Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
Làm sạch bãi biển du lịch ở các xã đảo
Chủ nhật, 06/06/2021 | 08:04:04 [GMT +7] A A
Có một thời nhiều bãi biển ở huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô đã được người dân “năng động” dựng hàng quán kinh doanh, rồi các chất thải từ các nhà hàng được thải ra bãi biển. Từ sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương mà nay các bãi biển đã dần trở lại như xưa.
Minh Châu (huyện Vân Đồn) là xã đảo nằm cách xa đất liền. Khi du lịch được mở ra, người dân được tự do mở mang dịch vụ. Vậy là “bãi biển của xã mình”, chẳng ai bảo được ai, mạnh ai người ấy làm và chỉ trên diện tích không lớn đã mọc lên 13 nhà hàng. Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, hàng năm, xã Minh Châu đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch, mà đa phần du khách đều chọn ra bãi biển ăn uống, như thế cũng đủ để hình dung bãi biển phải gánh chịu lượng xả thải khủng khiếp thế nào. Bãi biển Minh Châu từ chỗ cát trắng mịn, nhiều chỗ chuyển thành đen vì bẩn..
Từ Quyết định số 2717/QĐ-UBND tháng 8/2016 của UBND tỉnh, xã Minh Châu sẽ thành khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao được quy hoạch trên diện tích 214,48 ha, gồm các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cải tạo duy trì các hệ sinh thái tự nhiên bãi biển, rừng nhằm tạo ra cảnh quan hấp dẫn và môi trường nghỉ dưỡng tốt phục vụ cho dịch vụ du lịch. Vậy là cần phải dỡ bỏ các nhà hàng gây mất vệ sinh môi trường biển này.
Các tổ chức ban ngành của xã Minh Châu cùng vào cuộc, vận động các nhà hàng ngoài bãi biển tháo dỡ công trình nhà mình. Việc vận động ban đầu không dễ, vì để chủ các nhà hàng từ bỏ “cái cần câu cơm” một thời kiếm ra tiền bạc của mình, trong đó có nhiều người mới đầu tư cơ sở vật chất để kinh doanh nhà hàng với số tiền không nhỏ nhưng chưa kịp thu lại đồng vốn.
Cán bộ xã đã chú ý lắng nghe những ý kiến của chủ các nhà hàng, đồng thời tranh thủ tuyên truyền chủ trương của tỉnh, của Chính phủ để giúp họ hiểu được những cái được của người dân khi Minh Châu trở thành một phần của khu kinh tế đặc biệt. Mọi người hiểu ra cùng tích cực vào cuộc, tháo dỡ những nhà hàng, trả lại vẻ đẹp khi xưa cho bãi biển.
Ngày 10/4/2021, xã Minh Châu cùng với xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 3389/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Để có kết quả này, thì việc trả lại vẻ đẹp cho các bãi biển cũng là một yếu tố quan trọng.
Tại huyện Cô Tô, mùa hè năm 2018 đã hoàn thành việc xây dựng lại bãi tắm Vàn Chảy, ở xã Đồng Tiến. Công trình gồm khu dịch vụ, bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, nhà trực cứu hộ cấp cứu, chòi canh, hệ thống phao tiêu và chỉ dẫn khách tắm biển, hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm. Trước đó, từ cuối năm 2017, tại bãi biển Hồng Vàn, cũng thuộc xã Đồng Tiến, cán bộ huyện Cô Tô và xã Đồng Tiến đã vận động người dân tháo dỡ, di dời 225 căn nhà gỗ, cabin kinh doanh phục vụ, lưu trú, ăn uống… xây dựng trái phép trên đất quốc phòng. Các công trình này được người dân xây dựng từ năm 2013 - 2015 đều không đủ điều kiện xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cảnh quan. Huyện cũng đã quy hoạch một số khu vực để người dân tiếp tục tái phát triển du lịch, đồng thời các hộ kinh doanh phải thực hiện các phương án đảm bảo môi trường, cảnh quan, phát triển du lịch bền vững. Các hộ dân đã được di dời, ổn định và chuẩn bị mùa du lịch tiếp theo.
Cô Tô là hòn đảo nằm giữa trùng khơi, nên các bãi biển thường phải gánh chịu lượng rác theo sóng biển vào bờ và từ nhiều nguồn khác, nên các bãi biển cứ thu dọn xong hôm sau lại nhiều rác.
Dân số Cô Tô có hơn 6.000 người, vào mùa du lịch (khi chưa có dịch Covid-19), hàng năm Cô Tô đón hàng chục vạn lượt du khách, lượng rác lên tới khoảng 14 tấn rác/ngày vào mùa hè chỉ riêng trong khu dân cư. Ngoài khơi và các bãi biển, rác từ các hoạt động chế biến thủy sản, ăn uống vui chơi sinh hoạt của người dân trên bờ thải ra, rác còn từ các tàu thuyền đánh bắt hải sản, các lò sứa hoạt động vào mùa vụ... Công ty TNHH và Sản xuất thiết bị môi trường Thành An làm nhiệm vụ chính dọn rác ở Cô Tô là đơn vị trực tiếp dọn rác chính ở bãi biển nhưng không xuể, nên phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng khác.
Tích cực nhất, phải kể đến các ĐVTN huyện đã vào cuộc từ các hoạt động tình nguyện vào chiều thứ năm hàng tuần, tại các khu vực bãi biển Vàn Chảy, Hồng Vàn (xã Đồng Tiến), bãi Nam Hải (thị trấn Cô Tô), bãi Ba Châu, Vụng Vịnh (xã Thanh Lân). Các đoàn viên, thanh niên đã biết tranh thủ sự vào cuộc của nhiều du khách, các đội thanh niên tình nguyện đến từ các huyện, thị trong và ngoài tỉnh để cùng làm sạch bãi biển.
Chị Nguyễn Thị Thanh, một du khách đến từ TP Hà Nội cho biết: Hãy hình dung biển cả là bồn tắm khổng lồ, nếu trong bồn tắm có rác, thì khi tắm xong bạn có cảm thấy thoải mái sạch sẽ không. Vậy khách du lịch tham gia dọn rác trên bãi biển cũng là để cho chính mình được sạch sẽ.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()