Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
Làn sóng đầu tư vào chăn nuôi
Chủ nhật, 05/06/2022 | 08:19:12 [GMT +7] A A
Quy mô ngành chăn nuôi của Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu.
Có tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và nước ngoài đang đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, chăn nuôi Việt Nam có tiềm lực rất lớn. Cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đều phát triển toàn diện nên tốc độ phát triển chăn nuôi vẫn đạt từ 4-5%. Như các ngành khác, chăn nuôi cũng đang đi theo hướng chuỗi khép kín và kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong vài năm nữa, chăn nuôi Việt Nam sẽ có bước chuyển mạnh. Bởi, gần đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín, đặc biệt là có chế biến sâu như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư tổ hợp giá trị 250 triệu USD tại Bình Phước với mục tiêu 45% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tại Hà Nội; Masan đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…
Mới đây, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan) đã khởi công Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tổ hợp dự kiến có quy mô sử dụng khoảng 100 ha đất, bao gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống cụ kỵ chọn lọc được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan; nhà máy giết mổ lợn thịt; nhà máy sản xuất phân hữu cơ; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ; khu canh tác theo hướng hữu cơ...
Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội, mang lại cơ hội giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai.
Hướng tới chuỗi giá trị “Từ nông trại tới bàn ăn”, mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cam kết sẽ đầu tư 52 triệu USD dưới hình thức cổ phần phổ thông vào Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin. Khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ Tập đoàn Mavin phát triển đàn lợn giống chất lượng cao và mở rộng công suất chăn nuôi lợn tại Việt Nam.
Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mavin cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành nhà sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng. Do đó, Tập đoàn Mavin mong muốn thu hút các nguồn lực để hỗ trợ giúp tăng nhanh công suất sản xuất và nâng cao chất lượng thịt thành phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Không chỉ các doanh nghiệp ngoại quan tâm ngành chăn nuôi Việt Nam, ngay cả doanh nghiệp nội cũng đã bắt tay nhau phát triển lĩnh vực tiềm năng này. Điển hình như, Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco) đã ký kết hợp tác phát triển chăn nuôi lợn với mục tiêu đạt 1 triệu con đến năm 2028 tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.
Theo thỏa thuận hợp tác, Dabaco chịu trách nhiệm cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật; còn TSC chịu trách nhiệm tìm địa điểm, xây dựng hệ thống chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư của liên doanh lên đến 3.000 tỷ đồng.
Mức đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng lên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Masan, Dabaco, Tân Long, Trường Hải, Hòa Phát...; doanh nghiệp nước ngoài như C.P. Việt Nam, De Heus, Japfa... và các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm theo mô hình chuỗi khép kín.
Nhờ những làn sóng đầu tư này chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp ngày càng tăng, số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ đang giảm dần. Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Điển hình trong chăn nuôi lợn, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng năm 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm từ 15-20%. Số cơ sở quy mô từ 1.500 con trở lên là 1.627, chiếm 24,2% tổng đàn lợn của cả nước. Trong số đó, nổi bật là 16 doanh nghiệp lớn, có quy mô tới 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước.
Chẳng hạn như Bình Phước đang hướng tới trở thành trung tâm chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tiên tiến và hiện đại của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Chăn nuôi theo chuỗi đang được địa phương này và các nhà đầu tư chú trọng phát triển. Tỉnh bước đầu hình thành 1 chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn của Công ty Japfa và đang hoàn thiện 1 chuỗi sản xuất thịt gà an toàn của Công ty TNHH CPV Food để đưa sản phẩm chế biến ra thị trường thế giới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 tập đoàn chăn nuôi lớn đã đầu tư như: C.P. Việt Nam, Japfa, Emivest, CJ, Hòa Phước, Tân Long, New Hope, Dabaco… và hơn 260 doanh nghiệp, công ty xây hơn 400 trang trại cho các tập đoàn chăn nuôi thuê. Hầu hết dự án đầu tư mới là chăn nuôi công nghiệp, công nghệ chuồng kín, hiện đại.
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh luôn ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận mạnh, các sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi khép kín luôn mang giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp sẽ đưa chăn nuôi Việt Nam tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()