến khi thực hiện các thủ tục để đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng kết quả thu hút đầu tư của tỉnh chưa đạt được kỳ vọng đặt ra, ngoài những nguyên nhân khách quan vẫn có một phần trách nhiệm của Ban Quản lý KKT tỉnh.
Thời gian tới, Ban sẽ tham mưu tỉnh để đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn, quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng cùng với trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp chất lượng, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực tế; nghiên cứu và để xuất các giải pháp nhằm kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, như công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao... Ban sẽ nỗ lực làm tốt hơn công tác hỗ trợ các nhà đầu tư trong các khâu trọng yếu, như thủ tục đầu tư ban đầu; thủ tục về môi trường, xây dựng, PCCC; nhập khẩu máy móc, tuyển dụng, đào tạo công nhân lao động...
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI: “Cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn nữa về Quảng Ninh”
Nhìn vào kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh trong những năm qua có thể nhận thấy tỉnh đã xây dựng và giữ được một hình mẫu chính quyền năng động, tiên phong, với chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành và địa phương được ghi nhận tốt. Đặc biệt, cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá Quảng Ninh rất cao ở những tiêu chí trọng tâm, như cách ứng phó của tỉnh về khủng hoảng an ninh phi truyền thống; thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn và quy trình được đơn giản hóa; ít phát sinh chi phí không chính thức trong TTHC, trong thanh kiểm tra, đấu thầu và giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, khi càng ở vị trí cao, Quảng Ninh sẽ càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm ra, khắc phục hạn chế, vướng mắc và khai thác các dư địa. Trong đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng tỉnh sẽ cải thiện được hơn nữa tính minh bạch và tiếp cận thông tin và sự nhất quán trong thực thi chính sách, đặc biệt là thông tin về thủ tục đất đai, tiếp cận quỹ đất sạch, TTHC và giấy phép kinh doanh, hay sự quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng tại địa phương...
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu DDCI, Công ty CP Viet Analytics, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: "Xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Quảng Ninh gắn với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch"
Ở góc độ là một chuyên gia đã nhiều năm theo dõi tỉnh Quảng Ninh thực hiện các đột phá chiến lược, đặc biệt là trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tôi nhận thấy mục tiêu hàng đầu mà Quảng Ninh đã kiên trì theo đuổi và quyết tâm thực hiện tốt thời gian qua là không ngừng nâng cao chất lượng công tác cải cách và tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, SXKD của doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã hiện thực hóa rất rõ quyết tâm đó khi triển khai bộ chỉ số DDCI ngày càng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và ngày càng bám sát các chỉ số thành phần của bộ chỉ số PCI. Qua đó góp phần tạo sự cạnh tranh, thi đua giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thu hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Quảng Ninh gắn với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long: “Amata sẽ nỗ lực hơn nữa để đồng hành với tỉnh trong công tác thu hút đầu tư.”
KCN Sông Khoai do Amata đầu tư xây dựng trên diện tích 714ha, được triển khai theo 5 giai đoạn. Chúng tôi đã hoàn thiện xong giai đoạn 1 và đã có 3 dự án đầu tư thứ cấp vào KCN, tổng diện tích gần 100ha. Trong năm 2022 có khoảng 10 nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu cam kết sẽ ký hợp đồng thuê đất để thực hiện các dự án SXKD. Những kết quả này, trước hết là nhờ những tiềm năng to lớn, giá trị nổi trội của tỉnh về nhiều mặt như hạ tầng giao thông, KHKT, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Điều quan trọng nhất chính là sự đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, chung tay của lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền, cùng cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Với những điều kiện thuận lợi đã nhận được, đặc biệt là sự quan tâm, đồng hành của tỉnh, thời gian tới Amata sẽ nỗ lực hơn, đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của KCN Sông Khoai, tạo mọi điều kiện tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh.
Hoài Anh - Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()