Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:45 (GMT +7)
Lần đầu tiên ngân hàng bán nợ vay tiêu dùng
Thứ 4, 26/05/2021 | 16:29:23 [GMT +7] A A
Một ngân hàng thương mại vừa rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm, không hạ giá…
Theo các chuyên gia tài chính, việc mua bán khoản nợ vay tiêu dùng của ngân hàng (NH) thương mại nếu suôn sẻ và diễn ra thường xuyên có thể kích thích thị trường mua bán nợ ở phân khúc này.
Chưa phải nợ xấu cũng bán
NH TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) vừa rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ.
Các khoản nợ vay tiêu dùng của nhiều khách hàng với những món vay nhỏ, giá trị từ 1,68 triệu đồng đến 17,58 triệu đồng. Giá trị ghi sổ khoản nợ gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt.
Đáng lưu ý, các khoản nợ vay tiêu dùng này không có tài sản bảo đảm và giá bán khởi điểm bằng đúng với giá trị ghi sổ. NH cũng yêu cần tiền đặt trước của khách hàng có nhu cầu mua khoản nợ bằng đúng với giá bán khởi điểm. Tổng giá trị của 9 khoản nợ này chưa tới 100 triệu đồng.
Thông tin này gây bất ngờ trên thị trường, bởi rao bán khoản nợ để xử lý, thu hồi nợ vay, nợ xấu là nghiệp vụ bình thường của các NH thương mại. Tuy nhiên, các NH thương mại thường rao bán khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô…, trong khi rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm là khá mới mẻ.
Chưa kể, Vietinbank yêu cầu giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua bán khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu… Người mua có thể mua từng khoản hoặc mua tất cả khoản nợ.
Đại diện Vietinbank cho biết rao bán khoản nợ vay tiêu dùng là một trong những nghiệp vụ bình thường của NH theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Có những khoản nợ chưa xấu nhưng NH có nhu cầu vẫn được rao bán.
"Có thể đây là lần đầu NH rao bán với thông tin công khai nên thu hút sự chú ý của thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục bán các khoản nợ tương tự. Về giá bán khởi điểm bằng giá trị sổ sách là mong muốn của NH thu hồi nợ, trong trường hợp không bán được, NH sẽ tính toán để hạ giá những lần tiếp theo" - đại diện Vietinbank nói.
Đại diện Công ty Tài chính Fe Credit cho biết việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng theo quy định cũng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Đây là một nghiệp vụ trong quá trình xử lý nợ. Khi có nhu cầu thu hồi vốn cho hoạt động kinh doanh, các công ty tài chính sẽ rao bán khoản nợ vay. Dù vậy, thị trường mua bán nợ ở phân khúc này chưa thật sự nhộn nhịp.
Góp phần xử lý nợ xấu
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định tỉ lệ nợ xấu của phân khúc vay tiêu dùng theo quy định được phép cao hơn so với những phân khúc khác. Nhưng thực tế, với những khoản vay tiêu dùng như mua hàng trả góp hoặc vay tiêu dùng nhỏ lẻ, khách hàng thường trả nợ đúng hạn và nợ xấu rất thấp.
"Trong trường hợp này, việc NH rao bán khoản nợ vay tiêu dùng sẽ khả thi vì người mua lại khoản nợ đã có địa chỉ, thông tin rõ ràng của người vay…, khả năng đòi được nợ rất cao. Đồng thời, người mua nợ sẽ được nhiều hơn là cơ sở dữ liệu, thông tin về khách hàng. Như ở nước ngoài, có phân khúc "tái cấp" cũng khá nhộn nhịp, tức cho vay lại đối với những khách hàng đang mắc nợ được đánh giá có khả năng chi trả trong tương lai" - TS Huỳnh Trung Minh phân tích.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc rao bán khoản nợ vay tiêu dùng nguyên giá nợ gốc, lãi và lãi phạt là không dễ. Bởi trong xử lý nợ xấu, ngay cả khoản nợ có tài sản bảo đảm, các NH cũng chỉ bán được với mức giá bằng 50%-70%. Đơn vị mua nợ còn phải tính toán chi phí, lợi nhuận sau khi mua khoản nợ đó…
"Ai cũng có thể mua khoản nợ vay tiêu dùng, vì luật chỉ cấm đòi nợ thuê chứ không cấm tự đi đòi nợ cho mình, người mua lại nợ của NH sẽ có quyền như NH là được đòi khoản nợ đó theo giá trị sổ sách. Dù vậy, đây là hiện tượng khá lạ trong lĩnh vực rao bán khoản nợ để xử lý nợ xấu" - luật sư Trương Thanh Đức nhận xét.
Thời gian qua, phân khúc cho vay tiêu dùng được các NH thương mại, công ty tài chính đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng được khuyến khích trong việc đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết cho người dân.
Dù vậy, chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho rằng cho vay tiêu dùng phát triển mạnh đi kèm với rủi ro nợ xấu gia tăng nhưng lại chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa ở phân khúc này. Sau khi luật cấm dịch vụ đòi nợ thuê, các công ty tài chính và cả NH thương mại cũng phải tự xử lý những khoản nợ xấu từ phân khúc cho vay tiêu dùng, bao gồm cả những món vay có giá trị nhỏ chỉ từ vài triệu đồng…
Theo các chuyên gia, nếu những khoản nợ vay tiêu dùng được một NH thương mại rao bán thành công, có thể kích thích những NH khác cũng rao bán, từ đó tạo thị trường mua bán nợ vay tiêu dùng nhộn nhịp hơn, góp phần xử lý nợ xấu từ phân khúc này.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()