Quả thận của lợn đã hoạt động bình thường sau khi ghép vào cơ thể người, được coi là bước đột phá về khoa học. Hiện các chuyên gia chưa thể giải đáp các câu hỏi về hiệu quả hoặc di chứng lâu dài của ca cấy ghép, song cho rằng đây là mốc quan trọng.
"Chúng ta cần có thêm kiến thức về tuổi thọ của nội tạng. Đây là bước tiến lớn", giáo sư Dorry Segev, khoa phẫu thuật cấy ghép tại Trường Y Johns Hopkins, cho biết.
Ca phẫu thuật ghép diễn ra tại Cơ sở Y tế NYU Langone vào tháng 9, chưa được bình duyệt hay công bố trên các tạp chí y khoa. Quả thận lấy từ một con lợn đã biến đổi gene, sao cho không xảy ra tình trạng thải ghép khi đưa vào cơ thể người.
Gần giống với quy trình thực tế, thận của lợn được ghép vào cơ thể một bệnh nhân chết não, đang thở máy. Bệnh nhân từng đăng ký hiến tạng, song nội tạng của anh không phù hợp để ghép cho bất cứ ai. Gia đình bệnh nhân đã cho phép bác sĩ thực hiện thử nghiệm này.
Theo tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện cấy ghép Langone NYU, quả thận hoạt động bình thường sau ca phẫu thuật, tạo ra nước tiểu và chất cặn bã creatinine "gần như ngay lập tức".
"Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn chúng tôi mong đợi. Nó giống với bất kỳ ca cấy ghép nào tôi từng thực hiện với người hiến tặng còn sống. Rất nhiều thận của người hiến đã qua đời không thể hoạt động ngay lập tức mà phải mất vài ngày hoặc vài tuần. Song (quả thận từ lợn) đã hiệu quả luôn", ông Montgomery nói.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã tìm cách nuôi cấy cơ quan nội tạng ở lợn sao cho phù hợp để cấy ghép lên người. Số nội tạng ổn định, gồm tim, phổi và gan từ lợn có thể cứu sống hơn 100.000 người Mỹ đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng. Mỗi ngày, 12 người có thể tử vong khi chờ phẫu thuật cấy ghép.
Hơn nửa triệu người Mỹ bị suy thận phải sống nhờ vào liệu trình lọc máu mệt mỏi, phần lớn là do khan hiếm tạng hiến. Đại đa số bệnh nhân lọc máu không đủ điều kiện cấy ghép - thủ thuật y khoa vốn đòi hỏi thể trạng mạnh mẽ để hồi phục sau này.
Năm ngoái, hơn 39.000 người Mỹ đã được cấy ghép nội tạng. Phần lớn trong đó (khoảng 23.000 người) ghép thận, theo United Network for Organ Sharing, mạng lưới phi lợi nhuận điều phối nỗ lực tìm tạng hiến cấp quốc gia.
Tiến sĩ Montgomery cho biết: "Lợn biến đổi gene là nguồn nội tạng bền vững tiềm năng, có thể tái tạo như năng lượng mặt trời và gió".
Phản ứng của giới chuyên gia rất phong phú, từ lạc quan, thận trọng đến hết sức phấn khích. Dù vậy, tất cả đều thừa nhận ca phẫu thuật ghép này đánh dấu bước tiến lớn. Song ý tưởng nuôi lợn để lấy nội tạng chắc chắn làm dấy câu hỏi về quyền động vật và quy trình khai thác. Ước tính, mỗi năm có khoảng 100 triệu con lợn ở Mỹ bị làm thịt.
Một số bác sĩ phẫu thuật phỏng đoán chỉ vài tháng nữa, họ có thể thực hiện ghép thận từ lợn biến đổi gene vào người sống. Số khác cho rằng giới khoa học còn phải đi một chặng đường dài.
Tiến sĩ Amy Friedman, cựu bác sĩ phẫu thuật, giám đốc y tế của LiveOnNY, nhận định: "Đây là ca phẫu thuật cấy ghép tiên tiến vượt thời đại, có triển vọng thực hiện ở người sống. Thật sự khó tưởng tượng chúng tôi có thể thực hiện bao nhiêu ca cấy ghép kiểu này. Tất nhiên bạn vẫn phải nhân giống lợn".
Chuyên gia khác tỏ ra dè dặt hơn, muốn xem xét thêm dữ liệu do NYU Langone thu thập và theo dõi liệu kết quả có khả quan hay không.
Tiến sĩ Jay A. Fishman, phó giám đốc trung tâm cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: "Nghiên cứu có trở thành bước đột phá trong lĩnh vực này không, hay đây chỉ là cách để các bác sĩ chứng minh họ có thể làm được (ghép nội tạng từ động vật cho người). Điều này còn phụ thuộc vào dữ liệu được thu thập".
Theo tiến sĩ David Klassen, giám đốc y tế của United Network for Organ Sharing, viễn cảnh ghép nội tạng lợn biến đổi gene cho người sống còn đứng trước nhiều rào cản. Ông gọi ca phẫu thuật là "khoảnh khắc khởi nguồn", song cũng cảnh báo tình trạng thải ghép có thể xảy ra ngay cả với người hiến tặng tương thích, khi không có khác biệt về giống loài.
Thực tế, quá trình cấy ghép cơ quan hoặc mô giữa các loài khác nhau có lịch sử lâu đời, với tên gọi "xenotransplantation". Từ hàng trăm năm trước, giới khoa học đã cố gắng sử dụng máu và da động vật cho người. Những năm 1960, các bác sĩ thử ghép thận của tinh tinh cho một vài bệnh nhân, song hầu hết tử vong ngay sau đó. Bệnh nhân sống lâu nhất là 9 tháng. Năm 1983, một bé sơ sinh được cấy ghép trái tim của khỉ đầu chó, em qua đời sau 20 ngày.
Lợn mang lại nhiều lợi thế hơn các loài linh trưởng. Chúng dễ nuôi, trưởng thành nhanh và đạt kích thước tương đương con người trong vòng 6 tháng. Van tim lợn từng được cấy ghép cho người, một số bệnh nhân tiểu đường dùng tế bào tuyến tụy từ lợn. Da lợn cũng được sử dụng để ghép tạm thời cho bệnh nhân bỏng.
Sự kết hợp của hai công nghệ mới - chỉnh sửa gene và nhân bản - tạo ra các cơ quan nội tạng biến đổi gene. Tim và thận lợn đã được cấy ghép thành công cho khỉ và khỉ đầu chó. Song do lo ngại về độ an toàn, đến nay các ca phẫu thuật trên người còn hạn chế.
"Lĩnh vực này mắc kẹt trong giai đoạn tiền lâm sàng, vì việc chuyển từ linh trưởng sang người sống là bước nhảy vọt lớn", tiến sĩ Montgomery nhận định.
Ý kiến ()