Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:46 (GMT +7)
Lặn biển ngắm san hô Vịnh Hạ Long
Thứ 2, 19/07/2021 | 16:28:32 [GMT +7] A A
Lặn biển lần nào cũng đem lại những trải nghiệm đặc biệt cho tôi, vậy nhưng tôi không thể quên lần lặn biển đầu tiên của mình. Đó là vào một ngày đầu tháng 6/2018, chúng tôi tiến hành khảo sát định kỳ các hệ sinh thái trên Vịnh Hạ Long, trong chuyến đi này, đối tượng trọng điểm điều tra là hệ sinh thái rạn san hô...
Tôi khi biết sẽ được tham gia một chuyến “phiêu lưu” trên Vịnh Hạ Long đã cực kỳ háo hức. Tuy không phải là lần đầu tiên được ngắm nhìn san hô, nhưng đó là những rạn san hô đã được đưa vào khai thác du lịch như tại vịnh san hô Nha Trang, còn san hô ở Vịnh Hạ Long lại là một điều hoàn toàn lạ lẫm. Vì vậy, với sự tò mò cố hữu, đêm trước ngày xuất phát, tôi hồi hộp đến độ không ngủ nổi, nếu không vì đảm bảo sức khỏe để hôm sau bơi lặn, chắc tôi thức thông đêm luôn.
Chờ đợi mãi cuối cùng trời cũng sáng, đúng 7h, tàu chúng tôi xuất phát từ bến Đoan. May mắn thay, dù trước đó Hạ Long vừa trải qua cơn bão số 6 nhưng qua cơn bão trời lại sáng, thời tiết đẹp và rất phù hợp với một buổi khảo sát san hô. Sau 45 phút, tàu chúng tôi đến địa điểm tiến hành khảo sát – Bù Xám. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh giá độ phủ và sử dụng máy quay ghi lại những hình ảnh thực tế của hệ sinh thái rạn san hô.
Việc đầu tiên chúng tôi cần làm là “lên đồ”, theo đúng nghĩa của nó, nghe thì khá nghiêm trọng nhưng đó là sự thật bởi làm việc dưới đáy biển là công việc hết sức nguy hiểm, đòi hỏi mọi sự chuẩn bị phải chỉn chu và chuẩn xác ở mức cao nhất. Một bộ đồ lặn tiêu chuẩn gồm thành phần chính là bộ quần áo lặn liền thân giúp giữ thân nhiệt nặng 3kg, một bình khí nén nặng xấp xỉ 12kg, kính bơi và chân vịt. Như vậy, mỗi người chúng tôi phải mang trên mình xấp xỉ 20kg trang thiết bị, chưa kể các dụng cụ khảo sát san hô như búa, dây thừng và cọc sắt… vì vậy yêu cầu thành viên tham gia đoàn phải có sức khỏe rất tốt và nghị lực cao. Mọi quy trình như kiểm tra áp suất bình dưỡng khí, sự chắc chắn của các chốt nối… đều phải được làm tỉ mỉ hết sức có thể.
Xuống nước, gió nhẹ, không khí không quá nóng bức, sau một vài phút làm quen với môi trường, chúng tôi bắt đầu lặn từ từ xuống độ sâu 4m. Khi xuống đến độ sâu 3,5m, chúng tôi bắt đầu quan sát được những vỉa san hô. Quả thực, tôi ở thời điểm đó đúng với nghĩa của từ kích động, thực sự rất chi là kích động khi mở ra trước mắt mình như một thế giới hoàn toàn khác, đầy màu sắc và lung linh giống như khung cảnh của một bộ tiểu thuyết huyền huyễn. Tuy mới là 4m, còn lâu mới đạt tiêu chuẩn Hai vạn dặm dưới biển của cụ Jules Verne, nhưng tôi cảm thấy như là mọi thứ từ tiểu thuyết đã hiển hiện ra trước mắt mình vậy. Phải khó khăn lắm, niệm thần chú “tĩnh tâm” 3,14 lần, tôi mới có thể bình tĩnh lại và tiếp tục công việc. Tuổi trẻ mà, cảm xúc mạnh cũng là bình thường phải không các bạn?
