Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:18 (GMT +7)
Làn sóng lây nhiễm Omicron tại Singapore đạt đỉnh, WHO cảnh báo virus COVID-19 tiếp tục biến đổi
Thứ 6, 11/03/2022 | 09:39:40 [GMT +7] A A
Đến sáng 11/3, thế giới có trên 452,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,047 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,07 triệu ca mắc và hơn 990.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 13.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đa số các chuyên gia đều nhận định rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 đang gần kết thúc. Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại một số bang của Mỹ vẫn còn ở mức tương đối cao như Kentucky và Idaho, nhưng nhiều bang đã dần nới lỏng các biện pháp chống dịch. Một số bang như California, Oregon và Washington đã loại bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học, trong khi các thành phố New York và Minneapolis không còn yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận tiêm vaccine.
Nhà Trắng đã cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" đối với công tác ứng phó đại dịch COVID-19, sau khi Quốc hội Mỹ cắt kinh phí ứng phó đại dịch trong gói tài trợ của Chính phủ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng, nếu không có kinh phí bổ sung, năng suất xét nghiệm sẽ bắt đầu giảm trong tháng 3 và có thể sẽ mất nhiều tháng để khởi động nếu một biến thể mới xuất hiện gây ra một đợt bùng phát mới.
Theo dự tính, vào tháng 5 tới, nguồn cung các liệu pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng sẽ cạn kiệt. Tiếp đó, vào tháng 9, nguồn cung các loại thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer cũng không còn. Nhà Trắng trước đó đã lưu ý rằng cần đặt hàng sớm các liệu pháp và thuốc điều trị này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,98 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 515.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 653.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,19 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Số ca mắc COVID-19 mới tại xứ England của Anh đang gia tăng "đáng quan ngại" ở nhóm người trên 55 tuổi. Nghiên cứu do trường Cao đẳng Hoàng gia London thực hiện cho thấy, trong khi tỷ lệ nhiễm ở nhóm người dưới 17 tuổi và nhóm 18 - 54 tuổi giảm, tỷ lệ nhiễm ở nhóm từ 55 tuổi trở lên lại tăng. Nguyên nhân được xác định là do tiếp xúc xã hội gia tăng sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.
Hiện dòng phụ BA.2 của Omicron hay còn gọi "Omicron tàng hình" đã thay thế biến thể gốc BA.1 trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Anh. "Omicron tàng hình" dường như có khả năng dễ lây nhiễm hơn và điều này sẽ khiến làn sóng dịch bệnh do Omicron tại Anh kéo dài hơn.
Tại Australia, số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh ở bang Tây Australia (WA) trong bối cảnh giới chức y tế bang này cho biết, đỉnh dịch dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này. Chính quyền bang Tây Australia ngày 10/3 ghi nhận 4.535 ca mới trong vòng 24 giờ tính đến 20h ngày 9/3 (giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên số ca mắc hàng ngày vượt quá 4.000 ca và tăng hơn 25% so với một ngày trước.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến nay, bang trên đã có 34.250 ca mắc, trong đó hơn một nửa số ca được phát hiện trong 7 ngày qua sau khi bang Tây Australia mở cửa biên giới ngày 3/3.
Giới chức y tế bang New South Wales cảnh báo, số ca mắc COVID-19 ở bang này có thể tăng gấp đôi trong vòng vài tuần tới do một biến thể phụ của chủng Omicron ("Omicron tàng hình") lây lan nhanh.
Chính phủ Canada đang dần tiến đến việc xem COVID-19 như là một bệnh đặc hữu nhờ vào hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine. Canada đang dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế trong phòng chống dịch COVID-19 trên khắp cả nước, trong đó tỉnh Ontario đã bỏ quy định về "hộ chiếu vaccine" từ ngày 1/3 và tỉnh Quebec sẽ chấm dứt quy định tương tự từ ngày 14/3.
