Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:50 (GMT +7)
Làm sao để phân biệt Fake news và chống Fake news?
Thứ 7, 18/06/2022 | 14:44:45 [GMT +7] A A
Ngày 18/6, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Báo Chí TP Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách “Fake news và chống Fake news” của tác giả Đỗ Đình Tấn, nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2022.
Tại buổi giao lưu, tác giả - nhà báo Đỗ Đình Tấn, nhà báo Phạm Thục đã đưa ra khái niệm và giải pháp cụ thể để giúp những người trẻ có thể phân biệt và xử lý những tin giả, tin xấu, tin độc hại… trên các trang mạng xã hội.
Theo tác giả, nhà báo Đỗ Đình Tấn cho biết, Fake news là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ để đánh lừa công chúng, nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.
“Vì vậy, những người trẻ thông minh cần tỉnh táo trước các thông tin lan truyền trên các trang mạng xã hội. Cụ thể, khi đọc một thông tin hay tiếp cận được một thông cần có sự kiểm chứng ở nhiều khía cạnh. Đối với các cơ quan quản lý, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho người dân về những thông tin xấu trên mạng xã hội; tiếp tục khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các đơn vị, trường học để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin dồn, tin độc hại, thất thiệt, sai sự thật… cho người dân, đặc biệt là các bạn trẻ”, nhà báo Đỗ Đình Tấn cho biết thêm.
Trong khi đó, nhà báo Phạm Thục cho biết, xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà biểu hiện của nó là sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội. Ở đó, người dùng internet nào cũng có thể dễ dàng sở hữu cho mình hoặc tham gia vài tài khoản trang mạng xã hội với rất nhiều người theo dõi… Tuy nhiên, với quy luật vận động thì sự phát triển chóng mặt của mạng internet cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy, rõ ràng nhất hiện nay là sự gia tăng đáng kể của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội. Cụ thể, trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều tin giả, tin thất thiệt như: vụ bác sỹ Khoa rút ống thở, vụ Giang Kim Cúc và cộng sự...
Vì vậy, theo nhà báo Phạm Thục, muốn ngăn chặn tin giả, người trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin, không để thông tin đó lan truyền; nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng…
Cuốn sách “Fake news và chống Fake news” vừa được xuất bản gồm các chương như: Fake news, sự lây lan và mục đích được tạo ra; Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí; Nhận diện những thách thức và những nguy cơ mới mà tin giả đặt ra; Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác; Xóa mù kiến thức và kỹ năng sống cho công dân.
Tác giả Đỗ Đình Tấn làm việc tại báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh từ năm 1986 đến 2013. Những cuốn sách đã xuất bản của nhà báo Đỗ Đình Tấn gồm: Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và Kinh doanh (2019)… Nhà báo Đỗ Đình Tấn cũng là dịch giả của các tác phẩm: Nước Nhật mua cả thế giới, Chiến tranh vùng Vịnh, Bí kíp dạy con từ 0 - 16 tuổi (3 cuốn), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió)...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()