Tôi bắt đầu đóng cố định một cọc kim loại ở đầu tuyến khảo sát. Xin nói thêm về phương pháp khảo sát độ phủ rạn san hô mà chúng tôi sử dụng – Reef check, đây là một giải pháp cổ điển và hiệu quả đã và đang được những tổ chức bảo tồn thiên nhiên trên toàn thế giới sử dụng với những rạn san hô trên toàn thế giới như Great Barrier tại bang Queensland thuộc Australia. Về cơ bản, chúng tôi sẽ cố định 2 đầu tuyến khảo sát san hô (độ dài tuyến chúng tôi sử dụng là 100m), rồi sẽ bơi dọc theo tuyến ấy, ghi nhận những đối tượng như san hô cứng, san hô mềm, hải miên, các sinh vật sống trong hệ sinh thái rạn san hô… Từ đó, chúng tôi sẽ đánh giá phần trăm độ phủ dựa trên khả năng bắt gặp của các đối tượng trên đường khảo sát. Nghe qua thì rất đơn giản đúng không? Đúng, mọi thứ sẽ rất đơn giản nếu chúng tôi không thực hiện ở độ sâu 4m dưới đáy biển, đặc biệt là với một địa điểm có dòng chảy và địa hình đáy phức tạp như Vịnh Hạ Long, mọi hoạt động của bạn đều bị tăng độ khó lên cả chục lần. Chỉ riêng việc lơ lửng đứng yên một chỗ để quan sát, đếm san hô thôi đã đòi hỏi một khả năng giữ thăng bằng ở mức “thượng thừa”, sự am hiểu và quen thuộc thủy tính ở mức “đại hành gia”…
Cũng có thể có nhiều người bơi lặn giỏi sẽ nói “đứng yên dưới nước có khó gì đâu?”, nhưng các bạn đừng quên 20kg thiết bị đã nói ở trên, khi mang theo phụ tải xuống nước thì dù chỉ là một luồng nước nhẹ trôi qua thôi cũng đã ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của bạn rồi. Trên hành trình ôm dây đếm vật, ngoài san hô và hải miên, còn rất nhiều sinh vật khác như cá hề, cá mó, tôm… xuất hiện làm tô điểm thêm màu sắc sinh động của rạn san hô. Sở dĩ ở rạn san hô tồn tại nhiều loài sinh vật như thế bởi trong quá trình sinh trưởng của mình, các loài san hô cứng sẽ tạo nên lớp xương Canxi rất vững chắc, kết lại thành từng rạn, từng dải cực kỳ kiên cố giống như lớp trường thành bảo vệ cho quần thể sinh vật dưới đáy đại dương. Đây vừa là nơi ở, vừa là nơi kiếm ăn, vừa cung cấp nguồn thức ăn cho đông đảo các loài sinh vật đáy Vịnh Hạ Long, vì vậy người ta ví rạn san hô như một cánh rừng nhiệt đới dưới đáy đại dương. Tuy nhiên, trái với lầm tưởng của một vài người, san hô là loài động vật dù cho chúng có cuộc sống êm đềm, cố định và vai trò khá tương đồng với rừng nguyên sinh trên cạn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh giá độ phủ của rạn san hồ, lúc này chúng tôi mới có dịp ngắm nhìn một cách chậm rãi vẻ đẹp của rạn san hô khi tiến hành quay phim tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu. San hô trong mắt chúng tôi là muôn hình vạn trạng, có san hô cành phân nhánh giống như sừng hươu, có san hô cứng kết thành từng cụm tỏa tròn như mái nhà thờ trên Quảng trường đỏ, có cụm thì lại lan dưới đáy tỏa ra như những tai mộc nhĩ, có loài thì thả ra những sợi tơ bắt mồi lả lơi giống mái tóc thướt tha nàng tiên nữ. Cùng một loài san hô, cùng một hình dạng, chúng ta lại có bao nhiêu là màu sắc khác nhau. Tại sao lại như vậy? Bởi vì, san hô là loài động vật thuộc ngành ruột khoang, sống cộng sinh cùng với loài tảo đơn bào Zooxanthellae. San hô cung cấp giá thể và các chất hữu cơ cần thiết cho tảo sinh sống và đổi lại, tảo sẽ tiến hành quá trình quang hợp cung cấp oxy cho san hô, ngoài ra bản thân tảo cũng sẽ cung cấp ngược lại lượng chất dinh dưỡng cho sự sống của san hô. San hô tự bản thân nó không có màu sắc sặc sỡ, xương san hô màu trắng, màu sắc của san hô như chúng ta thường thấy được quyết định bởi màu sắc loại tảo cộng sinh cùng với chúng. Vì vậy khi vì một lý do nào đó mà rạn san hô đào thải tảo cộng sinh hoặc tảo bị chết hàng loạt thì chúng ta có hiện tượng chết trắng, lộ ra màu sắc thực sự của xương san hô.
Cuối cùng, dù rất lưu luyến vườn địa đàng dưới đáy biển, vì lý do tất yếu – bình chuẩn bị hết dưỡng khí, chúng tôi phải trở lại mặt nước. Kết thúc chuyến đi đầy cảm xúc, tôi càng thêm yêu, thêm tự hào về cảnh vật thiên nhiên Vịnh Hạ Long, càng thêm đam mê, khao khát cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của bản thân góp phần bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Phạm Lê Minh
Liên kết website
Ý kiến ()