Tình hình dịch COVID-19 tại Canada dường như đã đạt đến tình trạng mà nước này có thể bắt đầu coi đây như một dạng bệnh cúm hay một căn bệnh đặc hữu và không cần các biện pháp phòng chống đặc biệt. Canada đạt được kết quả trên phần lớn nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao. Đại đa số người dân Canada đã hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng của Chính phủ. Các loại thuốc điều trị mới cũng giúp nhiều người không phải nhập viện điều trị.
Trong trường hợp Chính phủ Canada coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu, căn bệnh này vẫn có thể là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước này. Điều này phụ thuộc vào quá trình tiếp tục tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người dân Canada, nhất là người cao tuổi và trung niên. Vì vậy, Chính phủ Canada đang chuẩn bị các chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hàng năm, thúc giục những người chưa tiêm chủng đi tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích tiêm mũi tăng cường đối với những người đã tiêm đủ liều cơ bản, đặc biệt là người lớn tuổi.
Từ ngày 20/3, Đức sẽ gỡ bỏ hầu hết quy định phòng chống dịch COVID-19 và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và xét nghiệm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện. Tuy nhiên, mỗi bang vẫn có thể áp đặt "các biện pháp điểm nóng" trong một số điều kiện nhất định như số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh hoặc nếu một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện.
Mặc dù vậy, để tái áp đặt các biện pháp này, nghị viện các bang phải bỏ phiếu và phạm vi điểm nóng phải được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các quy định mới dự kiến chỉ áp đặt cho đến ngày 23/9, thời điểm dự báo có thể xảy ra làn sóng lây nhiễm mới vào mùa thu.
Viện Robert Koch (RKI) ngày 10/3 công bố số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 111 ca tử vong và 181.295 ca mắc mới. Theo giới chức y tế Đức, con số thực tế có thể còn cao hơn do nhiều trung tâm xét nghiệm của Đức hoạt động với công suất hạn chế.
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron ở Singapore hiện đã lên đến đỉnh điểm, bằng chứng là số ca mắc mới đang bắt đầu giảm dần. Theo thống kê, ngày 8/3, số ca mắc mới tại Singapore là khoảng 22.000 người, so với khoảng 26.000 người hai tuần trước đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore cho rằng các phòng khám đa khoa, bệnh viện và nhân viên y tế vẫn đang phải chịu áp lực do làn sóng Omicron gây ra. Phần lớn áp lực này đến từ những người vẫn chưa được tiêm chủng.
Ước tính, 3% dân số trưởng thành của Singapore không tiêm chủng đầy đủ, chiếm 25% các trường hợp phải điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong.
Ngoài "thiên đường nghỉ dưỡng" Bali, chính quyền Indonesia vừa cho phép hai đảo Bintan và Batam của tỉnh quần đảo Riau áp dụng quy định miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách quốc tế. Indonesia đã áp dụng chính sách thị thực đặc biệt cho khách quốc tế từ 23 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thông tư của Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 nêu rõ, du khách có thể nhập cảnh vào hai hòn đảo trên qua sân bay Hang Nadim ở Batam, cảng Batam, sân bay Raja Haji Fisabilillah ở Tanjung Pinang, cảng Bintan, và cảng Tanjung Pinang. Để đủ điều kiện miễn cách ly, du khách quốc tế phải có chứng chỉ đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện 48 giờ trước khi khởi hành.
Ngoài ra, du khách nước ngoài cũng phải có thị thực hợp lệ và xuất trình bằng chứng đã thanh toán cho tour du lịch hoặc tiền phòng khách sạn, đồng thời phải có bảo hiểm y tế để điều trị COVID-19. Khách du lịch sẽ phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến và một lần khác vào ngày thứ ba. Nếu kết quả âm tính, họ có thể di chuyển đến tất cả các tỉnh thành khác trên cả nước.
Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7. Kế hoạch trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.
Các quan chức y tế Thái Lan dự báo, số ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 tới, và sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5 dù số ca bệnh vẫn sẽ ở mức cao. Trong giai đoạn thứ ba, từ cuối tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc mới hàng ngày được dự báo sẽ giảm đáng kể xuống còn khoảng 1.000 đến 2.000 ca trước khi đất nước bước vào giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7 trở đi. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng, để đạt được đến giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỷ lệ này là gần 0,2%.
