Cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. Việc theo dõi thường xuyên, sử dụng thuốc hợp lý, duy lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát mức cholesterol. Dưới đây là những quan niệm sai lầm về loại chất béo này, theo Healthline.
Cholesterol cao có triệu chứng rõ ràng
Hầu hết những người có cholesterol cao không có triệu chứng. Một số người phát triển các mảng cholesterol tích tụ trên da có màu hơi vàng gọi là xanthomas. Tuy nhiên, khi có biểu hiện này thì mức cholesterol cực cao.
Nhiều người chỉ gặp các triệu chứng khi bị biến chứng do xơ vữa động mạch, hoặc hẹp động mạch. Ở những người bị xơ vữa động mạch, mảng bám hình thành từ cholesterol, chất béo, các vật liệu khác tích tụ trong động mạch. Khi mảng bám tích tụ, viêm nhiễm có thể xảy ra.
Khi các động mạch thu hẹp, lưu lượng máu đến tim, não và các bộ phận khác của cơ thể giảm. Điều này có thể gây ra các biến chứng như: đau thắt ngực (đau ngực), rối loạn chức năng thận, đau chân khi đi bộ...
Tất cả các loại cholesterol đều xấu
Cholesterol là một chất quan trọng giúp cơ thể hoạt động bình thường. Gan tạo ra cholesterol để sản xuất màng tế bào, vitamin D, các hormone quan trọng. Cholesterol di chuyển trong cơ thể nhờ lipoprotein, có 2 loại cholesterol chính:
LDL- cholesterol: đóng vai trò vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu thì có nguy cơ xuất hiện hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và phổi), hạn chế lưu thông máu gây xơ vữa động mạch. Chính vì vậy LDL – cholesterol được gọi là cholesterol "xấu". Giảm LDL giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
HDL (lipoprotein mật độ cao): đây là cholesterol "tốt", giúp mang cholesterol trở lại gan, loại bỏ nó khỏi cơ thể. Mức HDL cao có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Phụ nữ không phải lo lắng về lượng cholesterol cao
Cholesterol cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong số một ở phụ nữ. Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol đặc biệt đối với phụ nữ như: thai kỳ; cho con bú; thay đổi nội tiết tố; thời kỳ mãn kinh...
Mức cholesterol là kết quả duy nhất của việc tập thể dục, ăn kiêng
Tập thể dục và chế độ ăn uống là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức cholesterol. Tuy nhiên, có những yếu tố khác tác động đến loại chất béo này bao gồm: hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc thụ động, béo phì hoặc quá yếu, sử dụng rượu mạnh, các yếu tố di truyền dẫn đến cholesterol cao.
Dùng thuốc điều trị cholesterol cao thì không cần phải lo lắng về chế độ ăn uống
Hai nguồn ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu gồm: bạn ăn gì, những gì gan tạo ra. Thuốc giảm cholesterol thông thường giúp làm giảm lượng cholesterol mà gan tạo ra. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc điều trị nhưng bạn không ăn một chế độ ăn uống cân bằng, mức cholesterol vẫn có thể tăng lên.
Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao không tốt
Các nhà nghiên cứu cho biết, ăn thực phẩm giàu cholesterol không nhất thiết dẫn đến mức cholesterol trong máu cao. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, đối với hầu hết mọi người, ăn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao lành mạnh không có hại cho sức khỏe. Thậm chí, một số còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng mà nhiều người đang thiếu trong chế độ ăn uống.
Để cải thiện sức khỏe tim mạch, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên, bệnh nhân cải thiện chế độ ăn uống tổng thể. Điều đó đồng nghĩa bạn nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả, các loại ngũ cốc, cây họ đậu, các loại hạt, thịt nạc... Bạn cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói.
Không cần kiểm tra cholesterol nếu dưới 40 tuổi, thể trạng tốt
Cholesterol cao ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tất cả người lớn tuổi 20 trở lên nên làm xét nghiệm cholesterol năm năm một lần. CDC Mỹ khuyên, nếu bạn nằm trong các trường hợp như bị bệnh tim; có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc đau tim sớm, đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường cần kiểm tra sức khỏe, mức cholesterol thường xuyên.
Ý kiến ()