Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:30 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2024: Làn gió mới từ những Nghị quyết gắn kết ý Đảng lòng dân Bài 1: Đổi thay tích cực từ Nghị quyết 06
Thứ 2, 21/10/2024 | 17:00:00 [GMT +7] A A
Diện mạo nông thôn miền núi Tiên Yên đang từng ngày “thay da đổi thịt”, những con đường bê tông được trải dài khắp đường làng, ngõ xóm vùng cao, đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao ngày càng ấm no, hạnh phúc… Đó chính là thành quả kết tinh từ những chủ trương đúng, cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, được Đảng bộ huyện Tiên Yên cụ thể hóa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 06 – NQ/TU).
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Trước đây, bà Nình Móc Dìn thôn Khe Lục, xã Đại Dực, phải đi rất xa để gánh nước từ các con suối về sinh hoạt, thì nay, nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh đã được đưa đến tận nhà. Bà Dìn chia sẻ: “Từ khi được huyện đầu tư công trình xử lý nước sạch trên địa bàn xã, người dân chúng tôi không còn phải đi xa để gánh nước, cũng không phải lo nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Cảm ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm, đầu tư giúp người dân vùng cao chúng tôi có nguồn nước sinh hoạt hợp ổn định, không còn lo mưa lũ bị đục bẩn như trước nữa”. Niềm vui của bà Dìn cũng là niềm vui chung của người dân xã vùng cao Đại Dực trong năm 2023, khi được huyện Tiên Yên đầu tư công trình bể chứa, bể lọc nước tự chảy với đầy đủ các hạng mục đảm bảo xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch sinh hoạt. Công trình có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho hơn 600 hộ dân trên địa bàn. Công trình này được chính người dân trong thôn trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ thông qua một Ban quản lý gồm trưởng thôn, đại diện các đoàn thể, hộ dân và được duy trì hoạt động theo Quy chế được UBND xã ban hành và thông qua.
Cũng như đồng bào ở xã Đại Dực, người dân ở xã Phong Dụ giờ đây cũng được thụ hưởng nước sạch sinh hoạt về đến từng hộ gia đình nhờ công trình đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt tại xã Phong Dụ. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, do UBND huyện Tiên Yên làm chủ đầu tư.
Ông Hoàng Văn Lường, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Văn Mây (xã Phong Dụ) chia sẻ: “Trước đây, người dân trong thôn phải dẫn nước từ các khe suối trên đồi cao về nhà. Chi phí để thay ống dẫn nước hằng năm rất tốn kém, nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa khô, khe suối cạn, người dân phải đi rất xa để gánh nước về sinh hoạt. Bây giờ, khi có nguồn nước sạch của nhà nước đầu tư, người rất phấn khởi”.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Tiên Yên đã đầu tư xây dựng 17 công trình thực hiện cấp nước sạch tập trung cho 2.350/2518 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn toàn huyện đạt 86,87%.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 06 Tỉnh ủy về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực sự là bệ phóng cho huyện miền núi Tiên Yên trong việc phát triển hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
Trong 3 năm, triển khai các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy, lồng ghép cùng các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Tiên Yên đã tranh thủ tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và nguồn lực sẵn có của địa phương để triển khai thực hiện 11 dự án, với tổng kinh phí hơn 303 tỷ đồng. Nhất là các dự án về đường giao thông, đến nay, 100% đường liên xã, liên thôn đều được bê tông hoặc nhựa hóa; 99,2% đường ngõ xóm được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu, phải kể đến công trình xây dựng, mở rộng, nâng cấp tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ) được khởi công từ năm 2021, với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng từ nguồn vốn tỉnh được hoàn thành, kịp thời đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương trong việc giao thương buôn bán, sinh hoạt, tạo động lực quan trọng phát triển cho xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện.
Cùng với đó, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng người dân tộc ở các xã vùng cao như: Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Nhà Văn hóa dân tộc Tày thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ,…
Cụ thể hóa Nghị quyết 06 bằng những việc làm cụ thể đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo ở các xã vùng đồng bào DTTS của huyện Tiên Yên; góp phần tạo một diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi của huyện theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên vùng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Tiên Yên còn đặc biệt quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ, giúp người dân vùng đồng bào DTTS có “điểm tựa” để phát triển kinh tế, giảm nghèo, chủ động làm kinh tế đó là từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của huyện và tỉnh. Trong giai đoạn 2019 - 2023, huyện đã tạo điều kiện cho gần 4.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số được vay vốn với tổng số tiền 186,31 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình người đồng bào DTTS đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Lại Ngọc Tú, xã Hà Lâu; Mô hình ươm cây giống của gia đình ông Chìu Quay Sồi, thôn Đồng Và, xã Yên Than hay mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Bùi Văn Tuấn xã Yên Than... Đến nay, đàn gà Tiên Yên thương phẩm trên địa bàn huyện đạt trên 1,2 triệu con/năm; sản lượng tôm đạt trên 4500 tấn/năm đã góp phần quan trọng chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và cải thiện mức thu nhập cho nhân dân.
Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 77/triệu đồng/người/ năm, trong đó, người DTTS huyện Tiên Yên đạt 73,8 triệu đồng/năm, tăng 1,47 lần so với năm 2020. Đến nay, toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, Tiên Yên cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Huyện có 5 xã thuộc khu vực miền núi đạt chuẩn nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao. Những kết quả đó đã góp phần đưa Tiên Yên trở thành một trong hai huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Yên cho biết: “Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy được ban hành đúng thời điểm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện và phù hợp với lợi ích chung của nhân dân, do vậy đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tiên Yên đã cụ thể hóa trong Chương trình hành động và kế hoạch của BTV Huyện ủy. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ các chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các vùng đồng bào DTTS của huyện, từng bước rút ngắn khoảng cách miền núi với miền xuôi. Khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí tự cường chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện”.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện đã nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; tạo ra nền tảng vững chắc, khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới trong nhân dân ở các vùng khó khăn của huyện có điều kiện vươn lên, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Trần Hoàn (Trung tâm TT – VH TP Tiên Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()