Trung Quốc đã ghi nhận thêm 402 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vào ngày 9/3, tăng gấp gần 2 lần số ca mắc mới của ngày trước đó. Trong số các ca nhiễm COVID-19 mới có triệu chứng trong cộng đồng ở Trung Quốc, 165 trường hợp được báo cáo ở tỉnh Cát Lâm, đánh dấu số người mắc mới hàng ngày cao nhất tại tỉnh phía Đông Bắc này kể từ khi Trung Quốc ghi nhận đợt bùng phát dịch trên toàn quốc đầu tiên vào đầu năm 2020.
Trong khi đó, số trường hợp mắc mới không có triệu chứng lây truyền trong nước, mà Trung Quốc đại lục không phân loại là đã được xác nhận, là 435 ca, gần bằng mức cao nhất trong hai năm qua.
Tuy nhiên, tổng số ca mắc COVID-19 của Trung Quốc được coi là thấp so với các quốc gia khác trên toàn cầu. Quốc gia này vẫn bám trụ chương trình "Zero COVID", trong đó chính quyền các địa phương cố gắng xác định và cách ly mọi trường hợp mắc bệnh và những người tiếp xúc gần một cách nhanh chóng, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế với mức độ khác nhau để cắt giảm nguồn lây nhiễm.
Ngày 10/3, Trung Quốc ghi nhận thêm 528 ca mắc COVID-19. Đến nay, tổng cộng 112.385 người ở Trung Quốc đã nhiễm bệnh, bao gồm 4.636 bệnh nhân không qua khỏi.
Ngày 10/3, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đã ghi nhận 31.402 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 24.390 người được xác nhận bằng xét nghiệm axit nucleic và 7.012 trường hợp thông qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà. Theo ông Âu Gia Vinh, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sở Y tế Hong Kong, làn sóng lây nhiễm thứ 5 của đại dịch COVID-19 tại Hong Kong có thể đã đạt đỉnh. Tham khảo số liệu của hai tuần qua, từ ngày 2 - 4/3, vào lúc cao điểm của dịch bệnh, tại Hong Kong đã có trên 50.000 ca/ngày, sau đó giảm xuống 30.000 ca/ngày trong các ngày tiếp theo.
Cũng theo ông Âu Gia Vinh, số liệu được báo cáo thông qua xét nghiệm nhanh có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phân tích và phán đoán tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, ông kêu gọi công chúng không vì số ca mắc có xu hướng giảm mà xem nhẹ dịch bệnh và vẫn phải duy trì ý thức phòng dịch.
Trong một diễn biến khác liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo sáng 10/3, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, hiện tại chưa phải là thời điểm để thành phố này dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay đến từ 9 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh, Mỹ và Nepal.
Đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra nhận định này gần hai năm sau khi lần đầu tiên ông sử dụng cụm từ “đại dịch” để cảnh báo thế giới về mối đe dọa ngày càng tăng từ COVID-19.
Theo Tổng Giám đốc WHO, khi virus gây bệnh tiếp tục biến đổi, các nước trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ vaccine, tiến hành xét nghiệm và điều trị. Ông cũng cảnh báo, tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh gần đây, cho rằng điều này khiến nhà chức trách có thể đánh giá sai về diễn biến dịch bệnh.
Trong bản cập nhật hàng tuần về dịch bệnh mới đây, WHO cho biết, biến thể Omicron phổ biến hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này chiếm 99,7% mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 30 ngày qua và đã được giải trình tự gene.
WHO lưu ý, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tiếp cận không công bằng về xét nghiệm, điều trị và vaccine ngừa COVID-19, dẫn đến đại dịch kéo dài. Về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, số liệu mới nhất của WHO cho thấy, 23 nước vẫn chưa tiêm đủ liều cho 10% dân số, trong khi 73 nước chưa đạt được mục tiêu trong đầu năm 2022 bao phủ vaccine cho 40% dân số.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()